Gỏi sứa hay nộm sứa là món ăn kèm dễ ăn và được nhiều người yêu thích. Vị sứa giòn sần sật, rau thơm, xoài hay sốt chua ngọt đánh thức vị giác người dùng. Sau đây là các hướng dẫn cách làm gỏi sứa ngon, từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý cho tới công thức trộn gỏi. Món này thích hợp làm khai vị hoặc ăn cùng cơm vào ngày nóng giúp giải nhiệt rất tốt.
Ăn sứa biển có tốt không?
Có nhiều loại sứa biển ăn được, mỗi loại lại có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Nhưng nhìn chung, sứa được công nhận là thực phẩm giàu đạm nhưng ít calo, chất chống oxy hóa cũng như khoáng chất quan trọng. Trung bình trong một khẩu phần ăn – 58g sứa khô có:
- 21 cal
- 3g đạm
- 1g chất béo
- 45% nhu cầu selenium hằng ngày
- 10% nhu cầu choline được khuyến nghị hằng ngày
- 7% nhu cầu sắt mỗi ngày của cơ thể
- Sứa cũng là thực phẩm giúp bổ sung canxi, magiê và phốt pho.
Ngoài ra, sứa được đánh giá cao nhờ:
- Chứa axit béo không bão hòa đa (PUFAs): Dù chỉ chứa 1g chất béo nhưng một nửa trong số đó là chất béo không bão hòa đa. Tức là bao gồm omega-3 và omega-6, những chất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt omega-3 có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Giàu Polyphenol: Hàm lượng Polyphenol trong sứa rất cao. Hợp chất tự nhiên này được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa rất tốt. Do đó, một chế độ ăn giàu Polyphenol được cho là giúp não hoạt động hiệu quả hơn đồng thời giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như ung thư, đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.
Rủi ro khi ăn sứa
Có thể thấy tuy hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng món ăn có sứa vẫn không quá phổ biến. Điều này là vì ăn sứa cần phải chế biến cẩn thận nếu không muốn gặp phải các rủi ro như:
- Dị ứng hải sản: Thịt sứa thường an toàn với đa số nhưng vẫn có trường hợp dị ứng dù ăn sứa đã nấu chín.
- Nếu chế biến không sạch, nguyên liệu không đảm bảo thì sứa là nguồn vi khuẩn và mầm bệnh nguy hiểm.
- Hàm lượng nhôm cao: Do quy trình chế biến sứa có thể cần dùng đến nhôm kali sunfat (phèn chua) để làm sạch, bảo quản. Tuy đây là chất được sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu ăn quá nhiều thì có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và bệnh viêm ruột (IBD). Cách phòng ngừa là chọn nguyên liệu sứa tươi.
Cách làm gỏi sứa ngon
Chọn lựa và sơ chế sứa biển
Muốn có cách làm gỏi sứa ngon, an toàn thì trước hết phải chọn được nguyên liệu tốt. Trước tiên là kiểm tra độ đàn hồi. Gỏi sứa giòn ngon thì phải chọn thịt còn săn chắc, đàn hồi tốt. Bạn nên cầm lên cảm nhận hoặc ấn vào thử. Tuyệt đối tránh những con sứa mềm oặt và chảy nước.
Tiếp đến là chọn theo màu sắc. Sứa mới chế biến thường có màu trắng sữa. Sau một thời gian thì chuyển sang vàng, vàng nhạt. Lúc này thì thịt sứa vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nếu thịt có màu nâu hoặc đốm nâu thì không nên dùng.
Để nhanh gọn nhất thì nhiều chị em chọn mua sứa làm sẵn trong siêu thị. Khi này về chỉ cần rửa lại với nước sạch là xong. Còn nếu chị em mua sứa biển tươi thì chế biến như sau để không bị tanh mà sứa vẫn giòn:
- Mổ sứa và làm sạch bên trong
- Ngâm sứa khoảng 4-6 tiếng để chúng nhả hết độc. Ở bước này bạn có thể cho thêm một ít phèn chua để thải độc tốt hơn cũng như giúp sứa giòn ngon hơn.
- Chần sứa qua nước sôi để loại bỏ hoàn toàn lớp nhớt cũng như khử mùi tanh.
Công thức làm gỏi sứa ngon
Dưới đây là cách làm gỏi sứa cho khẩu phần 4-5 người ăn. Tùy theo tình hình mà bạn có thể gia giảm lượng nguyên liệu cho phù hợp nhé.
Cách làm gỏi sứa thập cẩm
Nguyên liệu: 350g sứa tươi, 100g đậu phộng, 25g mè, 100g giá, 2 trái dưa leo, 1 củ hành tây, 1 trái chanh, 1 củ cà rốt, 2 cây sả, 1 nắm lá chanh, 1 nắm húng quế, gừng và gia vị.
Cách làm:
- Bước 1: Sơ chế sứa và nguyên liệu. Rang chín đậu phộng và mè rồi giã nhỏ. Cà rốt, dưa leo rửa sạch, xắt sợi, miếng vừa ăn. Hành tây rửa sạch, xắt nhỏ rồi ngâm nước pha giấm khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Rửa sạch, xắt nhỏ lá chanh, húng quế, rau thơm… Gừng với sả đập dập.
- Bước 2: Pha đường : dầu mè tỷ lệ 1:1, thêm một chút muối ăn hoặc bột canh cho vừa miệng. Trừ mè và đậu phộng, cho các nguyên liệu khác vào trộn đều. Để 15 phút cho sứa ngấm đều gia vị rồi dọn ra đĩa, rắc đậu phộng mè lên và thưởng thức.
Gỏi sứa xoài xanh
Nguyên liệu: 250g sứa tươi, 1 củ cà rốt, 1 trái xoài xanh, đậu phộng rang, các loại rau gia vị nêm.
Cách làm:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu. Cà rốt, xoài xanh xắt sợi; các loại rau nêm thì băm nhỏ; giã nhỏ đậu phộng.
- Bước 2: Pha nước trộn gỏi với tỏi, ớt, 2 muỗng giấm, 2 muỗng đường, ½ muỗng bột canh hoặc thay bằng muối vào trộn đều.
- Bước 3: Trộn gỏi sứa với nước trộn sau đó để khoảng 15 phút rồi cho đậu phộng vào đảo đều là được.
Gỏi sứa bắp chuối đậm đà
Cũng tương tự như gỏi xoài xanh, bạn có thể thay cà rốt bằng bắp chuối bào sợi. Món gỏi này ít chua mà trở nên đặc biệt nhờ vị chát nhẹ của bắp chuối.
Ngoài ra vẫn còn rất nhiều cách làm gỏi sứa với đủ loại nguyên liệu như đu đủ, tai heo, làm sốt thái… Bạn cũng có thể tự “chế” ra công thức làm gỏi của riêng mình. Món này dễ làm dễ ăn nên chỉ cần lưu ý chọn mua nguyên liệu đảm bảo là bạn có thể yên tâm thưởng thức.