Không chỉ đơn thuần là chiếc gối kê đầu, gối làm từ các loại lá cây, thảo dược như đinh lăng, oải hương, hoa cúc, vỏ đậu xanh… còn giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường sức khỏe cho con người nữa đấy.
Theo Đông y, vỏ đậu xanh phơi khô độn gối làm mát đầu, thông kinh lạc, giữ vùng đầu gáy trẻ được thoáng khí, thần kinh êm dịu, sáng mắt, tĩnh tai và giảm nguy cơ nóng sốt nên khi được sử dụng làm gối sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Với những tác dụng tuyệt vời trên, ngay sau đây Mẹ&Con sẽ hướng dẫn các bạn cách làm gối đậu xanh “siêu dễ dàng” nhé!
Bước 1: Bạn có thể hỏi mua vỏ đậu xanh ở các cửa hàng làm giá đỗ hoặc bánh đậu xanh và đem về nhà nhặt hết các mảnh giá vụn vứt bỏ, rửa đi sửa lại nhiều lần. Công đoạn này khá vất vả vì nếu nhặt không kỹ, các mảnh giá vụn sẽ là “miếng mồi ngon lành” cho lũ kiến đáng ghét “tung hoành” đấy.
Bước 2: Đem vỏ gối phơi dưới 4- 5 nắng cho thật khô (Không phơi dưới nắng quá gay gắt tránh trường hợp vỏ đậu quá giòn sẽ bị vụn nát) rồi nhét vào, tạo thành ruột gối cho bé.
Gối đậu xanh giúp bé ngủ ngon, sáng mắt, tĩnh tai – Ảnh minh họa
Lưu ý: Với gối được làm từ đậu xanh, bạn có thể làm hoàn toàn từ vỏ đậu xanh hoặc nhét chung với bông gòn để làm ruột gối theo lỷ lệ 1:1nhé. Gối đậu xanh nên dùng loại vải lụa tờ tằm vì nó khá nhẹ và thoáng mát hơn so với các loại vải khác.
Khoảng 1 tháng/lần bạn nên đem vệ sinh gối bằng cách giặt bằng dầu gội đầu dành riêng cho em bé. Khi phơi nên lộn mặt trái vỏ gối ra ngoài, phơi trong bóng râm phòng trường hợp bị ẩm mốc dễ sinh các con bọ nhỏ. Khi bắt đầu cho bé sử dụng gối, bạn nên rút bớt vỏ đậu xanh, cho vào túi ni lông nhỏ buộc kín lại và sẽ bổ sung trong vòng 1-3 tháng đầu để bé thích nghi dần với hương đỗ và chiều cao của gối.
Kích thước gối hợp lý dành cho trẻ em là 25cm x 35cm cho bé 1 tuổi, 30cm x 40cm cho bé 2 tuổi và 35cm x 50cm cho bé 4 – 10 tuổi nhé. Gối vỏ đậu xanh nếu bảo quản tốt thời gian sử dụng có thể lên tới 2 năm đấy!
K.H (Tổng hợp)