Dưa góp thường được làm từ các loại rau củ quen thuộc, có vị giòn, sần sật hoặc có mùi hăng nồng kích thích vị giác. Nếu bạn đã có món chính giàu đạm, nhiều dầu mỡ thì đừng ngại làm thêm đĩa dưa góp. Bài viết giới thiệu 3 cách làm dưa góp với các nguyên liệu khác nhau để bạn chọn tùy sở thích.
Ăn dưa góp có tốt không?
Dưa góp là món ăn lành tính, tốt cho sức khỏe chay mặn đều dùng được. Với cách làm dưa góp chay thì sẽ thay thế nước mắm chanh đường bằng nước giấm muối hoặc nước tương.
Dưa góp là kiểu dưa muối xổi, muối cho lên men nhẹ và dùng ngay trong ngày. Do đó, dưa góp chứa nhiều lợi khuẩn probiotic tốt cho sức khỏe.
Các món lên men dễ tiêu hóa vì được các lợi khuẩn hỗ trợ phá vỡ các cấu trúc phức tạp. Đây là lý do mà khi ăn các món khó tiêu thường sẽ kèm một đĩa dưa chua ngọt.
Không chỉ thế, món dưa góp còn kích thích vị giác, tạo cảm giác thèm ăn, tăng sự ngon miệng khi ăn. Chất xơ trong dưa góp hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm cân hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong dưa góp cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất tùy theo loại nguyên liệu chính bạn chọn.
Nói chung, món dưa góp là món ăn ngon và tốt nếu bạn ăn vừa phải. Khi ăn quá nhiều, lượng muối thừa có thể gây cao huyết áp. Đặc biệt những người có vấn đề về viêm loét dạ dày, có bênh tim mạch, bệnh về đường tiêu hóa hay người mới ốm dậy không nên ăn dưa góp. Vị cay, mặn trong món này có thể gây các phản ứng khó chịu hoặc khiến bệnh nặng hơn.
3 cách làm dưa góp đơn giản nhất
Cách làm dưa góp su hào
Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu
Nguyên liệu: 1 củ su hào, ½ củ cà rốt, 2 nhánh tỏi, 1 quả ớt, gia vị đường, muối, giấm.
Su hào và cà rốt làm sạch, tỉa hoa hoặc cắt miếng mỏng vừa ăn. Tỏi và ớt băm nhuyễn.
Cách làm
- Bước 1: Cho một muỗng canh muối hạt vào su hào và cà rốt vừa tỉa hoa rồi đảo đều, để khoảng 10 phút cho ra bớt nước. Bước này giúp giảm vị ngái của su hào đồng thời làm món dưa giòn hơn. Sau khi ngâm muối thì rửa sạch và để thật ráo.
- Bước 2: Trong lúc đợi ngâm muối thì bạn trộn nước sốt ướp theo tỷ lệ: 2 muỗng canh đường : 2 muỗng canh giấm : ½ muỗng cà phê muối. Sau đó thêm tỏi ớt băm vào khuấy đều.
- Bước 3: Cho hỗn hợp sốt ướp vào su hào và cà rốt, đảo đều đợi 20-30 phút cho ngấm gia vị là được.
Món ăn phải có vị vừa ăn, chua cay mặn ngọt vừa đủ. Cà rốt và su hào giữ được độ giòn, ngấm gia vị đều. Nếu ăn ngay bạn có thể rắc thêm một ít rau mùi để tăng hương vị. Nếu chưa ăn đến thì cần bảo quản dưa góp trong tủ lạnh.
Cách làm dưa chuột góp
Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu
Nguyên liệu: 3 quả dưa chuột, 1 củ cà rốt, 2 quả ớt, 1 quả chanh, 1 củ tỏi, rau húng, rau mùi và gia vị mắm, đường, bột canh…
Dưa chuột và cà rốt ngâm với nước muối loãng sau đó rửa sạch. Dưa chuột cắt lát chéo dày khoảng 0,3cm. Cà rốt cắt miếng tròn mỏng hoặc tỉa hoa tùy thích. Tỏi và ớt băm nhỏ; chanh vắt lấy nước cốt; rau húng rau mùi thì rửa sạch thái nhỏ.
Cách làm
- Bước 1: Làm nước mắm ngâm gồm 1 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng nước lọc, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột canh khuấy đều cho tan. Sau đó cho tỏi, ớt vào trộn đều.
- Bước 2: Cho dưa chuột và cà rốt vào tô, đổ nước mắm ngâm vào trộn đều cho thấm gia vị. Khoảng 5 phút sau thì cho nước cốt chanh vào tiếp tục trộn đều. Nêm lại cho vừa ăn.
- Bước 3: Ngâm khoảng 30 phút là dưa chuột và cà rốt đã thấm đều mà vẫn đảm bảo được độ giòn. Bạn cho ra đĩa, rắc rau thơm lên là dùng đường. Có thể thêm đậu phộng rang hoặc hành phi tùy thích.
Cách làm dưa góp đu đủ
Cách làm dưa góp đu đủ cũng tương tư như cách làm dưa góp su hào, cách làm dưa góp dưa chuột. Chỉ cần thay nguyên liệu chính bằng đu đủ xanh. Tùy vào nhu cầu bạn muốn làm món chay hay mặn mà chọn cách pha nước sốt ngâm dưa cho phù hợp là được.
Bảo quản dưa góp
Dưa góp là kiểu dưa muối xổi, muối và sử dụng trong thời gian ngắn. Các món ăn lên men rất dễ hỏng nếu bảo quản sai cách. Do đó, nếu bạn không dùng hết trong một lần thì nên bảo quản trong lọ thủy tinh.
Chọn loại hũ cỡ vừa và đảm bảo nước phải ngập toàn bộ phần dưa góp. Đặt hũ trong ngăn mát tủ lạnh và nên dùng hết trong vòng 1 tuần. Bảo quản thực phẩm đúng giúp dưa giòn, giữ được trọn vị.
Gợi ý các món ăn kèm dưa góp
Dưa góp trộn rất dễ ăn và ăn kèm được với nhiều món khác nhau. Đây cũng là lý do cách làm dưa góp được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Không chỉ đu đủ, dưa chuột hay su hào mà bạn có thể làm với hầu hết các loại rau củ tùy sở thích. Chẳng hạn như món dưa góp cà rốt, dưa góp rau muống, củ cải trắng, cà pháo, bắp cải… Nói chung là có rất nhiều lựa chọn.
Món ăn kèm dưa góp cũng vô chừng. Dưa góp có vị chua cay, ngọt nhẹ của dưa góp rất hợp để ăn với các món nhiều đạm, dầu mỡ. Đây cũng là sự hài hòa xưa nay trong ẩm thực Việt. Dĩa dưa góp kèm với thịt kho, chả giò, thịt đông…, vừa giúp là thực phẩm tốt cho tiêu hóa vừa giảm ngán cực tốt.
Với cách làm dưa góp này bạn cũng có thể thử với các nguyên liệu khác. Bí quyết nằm ở phần nước mắm ngâm dưa. Chỉ cần nêm nếm vừa vị là đảm bảo bạn có món ăn kèm “chống ngấy” siêu hấp dẫn.