Mẹ&Con – Sốt là chứng bệnh mà trẻ hay mắc phải. Nếu mẹ không biết cách chăm sóc trẻ bị sốt có thể khiến con bị bệnh nặng hơn

Không dưới vài chục lần, bạn phải đối mặt với chuyện bé yêu bị sốt. Bé mọc răng: sốt. Chích ngừa: sốt. Bệnh vặt thông thường như cảm, ho, sổ mũi: sốt. Từ sốt siêu vi đến sốt xuất huyết, từ những cơn “ấm đầu” nhẹ nhàng đến những cơn sốt đến mức bé co giật. Bạn hiểu gì về những cơn sốt của con và cách phòng tránh chúng?

Cách chăm sóc trẻ bị sốt

(Ảnh minh họa)

Hiểu đúng về sốt

Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề về “Cách phát hiện và chăm sóc trẻ sốt/ sốt xuất huyết tại nhà” nhằm mục đích giúp những bậc phụ huynh biết cách chăm sóc khi con em mình bị sốt, nhiều bậc phụ huynh đã không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, mình đã ngộ nhận trong việc chăm sóc trẻ bị sốt, đó là dùng những cách thức không đúng mà hậu quả có thể là gây nguy kịch tính mạng của trẻ.

Sốt là dấu hiệu thường gặp nhất khi trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn. Các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ nhỏ và gây sốt cao là viêm nhiễm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy, v.v.. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, ngoài việc điều trị bằng thuốc, vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng đúng cách cũng rất quan trọng, giúp trẻ chóng khỏi bệnh.

Nếu trẻ sốt nhẹ và vừa (thân nhiệt từ 37,5 độ đến dưới 39 độ), có thể chưa cần dùng đến thuốc hạ nhiệt, cho trẻ nằm nơi thoáng mát và nới bớt quần áo, đắp khăn mát lên trán. Một số trường hợp trẻ sốt cao, nên dùng khăn nhúng vào nước mát hoặc nước hơi ấm lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nếu không uống được thì dùng viên đặt hậu môn với hàm lượng thuốc tùy thuộc cân nặng, đồng thời cho uống nhiều nước. Tuyệt đối không được ủ kín trẻ.

Bạn cũng cần biết thêm rằng khi trẻ bị sốt, cứ mỗi lần thân nhiệt tăng 1 độ thì chuyển hóa cơ bản tăng hơn 10%, do đó nhu cầu về năng lượng cũng tăng. Vì vậy, chế độ ăn trong thời gian trẻ sốt vẫn phải đảm bảo đầy đủ thành phần cung cấp năng lượng. Khi sốt, cơ thể cũng mất rất nhiều nước và chất điện giải qua da, đường thở, mất vitamin qua phân, nước tiểu, v.v. nên nhu cầu về nước, vitamin và chất khoáng tăng lên rất nhiều. Bạn không nên cứ cho trẻ ăn cháo trắng, sẽ không thể nào đáp ứng được nhu cầu này.

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc, có thể dùng nước lạnh, nước đá để chườm, giúp sức nóng tỏa ra nhanh không? Xin khẳng định rằng đây là cách suy luận sai. Sử dụng nước đá có thể khiến trẻ càng ớn lạnh và run dữ. Càng run chừng nào, cơ thể càng sinh nhiệt và sốt cao chừng ấy, chưa kể đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi. Thêm một kiến thức nữa bạn cần luôn luôn ghi nhớ (vì nó gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ), đó là khi trẻ sốt, không nên cạo gió, cắt lể “máu độc” như dân gian thường làm. Vì nếu trẻ sốt thường thì chưa đến nỗi quá nguy, nhưng chẳng may trẻ bị sốt xuất huyết mà cha mẹ không biết, thì sốt xuất huyết khiến trẻ bị rối loạn đông máu. Lúc đó cạo gió, cắt lể có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho bé như chơi.

Nên và không nên khi bé sốt

Nếu bé còn bú mẹ, bạn nên cho con bú nhiều lần và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu bé đã sang tuổi ăn dặm, cần cho bé ăn những món vừa dễ tiêu hóa vừa đảm bảo cung cấp đủ những nhu cầu đặc biệt của giai đoạn này. Không nên thấy trẻ chán ăn, dễ bị nôn ói thì giảm luôn lượng thức ăn hoặc chỉ cho bé ăn cháo loãng với rất ít thịt.

Thấy con sốt, bạn cần cho trẻ uống thật nhiều nước, có thể bổ sung thêm nước trái cây, nước chanh, v.v. vì khi sốt, cơ thể mất rất nhiều nước và chất điện giải qua da, đường thở. Không được để trẻ ngủ li bì, chỉ khi nào trẻ thức dậy mới đút cho vài muỗng nước vì như thế sẽ khiến bé mất nước nhanh chóng.

Nên cho trẻ uống paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. Cứ 4 – 6 giờ một lần, nên cho trẻ uống từ 10 – 15mg paracetamol/ mỗi kg cân nặng. Lưu ý là bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids cho trẻ uống. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

Nếu trẻ sốt nhẹ và vừa (thân nhiệt từ 37,5 độ đến dưới 39 độ), có thể cho trẻ nằm nơi thoáng mát và nới bớt quần áo, đắp khăn mát lên trán. Tuyệt đối không ủ kín trẻ (dù trẻ than lạnh). Không mặc quần áo dày, đóng kín cửa phòng.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt trong trường hợp sốt cao trên 39 độ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ không uống được thì dùng viên đặt hậu môn với hàm lượng thuốc tùy thuộc cân nặng của trẻ. Vẫn chăm sóc trẻ theo cách thông thường trong khi trẻ đã sốt trên 39 độ khiến trẻ bị co giật, dẫn đến những tổn thương ở não, gây chứng động kinh sau này.

Dùng 5 cái khăn, 2 khăn đắp vào nách và 2 khăn đắp vào bẹn, khăn còn lại nhúng nước lau khắp cơ thể trẻ. Sau 5 – 10 phút lấy khăn ra, nhúng lại vào nước mát, vắt ráo và đắp liên tục vào bẹn và nách. Nhớ đưa bé đến cơ sở y tế ngay nếu ngoài sốt, bé còn có một trong các dấu hiệu như: bỏ ăn, ngủ li bì, co giật, rút lõm lồng ngực và thở nhanh, mất nước nặng. Bạn cũng tuyệt đối không tự chăm sóc ở nhà trong khi trẻ đã sốt quá 2 ngày và kèm thêm các triệu chứng phụ như bỏ bữa, ngủ li bì, co giật, thở nhanh, mất nước, v.v..

Khi trẻ sốt cao và đang làm kinh, mẹ tuyệt đối không được nặn bất cứ một thứ gì, ví dụ như vài giọt chanh, vào trong miệng trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ bị sặc và gây tử vong.

Tags:

Bài viết liên quan