Việc giới thiệu đến trẻ các trò chơi dân gian ngày xưa không chỉ giúp trẻ có thêm nhiều trò chơi giải trí mà còn là một cách để con hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Có rất nhiều trò chơi dân gian sáng tạo phù hợp với trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, cùng khám phá ngay nhé!
Trò dung dăng dung dẻ
Dung dăng dung dẻ là trò chơi dân gian trẻ em phổ biến và được trẻ em ở nhiều lứa tuổi yêu thích. Số lượng chơi trò này thường từ 5-10 trẻ.
Cách chơi như sau: Vẽ vòng tròn nhỏ trên đất sao cho số vòng tròn ít hơn số người chơi.
Người chơi tạo thành một hàng, nắm áo nhau đi quanh vòng tròn và đọc “dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đi đến cổng trời, gặp cậu gặp mợ, cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp, ngồi xẹp xuống đây”.
Kết thúc câu đọc, mỗi người sẽ tìm một vòng tròn để ngồi xuống. Ai không có vòng tròn để ngồi thì thua. Tiếp tục trò chơi đến khi còn lại 1 người cuối cùng là người chiến thắng.
Với gia đình có nhiều con cháu thì bạn có thể cho trẻ cùng nhau chơi trò chơi dân gian Việt Nam này nhé!
Trò chơi dân gian ngày xưa “Chi chi chành chành”
Trong các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non mà bố mẹ có thể chơi với con thì có trò “chi chi chành chành” với số người chơi từ 3 người trở lên. Một người xòe bàn tay ra. Những người khác đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay.
Người xòe bàn tay lúc này sẽ đọc bài đồng dao:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập”
Khi kết thúc bài đồng dao thì người xòe tay sẽ nắm bàn tay lại. Những người khác phải rút tay ra thật nhanh. Ai không rút kịp tay và bị nắm trúng xem như thua và phải nhận hình phạt.
Ô ăn quan – trò chơi dân gian Việt Nam
Ô ăn quan là một trò chơi dân gian ngày xưa và vẫn còn được nhiều người yêu thích cho đến hiện tại.
Để chơi trò ô ăn quan, bạn có thể lấy phấn kẻ xuống gạch một hình chữ nhật chia đôi theo chiều dài, mỗi bên có 5 ô nhỏ. Tổng cộng có 10 ô vuông với khoảng cách đều nhau và ở 2 đầu hình chữ nhật thì vẽ thành 2 hình vòng cung tương ứng với 2 ô quan lớn của mỗi bên.
Xem thêm:
- Điểm danh những trò chơi giúp kích thích trí não cho bé yêu thông minh hơn
- 12 trò chơi cho trẻ em không nghiện tivi, điện thoại
Ở ô quan lớn, đặt mỗi ô 1 viên sỏi to còn ở các ô nhỏ thì mỗi ô đặt 5 viên sỏi nhỏ, khác màu để dễ phân biệt với sỏi ở ô quan lớn.
Trò chơi dân gian ngày xưa này rất dễ chơi. Hai người hai bên, chọn 1 ô bất kỳ rồi rải đều sỏi lần lượt vào các ô. Đến hòn sỏi cuối cùng thì lấy tiếp sỏi ở ô bên cạnh để rải liên tục cho đến khi viên sỏi cuối dừng cách khoảng là một ô trống. Lấy phần sỏi trong ô bên cạnh ô trống để nhặt ra ngoài rồi tới lượt người đối diện.
Cả hai thay phiên nhau chơi cho đến khi lấy hết được phần của đối phương và ô quan lớn thì xem là chiến thắng.
Mèo đuổi chuột là trò chơi dân gian ngày xưa cực quen thuộc
Nếu nhà đông con thì bạn có thể cho trẻ chơi trò chơi mèo đuổi chuột này. Số lượng người chơi sẽ từ 7 đến 10 người. Chọn ra 1 người làm chuột và một người làm mèo. Toàn bộ người chơi còn lại sẽ nắm tay nhau tạo thành vòng tròn lớn. Giơ tay cao qua đầu và hát:
“Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau
Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo
Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột”.
Mèo và chuột sẽ đứng trong vòng tròn quay lưng lại với nhau. Khi hát hết bài hát thì chuột bắt đầu chạy và mèo chạy đằng sau theo đúng chỗ chuột đã chạy. Nếu mèo bắt được chuột trong thời gian nhất định (2-3 phút) thì mèo thắng.
Trò chơi “Rồng rắn lên mây”
Một trò chơi dân gian ngày xưa khác mà hầu như trẻ em nào cũng yêu thích chính là trò rồng rắn lên mây. Số lượng người tham gia trò chơi này sẽ từ 5 người trở lên. Trong đó, chọn một người làm thầy thuốc.
Những người còn lại xếp với nhau thành một hàng, tay người sau nắm vạt áo hoặc đặt lên vai người trước rồi vừa đi lượn qua lượn lại như con rắn vừa hát:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”
Lúc này, người đóng vai thầy thuốc sẽ đáp lại:
Thấy thuốc đi chơi! (hay đi chợ, đi câu cá , đi vắng nhà… tùy ý mà chế ra).
Đoàn người sẽ tiếp tục hát lặp lại điệp khúc trên cho đến khi thầy thuốc trả lời là “Có”. Thầy thuốc sẽ tiếp tục hỏi: “Rồng rắn đi đâu?”.
Người đứng đầu trong đoàn làm rồng rắn sẽ đối thoại với thầy thuốc:
- Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
- Con lên mấy?
- Con lên một.
- Thuốc chẳng hay.
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay.
- …
Tiếp tục cho đến khi
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.
Rồi thầy thuốc sẽ tiếp tục: “Xin khúc đầu”.
Đáp lại: Những xương cùng xẩu.
- Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
- Xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Trò chơi dân gian ngày xưa rồng rắn lên mây lúc này sẽ tiếp tục bằng cách người đầu hàng dang tay và chạy để ngăn cản thầy thuốc còn nhiệm vụ của người thầy thuốc là làm sao để bắt được người cuối hàng. Nếu thầy thuốc bắt được thì người cuối hàng sẽ thua. Trong lúc chạy, ai bị tách ra khỏi hàng, không vịnh vào vai hay áo người trước cũng xem như thua.
Trốn tìm – trò chơi đầy tiếng cười
Khi đã nhắc đến các trò chơi dân gian ngày xưa của Việt Nam ta thì không thể bỏ qua trò chơi trốn tìm. Cách chơi cực kỳ đơn giản.
Cả nhóm sẽ oẳn tù tì để tìm ra một người “tìm”. Người đi tìm nhắm mắt và đọc 5-10-15-20…-100 rồi bắt đầu đi tìm. Những người khác sẽ tản ra xung quanh đi trốn.
Xem thêm:
- 9 trò chơi đơn giản mang lại đầy ắp tiếng cười cho trẻ, cha mẹ thử chơi cùng con ngay nhé
- Gợi ý cho mẹ cách tập đi cho bé bằng 3 trò chơi đơn giản
Hoặc một luật chơi khác của trò chơi dân gian ngày xưa trốn tìm chính là người tìm sẽ đợi một lúc rồi hỏi “Xong chưa?”. Nếu người chơi trả lời “Xong” thì sẽ bắt đầu đi tìm.
Trong thời gian quy định thì phải tìm được ít nhất 1 người. Người nào bị tìm thấy thì sẽ thua cuộc và trở thành người đi tìm tiếp theo.
Còn rất nhiều trò chơi dân gian ngày xưa khác để bạn có thể giới thiệu cho trẻ. Hãy tiếp tục theo dõi Mẹ và Con để khám phá thêm những trò chơi dân gian thú vị cũng như các thông tin nuôi dạy con và chuyện gia đình hữu ích nhé!