Phương pháp học: vấn đề thiết yếu trong giáo dục
Trong lĩnh vực giáo dục, ngoài việc chú trọng vào nội dung cần truyền đạt cho người học, thì phương pháp học tập cũng là điều quan trọng không kém, và nó còn đi kèm với nhiều lợi ích lâu dài sau này. Biết được phương pháp học thích hợp, bạn sẽ thu thập được kiến thức nhanh và hiệu quả hơn cũng như cho phép bạn nhớ được lâu hơn.
Suốt hơn 100 năm qua, nhiều nhà tâm lí học phát triển và đánh giá vô số kĩ thuật học tập, từ việc đọc lại tài liệu cho đến tóm tắt lại để tự kiểm tra bản thân. Trong đó có một số phương pháp rõ ràng là cải thiện được thành tích của người học, còn số khác lại thiếu hiệu quả và tốn thời gian. Có một thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục là ngày nay đa phần giáo viên không biết và học sinh thì không được dạy cho biết phương pháp học tập nào hiệu quả nhất, dựa trên các chứng cứ thực nghiệm. Có lẽ một phần nguyên do là hiện tại có quá nhiều nghiên cứu về chuyện học tập, dẫn đến nhiều kết quả khác nhau, đôi lúc còn ngược nhau, và thế là học viên lẫn giáo viên tất thảy đều choáng ngợp, không sao biết được đâu là phương pháp hữu hiệu và thực tế nhất.
Mục đích bài viết này là cung cấp cho người đọc biết được những phương pháp học tập hiệu quả nhất, dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học tính đến thời điểm này. Có tổng cộng 5 phương pháp học tập được các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến nghị ở đây, dựa trên 700 bài báo khoa học bàn về 10 kĩ thuật học tập thường được sử dụng nhất hiện nay. Đây là kết quả rút ra từ bài nghiên cứu “Improving Students’ Learning with Effective Learning Techniques” (Cải thiện chuyện học của học viên bằng những kĩ thuật học tập hiệu quả) đăng trên tập san Psychological Science in the Public Interest hồi tháng 1/2013, và sau đó được thuật lại tóm tắt trên tờ Scientific American Mind số tháng 9-10/2013.
Để được đưa ra giới thiệu ở đây, các phương pháp này phải hữu ích ở nhiều hoàn cảnh học tập khác nhau, chẳng hạn lúc học một mình hay học chung nhóm. Nó phải trợ giúp người học ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có những năng lực khác nhau và những cấp độ hiểu biết ban đầu khác nhau – và nó phải được kiểm tra trong lớp học hoặc trong tình huống ngoài thế giới thực. Các học viên có thể dùng phương pháp đó để tinh thông nhiều môn khác nhau, và việc học tập của họ phải được hưởng lợi từ phương pháp đó bất kể họ trải qua hình thức kiểm tra gì. Ngoài ra nó còn phải mang lại những cải thiện dài lâu về mặt kiến thức và khả năng lĩnh hội.
Bằng cách dùng những tiêu chuẩn này, các nhà khoa học định ra hai phương pháp tối ưu rõ ràng. Đây là hai phương pháp có được những kết quả ổn định và thích hợp cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, người ta còn đưa ra ba phương pháp khác, tuy theo thang đánh giá là không hiệu quả bằng hai phương pháp kia nhưng cũng là những phương pháp đáng chú ý ở những tình huống cụ thể khác.
Hai phương pháp tối ưu
1. Tự kiểm tra (self-testing)
Ra bài kiểm tra chính bản thân mình sẽ giúp đạt điểm cao
Mô tả: Không giống dạng bài kiểm tra đánh giá kiến thức, đây là những bài kiểm tra thực hành (practice test) do học viên tự mình thực hiện lấy bên ngoài lớp học. Để thực hiện, có thể dùng thẻ flashcard (bằng giấy hay bằng phiên bản điện tử) để kiểm tra trí nhớ hoặc trả lời những câu hỏi mẫu ở cuối mỗi chương sách. Mặc dù người học không thích làm kiểm tra nhiều, nhưng thông qua hàng trăm thí nghiệm khoa học, người ta đã chứng tỏ được phương pháp tự kiểm tra này sẽ giúp cải thiện đáng kể chuyện học hành và khả năng ghi nhớ của học viên.
Chẳng hạn, theo một nghiên cứu, người ta yêu cầu sinh viên ghi nhớ những cặp từ, một nửa số cặp từ này sau đó được đưa vào bài kiểm tra trí nhớ. Một tuần sau, các học viên đó nhớ được 35% số cặp từ mà họ được kiểm tra lúc trước, so với chỉ 4% ở những học viên không được kiểm tra.
Trong một thí nghiệm khác, các học viên được yêu cầu học những cặp từ theo hai ngôn ngữ Swahili-Anh, sau đó họ làm bài kiểm tra thực hành hoặc ôn lại. Đối với những phần được cho kiểm tra liên tục thì người học có thể nhớ tới 80%, so với chỉ có 36% đối với những phần không được ôn lại. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng việc thực hiện bài kiểm tra thực hành sẽ làm cho trí óc ta lục soát phần kí ức dài hạn, điều này làm kích hoạt những thông tin có liên hệ, hình thành nhiều con đường kí ức khiến cho việc truy cập thông tin đó dễ dàng hơn.
Phạm vi hoạt động: Từ lứa tuổi mẫu giáo đến sinh viên y khoa năm tư cho đến những người trung niên đều có thể được lợi từ phương pháp kiểm tra thực hành. Nó còn cải thiện được khả năng ghi nhớ đối với những người mắc phải bệnh Alzheimer. Nhìn chung, phương pháp tự kiểm tra là cách học rất hiệu quả, hơn hẳn so với việc đơn thuần ôn lại bài học, đặc biệt khi người làm kiểm tra có được những đáp án đúng để dò lại.
Việc kiểm tra thực hành đạt hiệu quả thậm chí khi hình thức tự kiểm tra này khác với hình thức kiểm tra thật sự. Những tác động có lợi có thể kéo dài từ nhiều tháng cho đến nhiều năm.
Nó có thực tế? Có. Phương pháp này không tốn nhiều thời giờ và gần như không cần rèn luyện gì.
Cách thực hiện: Các học viên có thể tự kiểm tra bằng cách dùng thẻ flashcard hoặc dùng phương thức Cornell: trong quá trình ghi chú ở lớp, hãy tạo một cột riêng ra ở ngoài lề trang giấy để có thể điền vào đó những thuật ngữ hoặc những câu hỏi then chốt. Bạn có thể tự kiểm tra mình sau đó bằng cách che đi phần ghi chú và trả lời những câu hỏi (hoặc giải thích những từ then chốt) ở ngoài lề giấy.
Đánh giá: Hiệu quả cao. Việc kiểm tra thực hành hoạt động hiệu quả ở nhiều hình thức tự kiểm tra, ở nhiều dạng nội dung bài học, ở nhiều lứa tuổi học viên và thậm chí hiệu quả khi được thực hiện theo nhiều khoảng thời gian cách quãng khác nhau (tức là mức hiệu quả càng cao khi thời gian cách quãng giữa hai lần kiểm tra càng dài, điều này tương ứng với phương pháp thực hành phân bổ mà ta sẽ đề cập ngay sau đây).
2. Thực hành phân bổ (distributed practice)
Để có kết quả tốt nhất, hãy trải rộng việc học ra thành nhiều lần cách quãng nhau.
Mô tả: Học viên thường “ôm dồn” việc học vào một lần. Nhưng phân bổ thời gian học là phương pháp học hiệu quả hơn nhiều. Trong một thí nghiệm kinh điển, các học viên học những cặp từ theo hai ngôn ngữ Anh và Tây Ban Nha, sau đó họ có sáu buổi để ôn lại bài. Một nhóm thực hiện các buổi ôn tập liền kề nhau, nhóm khác có những buổi ôn tập cách nhau một ngày, còn nhóm thứ ba có những buổi ôn cách nhau 30 ngày. Các học viên trong nhóm 30-ngày nhớ được bài tốt nhất. Trong một phân tích về 254 nghiên cứu có sự tham gia của hơn 14,000 người, người ta thấy học viên nhớ được nhiều hơn sau khi có những khoảng thời gian học tập cách quãng (đạt được 47% tổng thể) hơn là học theo kiểu dồn lại (37%).
Phạm vi hoạt động: Trẻ em từ 3 tuổi cho đến sinh viên và người già đều có thể được lợi từ phương pháp này. Thực hành phân bổ mang lại hiệu quả cho việc học từ vựng tiếng nước ngoài, các định nghĩa từ, và thậm chí các kĩ năng khác như toán, nhạc và giải phẫu.
Nó có thực tế? Có. Mặc dù các cuốn sách giáo khoa thường nhóm các vấn đề lại với nhau theo chủ đề, nhưng bạn có thể rải rác chúng ra theo cách riêng mình. Bạn phải đặt kế hoạch trước và phải vượt qua khuynh hướng hay chần chừ mà người học thường mắc phải.
Cách thực hiện: Khoảng thời gian học trải ra càng dài thì hiệu quả nhìn chung sẽ càng cao. Trong một nghiên cứu, khoảng cách kéo dài 30 ngày giúp cải thiện hiệu suất học tập hơn so với chỉ một ngày. Trong một nghiên cứu dựa trên Internet về chuyện học các thông tin sự kiện (trivia learning), hiệu suất cao nhất xuất hiện khi các buổi học cách nhau khoảng 10 đến 20 phần trăm khoảng thời gian ghi nhớ. Để nhớ điều gì đó trong một tuần, các buổi học nên cách nhau 12 đến 24 giờ; để nhớ điều gì đó trong năm năm, người học nên cách khoảng những lần học từ 6 đến 12 tháng. Mặc dù dường như có vẻ không thực vậy, nhưng bạn thật sự có thể nhớ được thông tin thậm chí suốt những khoảng thời gian dài, và bạn nhanh chóng học lại được những gì mình đã quên. Quãng thời gian dài giữa hai thời điểm học là điều lí tưởng để nhớ được những khái niệm nền tảng vốn là những thứ hình thành nên cơ sở cho kiến thức cao cấp.
Đánh giá: Hiệu quả cao. Thực hành phân bổ đem lại hiệu quả cho những học viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau theo học nhiều loại tài liệu khác nhau và suốt những khoảng thời gian cách quãng dài. Phương pháp này dễ thực hiện và đã được sử dụng thành công ở nhiều nghiên cứu thực tế trong lớp học.