Mẹ Và Con - Ở phần trước, chúng ta đã điểm qua hai phương pháp tối ưu nhất theo các nhà khoa học. Phần này ta sẽ điểm qua ba phương pháp đầy hứa hẹn khác.

Tùy theo thang đánh giá của các nhà khoa học thì ba phương pháp này không hiệu quả bằng hai phương pháp tối ưu kia, bởi người ta chưa tập hợp đủ chứng cứ để hậu thuẫn cho việc sử dụng chúng. Mặc dù vậy, các phương pháp này lại cho thấy chúng có đủ tiềm năng để người ta đưa ra khuyến nghị sử dụng trong những tình huống được mô tả ngắn gọn dưới đây.

Trong số ba phương pháp được mô tả ở bài này, có hai phương pháp sau liên quan nhau nhiều chỗ: tra vấn chi tiết và tự giải thích. Tuy nhiên, hai phương pháp này gần như phát triển độc lập với nhau và mặc dù có vài điểm trùng khớp nhưng lại có những mặt mạnh và mặt yếu không giống nhau. Vì lẽ đó, các nhà khoa học đã phân chúng ra thành hai loại phương pháp học tập khác nhau.

> Xem phần 1 tại đây

Những phương pháp hạng hai

1. Tra vấn chi tiết (elaborative interrogation)

Hướng đến đứa trẻ bốn tuổi trong con người bạn

phương pháp học tập hiệu quả

(Hình minh hoạ: Celia Johnson / Scientific American Mind)

Mô tả: Bản tính con người là tò mò, bao giờ cũng muốn tìm kiếm những lời giải thích cho thế giới xung quanh. Có khá nhiều chứng cứ chỉ ra rằng gợi cho học viên trả lời những câu hỏi “Tại sao?” cũng là cách giúp ích cho việc học tập.

Bằng phương pháp tra vấn chi tiết này, các học viên sẽ phải nghĩ ra lời giải thích cho những sự kiện, chẳng hạn “Tại sao điều này có nghĩa là…?” hoặc “Tại sao điều này lại đúng?” Ví dụ trong một thí nghiệm, các học viên sẽ đọc những câu văn như “người đàn ông đói bụng kia chui vào xe hơi”.

Những người trong nhóm tra vấn chi tiết được yêu cầu giải thích tại sao, trong khi những người khác được cung cấp cho lời giải thích, chẳng hạn như “người đàn ông đói bụng kia chui vào xe hơi để tới quán ăn”. Nhóm thứ ba chỉ đơn giản đọc từng câu. Khi được yêu cầu nhớ lại người đàn ông nào thực hiện hành động gì (“Ai chui vào xe?”), thì nhóm tra vấn chi tiết trả lời đúng khoảng 72%, so với khoảng 37% ở hai nhóm còn lại.

Nên sử dụng lúc nào? Khi bạn đang học dạng kiến thức thuộc về dữ kiện – đặc biệt nếu bạn đã biết điều gì đó về chủ đề này. Kiến thức sẵn có của học viên sẽ làm cho phương pháp này thêm hiệu quả; các học viên người Đức được lợi từ phương pháp này hơn khi họ học về các bang của Đức so với lúc học về các tỉnh của Canada, chẳng hạn vậy. Có thể kiến thức sẵn có cho phép học viên tạo ra được nhiều lời giải thích phù hợp hơn.

Những kết quả của phương pháp này có vẻ vững chắc ở mọi lứa tuổi, từ học sinh lớp bốn cho đến sinh viên đại học. Tra vấn chi tiết rõ ràng giúp cải thiện trí nhớ về mặt sự kiện, nhưng liệu nó có thể giúp người học nâng cao khả năng lĩnh hội hay không vẫn còn là điều không mấy chắc chắn. Và lợi ích đạt được sẽ kéo dài trong bao lâu cũng là vấn đề chưa có kết luận từ giới khoa học.

Nó có thực tế? Có. Nó chỉ cần rèn luyện ở mức tối thiểu và đòi hỏi lượng thời gian hợp lí. Trong một nghiên cứu, một nhóm dùng phương pháp này cần 32 phút thực hiện một nhiệm vụ mà một nhóm ngồi đọc thông tin chỉ cần 28 phút để hoàn tất.

Đánh giá: Hiệu quả trung bình. Phương pháp này hoạt động ở phạm vi rộng thuộc nhiều chủ đề nhưng có thể không hữu ích đối với dạng bài học phức tạp hơn chứ không đơn giản là một danh sách dữ kiện. Những lợi ích đạt được từ kĩ thuật học tập này có thể bị hạn chế đối với những học viên không có sẵn kiến thức từ trước.

Các nhà khoa học cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để xác minh liệu phương pháp tra vấn chi tiết có phổ biến được ở nhiều dạng tình huống khác nhau và nhiều loại thông tin khác nhau hay không.

2. Tự giải thích (self-explanation)

Làm sao tôi biết được?

Mô tả: Các học viên hình thành lời giải thích cho những điều họ học được, điểm lại quá trình tư duy với những câu hỏi như “Câu này cung cấp cho bạn thông tin mới gì?” và “Nó liên quan ra sao đến những điều bạn đã biết?”Tương tự với cách tra vấn chi tiết, tự giải thích có thể giúp tích hợp thông tin mới với kiến thức sẵn có từ trước.

Nên sử dụng lúc nào? Phương pháp này ích lợi cho trẻ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học và giúp ích trong việc giải các bài toán và những trò lí giải logic, trong việc học hỏi từ những văn bản truyện kể và thậm chí còn giúp tinh thông các chiếc lược cờ tàn.

Ở trẻ nhỏ, phương pháp tự giải thích có thể giúp chúng có được những ý tưởng căn bản như học các con số hoặc các khuôn hình. Phương pháp này còn giúp cải thiện trí nhớ, cách lĩnh hội và giải quyết vấn đề – ấn tượng là nó có nhiều kết quả khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu tuy vậy đều chỉ đo lường các tác động trong vòng vài phút, và chưa biết được liệu kĩ thuật này đạt mức hiệu quả kéo dài lâu hơn ở những người có trình độ kiến thức cao hay lâu hơn ở những người trình độ thấp.

Nó có thực tế? Chưa rõ. Một mặt, hầu hết các học viên chỉ cần hướng dẫn rất ít và gần như không cần thực hành chi hết, mặc dù có một cuộc thử nghiệm dành cho học sinh lớp chín đã chứng tỏ rằng các học viên không rèn luyện sẽ có xu hướng diễn giải lại thay vì đưa ra lời giải thích. Mặt khác, một vài nghiên cứu báo cáo rằng kĩ thuật này hao tốn thời gian, làm tăng lên 30 đến 100% lượng thời gian cần thiết.

Đánh giá: Hiệu quả trung bình. Phương pháp này hoạt động hiệu quả ở nhiều chủ đề khác nhau và ở rất nhiều lứa tuổi. Các nghiên cứu thêm sau này phải xác minh được liệu những tác động này có lâu bền hay không và liệu việc tiêu tốn thời gian có xứng đáng hay không.

3. Thực hành đan xen (interleaved practice)

phương pháp học hiệu quả

(Hình minh hoạ: Celia Johnson / Scientific American Mind)

Mô tả: Các học viên có xu hướng học theo từng mảng, hoàn thành xong chủ đề này rồi mới sang chủ đề kế tiếp. Nhưng nghiên cứu gần đây chứng tỏ được những ích lợi khi thực hiện cách học đan xen, trong đó học viên thay đổi luân phiên các loại thông tin khác nhau. Chẳng hạn theo một nghiên cứu, các sinh viên học cách tính thể tích của bốn loại vật thể khác nhau.

Ở nhóm thực hành theo mảng, họ hoàn tất hết các bài toán ở một dạng vật thể rồi mới chuyển sang vật thể kế tiếp. Ở nhóm thực hành đan xen, các bài toán được trộn vào nhau. Khi được kiểm tra một tuần sau đó, nhóm thực hành đan xen trả lời chính xác hơn 43%. Đan xen như thế cho phép học viên thực hành việc chọn ra phương pháp đúng và khuyến khích họ đối chiếu những dạng vấn đề khác nhau.

Nên sử dụng lúc nào? Khi các dạng bài tập tương tự nhau, có lẽ vì khi đặt chúng kế bên sẽ khiến ta dễ thấy được sự khác biệt giữa chúng. Thực hành theo mảng có thể hiệu quả hơn khi các bài tập không giống nhau nhiều lắm bởi vì lúc đó nó sẽ nhấn mạnh những điểm chung.

Có thể do thực hành đan xen chỉ có lợi cho những ai có sẵn khả năng suy xét theo lí trí. Các kết quả đạt được cũng không rõ ràng, tốt hay không tuỳ vào những dạng nội dung khác nhau. Nó giúp cải thiện hiệu quả khi gặp những bài toán đại số và hiệu quả lúc rèn luyện sinh viên y khoa cách diễn giải tín hiệu điện để chẩn đoán những rối loạn tim mạch.

Tuy thế hai nghiên cứu về việc học từ ngữ nước ngoài đã chứng tỏ cách học đan xen này không hiệu quả. Dù vậy, với việc nhiều sinh viên gặp khó khăn trong chuyện học toán thì đây có thể vẫn là chiến lược có giá trị dành cho môn học này.

Nó có thực tế? Dường như có. Học viên có động lực có thể dễ dàng dùng cách đan xen mà không cần chỉ dẫn. Giáo viên cũng có thể dùng kĩ thuật này trong lớp học: Sau khi giới thiệu một loại vấn đề (hay chủ đề), việc thực hành đầu tiên tập trung vào vấn đề đó.

Một khi loại vấn đề tiếp theo được đưa ra, nó được trộn lẫn với những ví dụ của các chủ đề trước. Phương pháp này có thể mất nhiều thời gian hơn chút ít so với phương pháp thực hành theo mảng, nhưng chậm như vậy có thể đáng giá, nó phản ánh những tiến trình tri nhận làm tăng hiệu suất học tập.

Đánh giá: Hiệu quả trung bình. Thực hành đan xen cải thiện chuyện học, khả năng ghi nhớ các kiến thức toán học và tăng cường những kĩ năng nhận thức khác. Tuy thế hiện không có nhiều tài liệu về phương pháp thực hành đan xen này, và số tài liệu này lại có những kết quả tiêu cực đủ để dấy lên mối bận tâm.

Có thể là kĩ thuật này không hoạt động hiệu quả một cách nhất quán, hoặc có lẽ không phải lúc nào người ta cũng sử dụng phương pháp này một cách phù hợp – đây là những chủ đề cho nghiên cứu trong tương lai.

Cac phuong phap hoc tap 2

(Ảnh minh hoạ)

Kết luận

Vẫn còn đó một số vấn đề cần nghiên cứu thêm, chẳng hạn lứa tuổi phù hợp nhất để học viên có thể bắt đầu dùng một phương pháp nào đó và họ sẽ cần rèn luyện hay cần được gợi nhắc với mức độ thường xuyên ra sao. Nhưng thậm chí bây giờ các giáo viên có thể đưa những cách tiếp cận hiệu quả nhất vào kế hoạch giảng dạy để học viên có thể tự mình thực hiện lấy.

Ví dụ, khi chuyển sang phần bài học mới, giáo viên có thể bắt đầu bằng cách hỏi học viên làm bài kiểm tra thực hành bao hàm những ý quan trọng từ phần bài học trước và giáo viên sẽ có ý kiến phản hồi ngay lập tức. Các học viên có thể đan xen những vấn đề mới với những vấn đề liên quan từ những bài học trước.

Giáo viên có thể khai thác phương pháp thực hành phân bổ bằng cách giới thiệu lại những khái niệm trọng yếu trong suốt khoá học ở nhiều buổi học. Họ có thể thu hút học viên vào việc đặt câu hỏi có tính chất giải thích bằng cách khiến học viên nghĩ xem thông tin đó mới mẻ đối với họ ra sao hoặc tại sao nó có thể đúng.

Những kĩ thuật học tập này không phải chìa khoá vạn năng. Chúng chỉ đem lại lợi ích cho những ai có động lực và biết cách sử dụng thích hợp. Dù vậy, khi đưa ra những đánh giá này, các nhà khoa học kì vọng rằng người học sẽ đạt được những thành tựu có ý nghĩa trong quá trình học tập trên lớp, khi làm bài kiểm tra kiến thức và trong suốt cuộc đời mình.

Tags:

Bài viết liên quan