Mẹ&Con – Nghĩ đến cảnh khắp người con nổi vài trăm… nốt mụn nước, nhiều người phát hoảng. Tuy nhiên, thực chất nếu có kiến thức về bệnh thủy đậu (trái rạ), bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh cho thiên thần bé bỏng của mình.

Bệnh “rộ” ở thời điểm nào?

Thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng thời điểm có số ca mắc cao nhất thường từ tháng 2 đến tháng 6. Đáng lưu ý là 90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người mắc thủy đậu. Khi khởi phát, bé thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, bé có thể không xuất hiện triệu chứng báo động. Sau đó, những “nốt rạ” sẽ bắt đầu… bùng phát. Đây là những nốt tròn nhỏ, xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100- 500 nốt. Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4-5 ngày. Ở trẻ em, bệnh thường kéo dài khoảng 5-10 ngày dẫn đến việc phải cho bé nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.

 

bệnh thủy đậu(Ảnh minh họa)

Như đã nói, thông thường trái rạ là bệnh lành tính, song trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hơp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Một biến chứng muộn thường gặp của trái rạ là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh dời leo, đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Bệnh Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt…

Thêm một kiến thức mẹ nên biết là bệnh trái rạ lây lan một cách dễ dàng qua không khí, khi chẳng may hít phải nước bọt mà bệnh nhân hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với mụn nước của người bị bệnh, tiếp xúc trực tiếp với quần áo hoặc vải trải giường. Bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con, nếu người mẹ bị bệnh thủy đậu trong lúc mang thai. Đáng nói là trong một số trường hợp, bệnh nhi thường không có triệu chứng gì trong những ngày đầu, nhưng từ 1-2 ngày trước khi phát bóng nước (nốt rạ), bệnh đã có khả năng lây nhiễm.

Vì thế, nếu như phát hiện ở trường học của bé có bé khác bị nhiễm trái rạ, bạn cần chú ý đến con ngay. Khi trong gia đình có người mắc bệnh, cần cách ly bệnh nhân với bé. Trường hợp nếu chẳng may chính bé mắc bệnh, bạn cần thực hiện tốt việc cách ly cho đến khi bé khỏi hoàn toàn, để tránh lây lan rộng hơn cho nhiều bé khác. Cũng cần có cả kiến thức đúng về chăm sóc bệnh nhân. Chăm sóc đúng chính là giữ vệ sinh bằng việc tắm rửa hằng ngày, tránh ủ kín để không bị nhiễm trùng. Theo dõi bé thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ biến chứng như sốt cao, mụn nước ửng đỏ xung quanh hay có mủ… Tuyệt đối không được tự ý bôi thuốc, nấu các loại lá hay gốc rạ tắm vì có thể gây nhiễm trùng nốt rạ rất nguy hiểm.

Có cách nào để ngăn ngừa không?

Điều có thể khiến các bà mẹ thở phào nhẹ nhõm là bệnh trái rạ có vắc-xin chủng ngừa. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nên thực hiện chủng ngừa từ sớm cho bé, đừng đợi đến khi có dịch hoặc trong trường lớp của bé đã có những bé khác mắc bệnh mới vội vã đưa con đi tiêm phòng. Vì lúc đó, có khả năng bé đã mắc bệnh rồi (chỉ chưa xuất hiện nốt rạ), hoặc vắc-xin chưa kịp tạo miễn dịch cho cơ thể thì đã mắc bệnh. Vắc-xin ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ (chỉ khoảng 5% sốt nhẹ sau khi chích).

Theo khuyến cáo của Ủy ban An toàn Tư vấn Tiêm chủng Hoa Kỳ, đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, nên tiêm 1 liều và nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất tốt nhất là 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Còn đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Việc chủng ngừa không chỉ giúp bé phòng chống bệnh trái rạ mà còn giúp mẹ “nhẹ thở”, đỡ mất nhiều thời gian vất vả chăm sóc bé, bỏ công ăn việc làm tập trung lo cho bé suốt từ 7-10 ngày liền. Hầu hết các bệnh viện sản nhi, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện đều có thể tiêm ngừa cho bé nên bạn đừng để đến lúc bé mắc bệnh mới hối hận mình không ngăn ngừa tốt cho con nhé.

Mẹ có biết

Bệnh thủy đậu (còn gọi là “trái rạ”) là một bệnh truyền  nhiễm do siêu vi khuẩn Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em nhỏ hơn 10 tuổi. Tại Việt Nam, trái rạ là bệnh truyền nhiễm phổ biến nên mẹ cần có cách chủng ngừa hiệu quả cho bé khi bệnh bước vào “mùa”.

Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh trái rạ có thể gây những biến chứng nguy hiểm, từ bội nhiễm vi khuẩn đến viêm não. Nếu bệnh nhân bị bội nhiễm da có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

Tags:

Bài viết liên quan