Mẹ và Con - Bạn luôn cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ban ngày, dù cho đêm trước đã ngủ rất sớm? Bạn luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, kém tỉnh táo? Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân của tình trạng này nhé!

Buồn ngủ quá mức vào ban ngày đôi khi không phải là do bạn thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc mà đó là triệu chứng của những vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như rối loạn sức khỏe tâm thần, thiếu máu, bệnh Parkinson,….

Như thế nào được xem là buồn ngủ quá mức vào ban ngày?

Bản thân việc buồn ngủ quá mức vào ban ngày không phải là một bệnh lý cụ thể. Đúng hơn, đây là một triệu chứng được gây ra bởi một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Buồn ngủ ban ngày quá mức được định nghĩa là tình trạng khó tỉnh táo suốt cả ngày, luôn muốn đi ngủ bất kể là thời điểm nào.

Hiểu nguyên nhân tiềm ẩn gây buồn ngủ quá mức vào ban ngày có thể giúp bạn cân nhắc về các giải pháp để khắc phục được tình trạng này và giúp bạn không còn buồn ngủ, lờ đờ, kém tỉnh táo.

Nguyên nhân thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày

Buồn ngủ quá mức do thuốc gây ra

Thiếu ngủ không phải là nguyên nhân duy nhất gây buồn ngủ quá mức. Các loại thuốc, đặc biệt là thuốc an thần, có thể khiến một người buồn ngủ và luôn trong trạng thái kém tỉnh táo. Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau và thuốc kháng histamine không kê đơn,… cũng là những loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ.

buồn ngủ quá mức

Buồn ngủ quá mức do thiếu ngủ

Thiếu ngủ được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây buồn ngủ quá mức. Tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc mãn tính và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:

  • Không ưu tiên giấc ngủ: Hy sinh giấc ngủ cho các hoạt động khác như làm việc, xem phim, chơi game,… có thể gây buồn ngủ vào ngày hôm sau. Sự buồn ngủ của bạn có thể tăng dần lên nếu bạn liên tục có nhiều đêm thức khuya, ngủ không đủ giấc.
  • Chất lượng giấc ngủ kém: Thiếu ngủ không chỉ là do ngủ ít mà còn liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Những người có các chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ chập chờn không sâu giấc thường gặp tình trạng mệt mỏi, uể oải khi thức dậy dù đã ngủ đủ số giờ theo khuyến nghị.
  • Cảm giác đau: Hầu như bất kỳ bệnh nào gây đau, bao gồm viêm khớp hoặc đau cơ xơ hóa, đều có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ vào ban đêm và khiến cho bạn bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
  • Tiểu đêm: Tình trạng đi tiểu thường xuyên vào ban đêm khiến bạn liên tục phải thức dậy khỏi giường vào ban đêm để đi vệ sinh. Những người bị tiểu đêm có thể khó ngủ lại sau mỗi lần thức dậy vào ban đêm dẫn đến việc ngủ không đủ giấc, cơ thể cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Buồn ngủ quá mức do rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của một người, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày. Có nhiều chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến như:

  • Mất ngủ: Mất ngủ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và khó có được những giấc ngủ chất lượng. Cũng vì vậy mà người bị mất ngủ thường dễ có cảm giác buồn ngủ hơn vào ban ngày.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một rối loạn hô hấp đặc trưng bởi những khoảng dừng thở ngắn trong đêm. Tình trạng này tạo ra các giấc ngủ ngắnm không liền mạch, khiến bạn bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) ít phổ biến hơn nhưng cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ.
  • Hội chứng chân không yên (RLS): Hội chứng chân không yên khiến bạn luôn muốn cử động tứ chi, đặc biệt là chân. Hội chứng chân không yên được biết đến là nguy cơ làm gián đoạn tổng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ.

Buồn ngủ quá mức do các tình trạng bệnh lý khác gây ra

Một số tình trạng bệnh lý có liên quan đến vấn đề về giấc ngủ và tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Cụ thể, chấn thương sọ não, thiếu máu, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, u não, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD),… đều có thể gây ra một loạt vấn đề về giấc ngủ, bao gồm cả buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cũng thường khó ngủ hơn và dễ bị buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.

nguyên nhân buồn ngủ quá mức vào ban ngày

Nên làm gì khi thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày?

Dĩ nhiên, nếu bạn thiếu ngủ do thói quen sinh hoạt chưa khoa học, việc mà bạn cần làm chính là cố gắng để ngủ đủ giấc. Hạn chế tối đa việc thức khuya cũng như luôn cố gắng để duy trì giấc ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày.  Vệ sinh giấc ngủ cũng rất quan trọng để đảm bảo bạn có một giấc ngủ chất lượng.

Ngoài ra, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng làn mạnh, hạn chế dùng rượu bia và các chất kích thích. Bạn cũng nên theo dõi các vấn đề trong giấc ngủ của mình. Có thể nhờ người ngủ bên cạnh như bố mẹ hoặc anh chị em, vợ chồng để quan sát các vấn đề bạn gặp trong lúc ngủ, chẳng hạn như bạn có ngáy to (triệu chứng ngưng thở khi ngủ).

thường xuyên buồn ngủ quá mức vào ban ngày

Nếu bạn đã ngủ đủ giấc hoặc có những biểu hiện khó ngủ dẫn đến việc thường xuyên buồn ngủ quá mức vào ban ngày, cần đến bệnh viện để thăm khám, loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khiến bạn buồn ngủ.

Buồn ngủ quá mức vào ban ngày có thể chỉ là do vấn đề thiếu ngủ đơn giản, nhưng cũng có thể là do các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vì thế, cần cải thiện vệ sinh giấc ngủ và kết hợp các mẹo về giấc ngủ lành mạnh vào thói quen hàng ngày. Nếu tình hình không được cải thiện, đừng ngần ngại đến bệnh viện để được thăm khám bạn nhé!

Bài viết liên quan