Theo các chuyên gia, trẻ bị hăm cổ là tình trạng bệnh lý ngoài da khá phổ biến. Mặc không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhưng nếu không được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh có nguy cơ biến chứng thành tình trạng viêm da dị ứng, lở loét vô cùng khó chịu.
Trẻ bị hăm cổ, nguyên nhân do đâu?
Cổ được xem là một trong những vùng da dễ bị hăm nhất trên cơ thể của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện kịp thời, chăm sóc, giữ vệ sinh đúng cách ở những vùng da có nhiều nếp gấp sẽ dẫn đến tình trạng hăm, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí là đau rát cho bé.
Theo các bác sĩ Nhi khoa, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị hăm cổ. Một vài trong số đó có thể kể đến như:
- Bố mẹ không chú ý giữ vệ sinh, thường xuyên lau sạch vùng cổ cho bé, đặc biệt là sau khi bú sữa xong, sữa có thể bị đọng nhiều ở khu vực này.
- Trời nóng, vùng cổ của bé bị đổ nhiều mồ hôi nhưng lại không được vệ sinh sạch sẽ cũng là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị hăm cổ.
- Bố mẹ sử dụng một lượng lớn phấn rôm lên da bé. Điều này khiến da tại khu vực cổ của bé gặp phải tình trạng bít tắc lỗ chân lông dẫn đến hăm.
- Do nấm ở khu vực da cổ.
- Quần áo, khăn quấn cổ quá chật hoặc không được vệ sinh đúng cách…vô tình gây ra những cọ xát với bề mặt da, khiến trẻ bị hăm cổ.
Cách nhận biết trẻ bị hăm cổ
Theo các chuyên gia, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị hăm cổ là ở bề mặt da thường tại khu vực hăm có màu sắc vết hăm đỏ nhẹ, hoặc nổi mụn, ửng đỏ…
Bên cạnh đó, do trẻ sơ sinh sở hữu làn da mỏng, và vô cùng nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng với những tác nhân ở môi trường xung quanh gây nên tình trạng hăm da, dị ứng và thậm chí là viêm loét da.
Làm gì khi trẻ bị hăm cổ?
Khi gia đình có trẻ bị hăm cổ, bố mẹ cần lưu ý một số phương pháp dưới đây để có thể cải thiện tình trạng hăm cổ của con, cụ thể:
- Bố mẹ nên chú ý thường xuyên tắm rửa cho bé. Nên tắm đều đặn mỗi ngày, sau đó dùng khăn mềm lau khô và mặc những loại quần áo thoáng mát, dễ chịu cho làn da bé.
- Đặc biệt, bố mẹ không nên mặc quần áo quá chật; không nên quấn khăn quá nhiều hoặc quá chật vì thân nhiệt của bé cao có thể dẫn đến tình trạng bí bách, đổ mồ hôi, gây mất vệ sinh và hăm cổ.
- Chú ý cho trẻ sinh hoạt, vui chơi vừa phải, ở những khu vực thoáng mát. Tránh để bé hoạt động mạnh, trong môi trường nắng nắng nóng để hạn chế việc ra mồ hôi ở cổ.
- Bố mẹ có thể tham khảo các bài thuốc dân gian, cho bé tắm lá. Đây cũng là một trong những phương pháp được rất nhiều cha mẹ áp dụng.
- Một số loại lá tốt cho làn da bé, có khả năng kháng khuẩn, kháng sinh, làm dịu cho làn da bé có thể kể đến như: lá trầu không, lá búp ổi non, lá khổ qua, lá chè xanh, lá khế, lá dâu tằm…
Tuy nhiên, da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nên bố mẹ cần lưu ý tìm hiểu rõ nguồn gốc của lá, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ những loại lá trước khi sơ chế để tắm cho bé. - Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể trị hăm cổ cho trẻ bằng cách sử dụng kem hăm ngoài da theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
Theo đó, cách sử dụng thuốc khá đơn giản, chỉ cần tắm rửa cho bé một cách sạch sẽ, lau khô toàn thân và sau đó sử dụng một lượng kem vừa đủ thoa một lớp mỏng lên vùng da bị hăm. Lưu ý, là chỉ lấy một lượng nhỏ để có hiệu quả với vết hăm.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu dị ứng với thành phần của thuốc phải dừng ngày, và đến bác sĩ để được thăm khám kỹ càng hơn. - Cho trẻ bú sữa mẹ đều đặn, nếu trong thời gian ăn dặm thì tăng cường uống nước cho trẻ.
- Bố mẹ không nên sử dụng thuốc bôi ngoài da dành cho người lớn để thoa lên da trẻ em.
Khi nào cần đưa trẻ bị hăm cổ đến bệnh viện?
Mặc dù trẻ bị hăm cổ không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng các phương thức đơn giản. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng và cơ địa của từng bé mà bệnh này sẽ kéo dài, gây ra những biểu hiện nặng nề.
Lúc này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa các bé tới bệnh viện để được can thiệp và điều trị kịp thời.
- Tình trạng hăm cổ kéo dài, và diễn tiến nặng hơn sau khoảng 10 ngày điều trị.
- Trẻ bị hăm cổ dẫn đến sốt cao.
- Trẻ bị hăm cổ nổi những hạt mụn nước, có dấu hiệu phồng rộp và mưng mủ trên da.
- Khu vực da bị hăm có dấu hiệu chảy máu.
- Khu vực hăm da ở cổ trở nên chai, cứng hơn so với những vùng da khác,
Theo các chuyên gia, trẻ bị hăm cổ mặc dù được xem là một tình trạng ngoài da không quá nặng nề, nhưng nếu không được xử lý và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến những tình trạng bệnh lý nguy hiểm khác.
Chính vì thế, bố mẹ cần quan sát và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường về da cổ của bé. Từ đó chú ý hơn về việc giữ vệ sinh, và cho trẻ đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị trong những trường hợp nặng.
Thông qua bài viết này, Mẹ và Con hy vọng bố mẹ đã có nhìn nhận đúng đắn hơn về tình trạng hăm cổ của bé. Từ đó biết cách điều trị cũng như phòng ngừa thích hợp, để giúp bé yêu luôn phát triển một cách khỏe mạnh và thoải mái nhất.