Mẹ và Con - Người bệnh sau khi bó bột cần được chăm sóc đúng cách thì quá trình hồi phục mới nhanh chóng và không để lại di chứng về sau.

Bó bột được thực hiện nhằm điều trị tình trạng gãy xương và kết hợp xương cho người bệnh. Sau khi bó bột, bệnh nhân phải được chăm sóc kỹ càng thì quá trình hồi phục mới thuận lợi, xương sẽ nhanh lành và không để lại các biến chứng như lệch xương hay gãy xương tái phát. Sau đây là các phương pháp chăm sóc người bệnh sau khi bó bột để đẩy nhanh tiến độ phục hồi cho xương.

Như thế nào là bó bột?

Bó bột (bó bột y tế) là cách chữa trị nhằm làm xương bị gãy bất động, giữ cho xương ở vị trí như khi giải phẫu, để đẩy nhanh tiến độ liền xương và hỗ trợ phục hồi phần mềm, phòng tránh hoặc làm giảm các đợt co thắt cơ bắp cũng như hạn chế rủi ro xảy ra tổn thương mới.

Điều trị bó bột

Một vài trường hợp có thể áp dụng đồng thời phương pháp bó bột và nẹp nếu bệnh nhân mắc chấn thương hoặc vừa trải qua đợt phẫu thuật ở xương, gân, khớp. Dù bó bột có thể gây bất tiện cho bệnh nhân, cũng như gây cản trở cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày nhưng đây chính là cách chữa trị hiệu quả mà lại đơn giản đối với những trường hợp bị gãy xương.

Có nhiều vật liệu, hình dạng, kích thước và cả cách thức khi muốn tiến hành bó bột cho người bệnh. Hai vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất khi bó bột là thạch cao và sợi thủy tinh. Những cách thức bó bột phổ biến là:

  • Máng bột/nẹp bột: Áp dụng khi bệnh nhân sưng nề nặng, nẹp bột ⅔ chu vi chi thể. Cách này tránh được chèn ép bột nhưng độ vững chắc không cao.
  • Bột rạch dọc: Dùng khi sưng nề, gãy xương mới không thể theo dõi ở bệnh viện. Bó bột dạng này cũng tránh được việc chèn ép bột nhưng độ vững chắc cũng không được đánh giá cao.
  • Bột tròn kín: Sử dụng khi sưng nề kết thúc và cần cố định cho vững phần xương bị gãy.
  • Bột mở cửa sổ: Tiến hành khi gãy xương hở hay có đi kèm tổn thương phần mềm, giúp thuận tiện khi chăm sóc vết thương phần mềm.
  • Bột Whitmann: Là cách thức bó ngực, chậu, bàn chân, thường là cho người bị gãy cổ xương đùi.

Tại sao chúng ta cần phải bó bột?

Bó bột được bác sĩ tiến hành thực hiện cho đa số những trường hợp bị gãy xương. Lý do là phương pháp này có rất nhiều lợi ích, cụ thể là:

  • Giúp bất động chỗ xương gãy và cố định một vị trí đúng duy nhất cho xương (được hiểu là tư thế giải phẫu).
  • Đẩy nhanh tiến trình lành lại của xương, khi mà xương gãy trở về đúng trục để có lại hình dáng phù hợp.
  • Giúp bảo vệ, hỗ trợ thuận lợi cho phần mềm trong giai đoạn phục hồi nếu phần mềm cũng bị tổn thương.
  • Giảm được mức độ đau do gãy xương cho người bệnh.
  • Giảm nguy cơ di lệch thứ phát.
  • Làm dịu sưng nề và những cơn co thắt cơ sau khi dính chấn thương.
  • Tạm thời giữ bất động cho bệnh nhân trong khi chờ phẫu thuật.
  • Chăm sóc khu vực xương bị tổn thương, ngăn cản áp lực tì đè hoặc đối với trường hợp căng vùng mô quá mức khi có sự tác động lên khu vực này.
  • Hỗ trợ vào giai đoạn hồi phục khả năng vận động của người bị gãy xương.

Khi nào thì bệnh nhân được chỉ định phải bó bột?

Bó bột thường được thực hiện khi xảy ra những trường hợp sau:

  • Gãy xương kín: Xương bệnh nhân gãy không di lệch hoặc di lệch không nhiều, nhất là những trường hợp bị gãy xương cẳng chân, hoặc gãy bàn tay thì sẽ thực hiện hình thức gãy tay bó bột, xương bàn chân thì tiến hành chân bó bột.
  • Tình trạng xương gãy không di lệch hoặc di lệch ít.
  • Xương trẻ em gãy, nhưng không tính các trường hợp gãy trên lồi cầu hay gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay.
  • Bệnh nhân phải bất động một lúc để đợi phẫu thuật.
  • Phần mềm các khớp như cổ tay, cổ chân bị chấn thương sẽ tiến hành bó bột cổ tay hoặc cổ chân.

những trường hợp cần bó bột

Thời gian cho một lần bó bột là bao lâu?

Câu trả lời là sẽ tùy theo tiến độ lành lại của xương và các phần mô mềm xung quanh. Dựa theo tình trạng gãy xương, bao gồm vị trí, mức độ và các yếu tố đi kèm (có tổn thương mô mềm hay không, tình trạng thể chất của bệnh nhân và cả những bệnh lý đi kèm) mà quá trình lành xương sẽ khác nhau ở mỗi người.

Với những người có sức khỏe tốt, gãy xương chi trên sẽ hồi phục sau 4 – 8 tuần, còn chi dưới lâu hơn cỡ từ 8 – 12 tuần. Tuy vậy, thông tin này chỉ nên dùng để tham khảo vì thực tế thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người bệnh.

Để chắc chắn rằng xương đã bình phục, bệnh nhân phải được thăm khám lâm sàng, chụp x-quang để có kết quả chính xác nhất. Sau khi có kết quả, bác sĩ mới có thể tháo bột.

Những phương pháp chăm sóc người bệnh sau khi bó bột

Sau khi bó bột, đa số bệnh nhân sẽ được tiến hành theo dõi và chăm sóc tại gia dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chữa trị. Nhằm chăm sóc người bó bột một cách tốt nhất thì cả bệnh nhân và người thân nên lưu ý những điều quan trọng sau:

  • Khoảng thời gian từ 24 – 72 giờ đầu sau bó bột, người bệnh có thể cảm thấy chật chội và căng tức ngay vị trí bó bột. Vì thế, việc kê cao chi trong khoảng thời gian đó, đi kèm với vận động lên cơ trong bột và vận động đầu chi không bó bột sẽ giúp xoa dịu những cảm giác khó chịu.
  • Người nhà nên chuẩn bị sẵn giường cùng những vật dụng như đệm lót, gối,… sao cho thoải mái nhất cho người bệnh. Lưu ý là người bó bột nên được nằm trên giường có mặt phẳng cứng và chi bó bột được kê cao.
  • Luôn giữ khô ráo và sạch sẽ chỗ bó bột, tránh để vị trí này bị thấm nước gây ẩm ướt vì có thể thấm vào lớp giấy lót trên da làm da bị kích ứng.
  • Không dùng que để luồn hay thọc vào trong bột.
  • Tập cử động thường xuyên các chi bó bột. Trường hợp bác sĩ cho phép đi lại thì nên chờ tối thiểu 1 ngày đối với bột thủy tinh và 2 – 3 ngày đối với bột thạch cao. Khi di chuyển, người bệnh cần sử dụng nạng gỗ và sự trợ giúp của người thân để không bị ngã.
  • Chăm sóc và vệ sinh da mỗi ngày, lau sạch phần đầu chi, kể cả phần không bó bột. Thay quần áo đều đặn và luôn đổi tư thế khi nằm hoặc ngồi để không làm loét điểm tỳ.
  • Tuyệt đối không tự ý cắt bột, tháo bột tại nhà mà phải giữ bột  theo đủ thời gian mà bác sĩ điều trị yêu cầu.
  • Phải chủ động đến cơ sở y tế để tái khám theo đúng lịch hẹn.
  • Cần để ý nếu có những dấu hiệu bất thường như: Bột quá chặt, quá lỏng, bột bị gãy, bị chèn ép, người bệnh bị dị ứng với bột (với các triệu chứng như đau nhức, tím lạnh, tê bì, mất cảm giác, phỏng, ngứa,…), chỗ vết thương thấm dịch tỏa mùi khó chịu…, thì phải báo ngay cho bác sĩ đang điều trị để can thiệp kịp thời.
  • Người bó bột nên bổ sung đầy đủ những dưỡng chất và canxi nhằm tăng cường sức khỏe và phòng ngừa loãng xương, hỗ trợ những triệu chứng đau nhức mỏi. Để tránh táo bón thì có thể dùng thêm những loại rau xanh, trái cây, hoa quả và đặc biệt là nước lọc.

khi bó bột cần tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D

Trên đây là những cách chăm sóc người bệnh bó bột để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Và việc tuân theo những lưu ý trên và cả chỉ dẫn của bác sĩ sẽ vừa hỗ trợ cho sự lành lại mau chóng của xương vừa giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bài viết liên quan