Mẹ và Con - Bệnh loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Để phòng ngừa bệnh này, chúng ta cần biết bệnh loãng xương là gì? Đâu là triệu chứng của bệnh loãng xương? Cách điều trị bệnh loãng xương là gì? Hãy cùng Mẹ và Con tìm những thông tin liên quan tới bệnh loãng xương trong bài viết dưới đây. 

Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Mật độ xương giảm dần theo thời gian và tuổi tác nên xương sẽ giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tuổi càng cao thì tình trạng xốp xương càng tiến triển nặng hơn.

Nguyên nhân của bệnh loãng xương ở người già là do quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các chấn thương nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh loãng xương mà chúng ta cần chú ý kỹ mới có thể nhận ra sự thay đổi, cụ thể gồm: 

  • Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng….
  • Mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích.
  • Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Các cơn đau thường âm ỉ kéo dài và đặc biệt tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
  • Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp…

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Nguyên nhân của bệnh loãng xương

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh loãng xương như: 

  • Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh đó nếu nam giới có nồng độ testosterone thấp cũng gây ra bệnh loãng xương.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3…
  • Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid, heparin được sử dụng trong thời gian dài và không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… khiến xương khớp suy yếu.
  • Thường xuyên sử dụng những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.
  • Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.
  • Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp.

Nguyên nhân của bệnh loãng xương

Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh loãng xương. Trong số đó có yếu tố có thể thay đổi được và số khác thì không thể. 

Các nguy cơ không có khả năng thay đổi gồm:

  • Giới tính: Nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở nữ giới cao hơn nam giới. Vì phụ nữ có tổng khối lượng xương thấp hơn và sự thay đổi hormone sau mãn kinh.
  • Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Kích thước cơ thể: Phụ nữ gầy, nhỏ người thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
  • Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh từ trước.
  • Phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi.
  • Đã từng bị gãy xương.
  • Mắc các bệnh lý khác: Bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, hội chứng Cushing…
  • Chủng người da trắng hay người châu Á.

Các yếu tố nguy cơ có khả năng thay đổi gồm:

  • Nội tiết tố giới tính: Nồng độ estrogen thấp có thể gây ra tình trạng giảm mật độ xương ở nữ giới và xốp xương ở nam giới.
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất như canxi và vitamin D.
  • Chán ăn tâm thần: Chứng rối loạn ăn uống có thể dẫn tới tình trạng loãng xương.
  • Sử dụng các loại thuốc như corticosteroid, heparin trong thời gian dài.
  • Mức độ hoạt động thấp hay ngồi lâu có thể gây bệnh loãng xương
  • Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…

Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

Khi người bệnh không được điều trị kịp thời hay điều trị không đúng cách, những biến chứng của bệnh loãng xương có thể xuất hiện như:

  • Gãy xương: Gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay, gãy khớp háng là tình trạng thường gặp ở người bệnh loãng xương cao tuổi.
  • Lún xẹp đốt sống: Tình trạng lún xẹp đốt sống do loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. 
  • Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

cách điều trị bệnh loãng xương

Cách điều trị bệnh loãng xương

Hiện nay các bác sĩ thường điều trị bệnh loãng xương bằng cách kết hợp giữa phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc.

Phương pháp không sử dụng thuốc

  • Chế độ ăn uống: Bệnh loãng xương nên ăn gì? Hay bệnh loãng xương nên kiêng ăn gì? Hãy chọn 1 chế độ ăn có thực phẩm giàu canxi, hạn chế lạm dụng chất kích thích và kiểm soát tình trạng cân nặng
  • Chế độ sinh hoạt: Vận động thường xuyên và hạn chế té ngã
  • Có thể sử dụng những dụng cụ, nẹp chỉnh hình giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

bệnh loãng xương nên ăn gì

Phương pháp dùng thuốc

Khi điều trị bệnh loãng xương, người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày và lượng vitamin D cần thiết khoảng 800 – 1000 IU/ngày cho cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc chống hủy xương như:

  • Alendronate: Fosamax plus hay Fosamax 5600 (1 viên/tuần).
  • Zoledronic acid được truyền tĩnh mạch với liều lượng 5mg/100ml mỗi năm. Thuốc chống chỉ định với người bệnh suy thận nặng và rối loạn nhịp tim.
  • Calcitonin thường được chỉ định cho người bệnh gãy xương hay bị đau do loãng xương, liều lượng 50 – 100 IU/ngày, cần dùng kết hợp nhóm bisphosphonate.

Cách phòng tránh bệnh loãng xương

Để làm chậm và phòng ngừa loãng xương, ngoài việc xác định nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, bạn cần lưu ý:

  • Bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống.
  • Nếu muốn dùng viên uống tổng hợp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Người trong nhóm đối tượng nguy cơ nên được đo loãng xương để kiểm tra và sớm phát hiện ra dấu hiệu bệnh loãng xương.
  • Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng một hệ xương chắc khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi.
  • Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây hại đến xương khớp.
  • Khi xuất hiện các vấn đề như đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên…, bạn nên đi đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid vì có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
  • Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc để tránh xảy ra các va chạm, tai nạn đáng tiếc.

Cách phòng tránh bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương là một bệnh lý thường gặp mà chắc chắn ai cũng có thể mắc phải nhưng mức độ nặng nhẹ hoàn toàn khác nhau. Do đó, để sớm phát hiện và điều trị bệnh thì nên thăm khám sức khỏe định kỳ và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp giảm đi phần nào những biến chứng do bệnh loãng xương gây ra khiến cuộc sống sinh hoạt trở nên bất tiện. 

Bài viết liên quan