Mẹ&Con - Quan điểm của tôi là không có đứa trẻ nào khó dạy, chỉ có bố mẹ chưa biết cách dạy con mà thôi. 'Người Mỹ đang giáo dục giới tính cực đoan?' Bí quyết dạy con của “mẹ Tây” 3 cách nghĩ sai trong việc dạy con

Tuần trước, em gái tôi gọi điện than thở: “Con Nhím càng ngày càng lì chị ạ. Bảo thế nào nó cũng không chịu nghe lời. Ai hơi làm trái ý nó là nó lăn đùng ra ăn vạ. Khóc thì hàng xóm cách 3 nhà cũng nghe thấy. Em đến chết mất thôi. Hay tại ngày xưa lỡ đặt tên nó là Nhím nên giờ mới ương ngạnh, động tí là xù lông thế nhỉ?” Tôi bật cười: “Trẻ con tuổi này đứa nào cũng khó bảo thế đấy.” Rồi tôi rủ em gái đưa Nhím đến nhà mình chơi 2 ngày cuối tuần để xem tình hình cháu “bướng” đến mức nào. Chỉ với vài “chiêu” nho nhỏ, mấy trò giận dỗi phản đối của Nhím đã bị tôi “xử đẹp”:

Chiêu “khích tướng”

Trong bữa ăn, nhà có món bún riêu cua rất ngon, mọi người đều ăn vui vẻ nhưng riêng Nhím ngồi im, xụ mặt một góc, nhìn canh cua với vẻ rất “kì thị”. Mẹ Nhím cảnh báo với tôi từ trước là Nhím chỉ thích ăn cơm khô với trứng thôi, canh hay rau đều ghét, những món lạ lạ như lươn, cua, thịt trâu,… lại càng không bao giờ động vào. Tôi vừa cười tươi đon đả, vừa cầm thìa múc canh định chan canh cua vào bát của Nhím thì con bé đã la toáng lên: “Không ăn!” “Con không thích cua à? Thế thôi bác không chan nữa, khi nào muốn ăn thì bảo bác, bác chan cho nha.”

Biết là ép uổng trẻ con chẳng có ích gì, nhất là với những ca “khó nhằn” như Nhím nên tôi thản nhiên quay sang ăn cùng mọi người, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon: “Công nhận mùa hè chỉ ăn riêu cua là mát. Ôi sao gạch cua nó béo ngậy, nước ngọt lừ.” Chồng tôi cũng biết ý “đá” thêm vài câu để khích Nhím: “Thằng Bảo nhà mình ăn nhiều cua nên nó mới cao như vậy đấy. Đứa nào hồi bé cứ lười ăn cua ăn tôm là chẳng bao giờ cao được.”

Tuyệt nhiên không một ai giục giã, thúc ép, bắt Nhím phải ăn canh cua cả nhưng mọi người xì xụp chan húp, khen ngon rôm rả khiến Nhím tuy chỉ ngồi ăn cơm không với trứng nhưng xem chừng bồn chồn lắm rồi. Lúc này tôi lại đưa thìa canh vào bát Nhím: “Nhím thử miếng xem có ngọt không nhé?”, thế là Nhím ngoan ngoãn để yên cho tôi chan. Lại một lần nữa, em tôi phải tròn xoe mắt vì đây là lần đầu tiên Nhím chịu ăn một món mà trước đây con bé không bao giờ chịu thử.

Chiêu “đưa ra lựa chọn”

Sang trưa ngày Chủ Nhật thì Nhím bắt đầu gây chuyện to. Không biết trong lúc chơi đùa với các anh chị bị trêu gì mà Nhím gào lên, mặt mũi đỏ gay, vùng vằng đi ra cổng đòi về. Mọi người xúm vào dỗ dành, ôm ấp Nhím thì Nhím nằng nặc đẩy ra, chỉ khóc ngằn ngặt bắt mẹ chở về nhà bằng được. Tôi ra hiệu bảo mọi người cứ vào nhà, để im cho Nhím đứng ở cổng (cổng đã khóa kĩ để con bé không ra ngoài được), cho khóc chán thì thôi. Được một lúc thì Nhím cũng im hẳn, tôi mới ra hỏi Nhím: “Con có mệt không? Con thích rửa mặt hay nghe kể chuyện trước khi đi ngủ?” “Nhà bác có nhiều gối xịn lắm Nhím ạ. Con thích ngủ gối Hello Kitty hay gối Pucca?”

Biết nói "ngọt", tôi dỗ trẻ bướng bỉnh "ngon lành" 3

Thay vì bắt Nhím đi ngủ, tôi cho cháu được quyền lựa chọn khiến cháu cảm thấy xuôi tai hơn (ảnh minh họa)

Nhím được trao cho quyền lựa chọn có vẻ xuôi tai, quên khuấy mất là đang dỗi đòi về, ngoan ngoãn theo tôi vào nhà để nghe kể chuyện và nằm gối đẹp. Thế đấy, con bé đã “sập bẫy” của bác nó, dù có được lựa chọn thì chọn cái nào cũng rơi vào mục đích cuối cùng của tôi là thuyết phục nó ở lại, không bắt mẹ đưa về giữa trưa nắng nữa.

Chiêu “đánh vào trái tim”

Buổi tối, trước khi đi ngủ, em gái tôi đưa Nhím đi đánh răng. Con bé mải xem phim hoạt hình, giãy đành đạch lên không chịu theo mẹ vào nhà tắm. Nhớ lời tôi dặn hồi sáng phải “nịnh khéo”, em gái tôi nhanh chóng “chuyển tông”, ôm Nhím vào lòng và ngọt ngào: “A để mẹ ôm con Nhím cái nào, cả tuần đi làm hôm nay mới được ở nhà với Nhím. Mẹ yêu cái con bé ngoan này của mẹ quá. Cho mẹ xem cái răng trắng này một tí.” Ngay lập tức con bé có vẻ sướng, vuốt ve ôm ấp mẹ, để yên cho mẹ thích chải răng, rửa mặt cho tùy ý.

Hết 2 ngày cuối tuần, em gái tôi tấm tắc khen tôi “cao tay” trị Nhím con cứng đầu và thú nhận: “Cơ bản cũng tại em thiếu kiên nhẫn qúa. Phải về bác thường xuyên để học thêm mấy chiêu dạy con. Ở nhà em quát con Nhím rát tai chẳng được, về đây bác nói nhẹ nhàng mà nó lại nghe răm rắp mới sợ chứ.” Thế đấy, quan điểm của tôi là không có đứa trẻ nào khó dạy, chỉ có bố mẹ chưa biết cách nói “ngọt” dạy con mà thôi.

Tags:

Bài viết liên quan