Biếng ăn ở trẻ em có thể được chia làm 3 nhóm chính: biếng ăn sinh lý, biếng ăn bệnh lý và biếng ăn tâm lý. Trong đó, biếng ăn tâm lý ở trẻ là một tình trạng phổ biến nhưng lại ít được quan tâm hơn.
Biếng ăn tâm lý ở trẻ là gì?
Biếng ăn là tình trạng trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Như vậy, trẻ không thể hấp thụ đủ lượng năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết. Tình trạng biếng ăn thường gặp ở trẻ trong giai đoạn từ 1-6 tuổi. Việc biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng mà bố mẹ không nên chủ quan.
Trong các tình trạng biếng ăn thì biếng ăn tâm lý ở trẻ là tình trạng rất thường gặp. Trẻ không có bệnh, không nghịch ngợm, không ham chơi đến quên ăn nhưng hiện tại không còn hứng thú với việc ăn uống, có hành vi chống đối trong bữa ăn hoặc ngồi lì không chịu ăn.
Nguyên nhân tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính của việc biếng ăn tâm lý ở trẻ em chính là sự sợ hãi trong việc ăn uống của trẻ. Tuy nhiên, vì sao một bữa ăn lại biếng thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của trẻ đến vậy?
Với quan niệm trẻ ăn càng nhiều càng tốt, lên cân càng nhiều chứng tỏ con càng mạnh khỏe, nhiều người ép con phải ăn hết phần ăn của mình dù trẻ đã no hoặc không thật sự thích món ăn này. Nếu việc bị ép buộc ăn diễn ra thường xuyên, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi dẫn đến việc không còn hào hứng trong việc ăn uống.
Ngoài ra, tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ em còn xảy ra nếu bố mẹ hoặc người lớn buộc con phải tuân thủ quá nhiều nguyên tắc trong bữa ăn, chẳng hạn như phải ngồi yên 1 chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn, phải mang khăn ăn, không được nói chuyện trong bữa ăn,… có thể tạo tâm lý gò bó và khiến trẻ chẳng còn hứng thú với bữa ăn nữa.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc biếng ăn tâm lý ở trẻ chính là bố mẹ hay người lớn thường xuyên la mắng trẻ, kể tội của trẻ trong bữa ăn. Vì bữa ăn tối thường là lúc cả nhà quây quần cùng nhau sau một ngày đi học, đi làm mệt mỏi nên đôi khi, mẹ muốn mách bố hôm nay con chưa ngoan, ông bà nói mẹ rằng cháu mải xem tivi nên cháu bị la,…
Xem thêm: Vì sao không nên la mắng con cái
Điều này khiến trẻ bị la ngay trong chính bữa ăn. Nếu lặp đi lặp lại, bữa ăn đối với con lúc này chỉ là khoảng thời gian để người lớn nói xấu con, không khí bữa ăn trở nên căng thẳng nặng nề dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ.
Và một sai lầm khác cũng là nguyên nhân của tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ mà nhiều bố mẹ gặp phải chính là cho thuốc vào trong sữa và thức ăn của trẻ. Khi bé bệnh nhưng lại không chịu uống thuốc, chúng ta hay trộn lẫn thuốc vào bên trong sữa và thức ăn để “đánh lừa” trẻ.
Tuy nhiên, điều này có thể làm biến đổi mùi của thức ăn khiến trẻ cảm thấy không ngon miệng. Nếu cứ đánh lừa trẻ liên tục thì con sẽ khó chịu và không còn muốn ăn nữa, bắt đầu có những phản ứng chống đối khi tới giờ ăn.
Việc lặp đi lặp lại các món ăn, đặc biệt là các món mà trẻ không thích cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ.
Các biểu hiện biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn tâm lý có thể gặp một số biểu hiện như:
- Khóc lóc, la hét ầm ĩ khi tới bữa ăn
- Có những biểu hiện chống đối như che miệng, chạy trốn, cãi lại bố mẹ khi được cho ăn
- Không chịu ăn hoặc chỉ ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi
- Bữa ăn kéo dài hơn 30 phút/bữa
- Có phản ứng nôn ói khi nhìn thấy thức ăn
- Gầy gò, chậm tăng cân liên tục trong nhiều tháng (thường từ 3 tháng trở lên)
Phòng tránh và điều trị biếng ăn tâm lý ở trẻ
Cách xử trí biếng ăn tâm lý ở trẻ
Khi trẻ có biểu hiện biếng ăn tâm lý, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ nên:
- Nhẹ nhàng với trẻ, không bắt ép con phải ăn hết bữa.
- Không la mắng hay chê trách trẻ trong bữa ăn.
- Động viên trẻ để trẻ cố gắng ăn nhiều hơn.
- Kiên nhẫn với trẻ, không bắt con thay đổi cùng một lúc mà chỉ cần con ăn nhiều hơn một ít mỗi ngày.
- Thay đổi nhiều món ăn khác nhau, tìm những món ăn mà trẻ thích, chế biến theo khẩu vị của con. Trước khi nấu ăn, bạn có thể hỏi hôm nay con muốn ăn gì để nấu đúng những món này, kích thích vị giác của trẻ.
- Để cho trẻ ngồi ăn thoải mái theo sở thích, không hối thúc trẻ phải ăn quá nhanh, để trẻ được tự bốc, múc thức ăn. Dĩ nhiên, vẫn phải điều chỉnh trẻ để con ngồi ăn đúng cách hay có những nguyên tắc ứng xử trên bàn ăn phù hợp. Tuy nhiên, nên hướng dẫn trẻ từ từ, không nên quá bắt ép con cùng lúc thực hiện hết tất cả những nguyên tắc này để trẻ thoải mái hơn trong bữa ăn.
- Việc tìm mua chén đĩa, ly tách, muỗng có hình thù ngộ nghĩnh cũng giúp bữa ăn trở nên thú vị hơn đối với con – một cách cải thiện tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ.
Xem thêm:
Phòng ngừa trường hợp trẻ biếng ăn tâm lý
Để tránh trẻ biếng ăn tâm lý ở trẻ thì phải làm như thế nào? Theo đó, khi cho trẻ ăn, bố mẹ có thể:
- Thường xuyên hỏi trẻ thích được ăn gì. Có thể cho trẻ tham gia đi chợ và lựa chọn thức ăn, tham gia phụ nhặt rau, củ cùng mẹ.
- Không bắt ép trẻ phải ăn những món con không thích
- Trong bàn ăn không la mắng trẻ hay đề cập đến những vấn đề không vui
- Không trộn thuốc vào trong đồ ăn, thức uống, sữa,…
- Khen thức ăn ngon, tươi cười mỗi khi cho trẻ ăn
- Để trẻ ăn khi đói
Biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể làm khó bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ vì lo lắng trẻ bỏ ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy sao không thử ngay những tip cho bé ăn dễ dàng hơn mà Mẹ và Con đã bật mí phía trên bạn nhỉ?