Bị hoa mắt chóng mặt khi mang thai là hiện tượng mà hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải trong thai kỳ, nhất là trong ba tháng đầu. Trong thời kỳ này, hệ thống tim mạch của mẹ bầu bắt đầu có những thay đổi lớn như mạch máu nở rộng hơn nhằm đưa máu và các dưỡng chất đi nuôi dưỡng thai nhi, nhịp tim tăng, tốc độ bơm máu nhanh hơn, lượng máu trong cơ thể cũng được tăng lên gần như gấp đôi để đáp ứng nhu cầu sống của hai người. Những sự thay đổi này là nguyên nhân làm máu trở về tĩnh mạch chậm hơn dẫn đến huyết áp giảm gây hoa mắt chóng mặt. Tuy nhiên, hệ thống tim mạch và thần kinh của mẹ vẫn có thể điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi này. Thế nhưng, sự điều chỉnh không diễn ra kịp thời sẽ khiến mẹ cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Mẹ hãy cố gắng vượt qua giai đoạn đầu khó chịu này. Bởi bắt đầu từ khoảng giữa thai kỳ trở đi huyết áp của mẹ sẽ lại tăng rồi trở về bình thường đến cuối thai kỳ.
Mẹ bầu không nên chủ quan với hiện tượng hoa mắt chóng mặt. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh nguyên nhân về huyết áp thì những thói quen hàng ngày cũng có thể khiến mẹ bầu hoa mắt chóng mặt:
- Thay đổi tư thế quá nhanh gây tụt huyết áp.
- Nằm ngửa khiến trọng lượng thai nhi tạo áp lực lên các tĩnh mạch chủ gây cản trở quá trình dẫn máu về tim.
- Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng làm hạ đường huyết.
- Không bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.
- Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu khiến lượng oxy tới não suy giảm.
- Nhiệt độ quá nóng bức hay việc tiếp xúc giữa hai môi trường nóng, lạnh liên tục, đột ngột làm cơ thể sốc nhiệt.
- Tập luyện thể dục quá mức hay căng thẳng, lo lắng thường xuyên cũng dẫn đến hoa mắt, chóng mặt ở mẹ bầu.
Thực tế, nhiều mẹ bầu vẫn thường chủ quan bỏ qua hiện tượng hoa mắt chóng mặt khi mang thai. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho thai nhi. Đặc biệt khi mẹ gặp các triệu chứng này trong tam cá nguyệt đầu tiên thì cần phải cẩn trọng hơn. Điều này có thể báo hiệu nguy cơ mẹ bị tiền sản giật. Do đó, nếu mẹ thường xuyên bị những cơn đau đầu, hoa mắt chóng mặt “hành hạ” thì nên đi khám bác sĩ ngay.
Mẹ bầu cần làm gì để khắc phục hiện tượng hoa mắt chóng mặt?
Tránh đứng lên đột ngột: Việc đứng lên quá đột ngột sẽ làm máu không kịp lưu thông hết vòng tuần hoàn dẫn đến choáng váng. Do đó, khi muốn đứng lên mẹ nên thực hiện động tác từ từ thôi nhé.
Đừng nằm ngửa: Nằm ngửa khi tử cung của mẹ đang lớn dần trong thai kỳ sẽ gây áp lực lên một số cơ quan chính như tim, phổi khiến máu lưu thông chậm dẫn đến hoa mắt chóng mặt. Do đó, thay vì nằm ngửa khi mang thai mẹ hãy chọn tư thế nằm nghiêng để giảm áp lực này nhé!
Ăn uống đủ chất, lành mạnh: Khi mang thai là lúc cơ thể mẹ cần lượng thức ăn và chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường. Mẹ hãy chú ý cung cấp đầy đủ thức ăn lành mạnh cho cơ thể, đồng thời chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên uống đủ 8 – 10 ly nước/ngày để tránh hiện tượng choáng váng.
Bổ sung chất sắt: Bị hoa mắt chóng mặt khi mang thai có thể là do mẹ thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Vì vậy, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ chất sắt trong thai kỳ qua những thực phẩm giàu sắt hoặc viên uống bổ sung sắt.
Vận động cơ thể nhẹ nhàng: Vận động cơ thể bằng việc đi bộ hay tập những bài tập yoga nhẹ nhàng dành cho mẹ bầu giúp máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn, tránh được tình trạng choáng váng.