Vitamin B9 (axit Folic)
Vitamin B9 rất cần cho sự phát triển của thai, tránh cho thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh – đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai nghén. Nếu bổ sung Vitamin B9 từ tháng thứ 6 thì cân nặng thai nhi lúc sinh sẽ tăng lên đáng kể. Bạn có thể tìm thấy Vitamin B9 trong rau sống, đậu Hà Lan, rau lá màu xanh lục đậm, cà chua, bột đậu nành, cam, chuối, bắp, dừa…
Vitamin B2
Vitamin B2 có trong men bia, bột ngũ cốc, thịt, rau xanh các loại… Vitamin B2 giúp cho sự chuyển hóa axit béo và nhiều axit amin khác. Mỗi ngày bạn cần khoảng 1,8 mg. Khi thiếu Vitamin B2 thì da và niêm mạc miệng có thể bị tổn thương, chảy nước mắt, chậm lớn, dễ sảy thai, bé sinh ra có thể bị dị tật… Nếu thừa Vitamin B2, cơ thể sẽ loại trừ ra ngoài theo nước tiểu nên bạn không cần phải lo lắng nhiều.
Vitamin C
Ảnh minh họa.
Vitamin C là chất kết dính giữa các tế bào, có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ, vận chuyển chất sắt, tăng khả năng chống lại bệnh tật. Bạn cần đưa vào cơ thể thức ăn giàu Vitamin C mỗi ngày. Mọi loại rau quả đều có Vitmin C. Những nguồn có nhiều Vitamin C là cam, chanh, xoài, dâu, dứa, khoai lang, khoai tây, củ cải xanh… Tuy nhiên, Vitamin C rất dễ bị phá hủy khi thức ăn đã bị nấu chín nên bạn cần chú ý để bổ sung.
Vitamin D
Vitamin D có quan hệ chặt chẽ tới sự sinh trưởng của xương, khống chế quá trình canxi hóa. Khi thiếu Vitamin D thì kết cấu và tốc độ sinh trưởng của khung xương thai nhi bị ảnh hưởng, sự phát triển của răng sau này không tốt, sau khi sinh ra, bé rất khó được bổ sung qua đường hấp thu dinh dưỡng hoặc uống thuốc. Vitamin D có nhiều trong sữa, cá và lòng đỏ trứng…
Vitamin A
Thiếu Vitamin A có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường cơ quan thị giác của thai nhi cũng như những biến đổi bệnh lý về nhãn cầu, phổi không nở, thậm chí ức chế da, xương, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của tế bào não.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung thêm chất sắt (có trong cật heo, cật bò, lòng đỏ trứng, thịt bò, bột bắp, các loại đậu xanh, đậu đen…) và kẽm (có trong trứng, các loại hạt…).
Lưu ý:
Mặc dù Vitamin và chất khoáng rất hữu ích với cơ thể, song bạn chỉ nên bổ sung qua các loại thực phẩm là chủ yếu. Khi cần dùng thêm dưới dạng thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, vì việc thiếu hay thừa các chất này đều không có lợi cho sức khỏe, nhất là Vitamin A và D.