Dẫn con đến một buổi gặp mặt bạn bè, chị Hoàng (Q.3) điếng người, không biết giấu mặt vào đâu trước câu nói hỗn xược của bé với bạn mình. Chẳng là khi bạn chị trêu: “Ai cột tóc cho con mà xí thế này?”, bé Mai (6 tuổi) đã lanh chanh: “Ngu quá… Người ta cột tóc đẹp vậy mà chê xấu.”. Còn bạn chị Hoàng chỉ biết cười trừ: “Con nít bây giờ… ranh thiệt!”.
Từ nói hỗn…
Không riêng gì chị Hoàng mà bất cứ mẹ nào cũng có thể rơi vào trường hợp khó xử này. Tất nhiên những câu nói hỗn láo của bé không phải tự nhiên mà có. Bé đang trong quá trình tiếp nhận, bắt chước những điều xung quang mình và có thể không hiểu được hết lời lẽ hỗn hào mà mình sử dụng.
Chị Vân (nhân viên kinh doanh của một công ty nữ trang, Q. Tân Bình) đã rất ngạc nhiên khi bé của mình hết dùng câu “Quê một cục” đến những từ khó nghe như “ổng”, “bả” và dùng ngay cả những con vật để bình phẩm người khác. Một mực khẳng định: “Mọi người trong nhà mình ăn nói với nhau rất chừng mực”, chị tâm sự: “Có hôm nghe cháu nói “Coi bả… ngựa chưa kìa mẹ” mà không tin nổi vào tai mình. Tức quá, mình vặn hỏi mới biết nó học lỏm của bà hàng xóm!”.
Không chỉ người ngoài mà ngay cả người thân trong gia đình, đôi khi cũng là “nạn nhân” của những lời lẽ không hay ho do nuông chiều bé. Chị Quyên (Q. Bình Thạnh) là một ví dụ. Lên trông cháu giúp vợ chồng chị gái, chị cũng phớt lờ cách bênh con chằm chặp của chị mình, với suy nghĩ: “Con nít mà!”. Chỉ đến một ngày, thấy bé cứ quấy mẹ mới đi làm về mệt, chị biết ý bảo: “Lan, ra đây chơi với dì để cho mẹ nghỉ ngơi một lát đã!” thì sững người khi nghe đứa cháu gái 7 tuổi của mình lên giọng: “Mẹ của tui chứ bộ. Bà làm như tui thích chơi với bà lắm vậy!”.
Ngoài ra, việc các thành viên trong nhà mâu thuẫn với nhau và “dạy” bé chửi thay mình cũng không phải là hiếm gặp. Chị Hương (Q.4) đã không khỏi sa sầm nét mặt khi nghe con bảo: “Mẹ khùng quá!” những lúc không vừa ý với mẹ. Hỏi ra mới biết, chính bà nội đã tiêm nhiễm những lời lẽ này cho bé. Chị bức xúc: “Chia tay chồng một thời gian rồi nhưng mình vẫn cho con về nhà nội thường xuyên. Có điều, mình với bà nội thằng bé không mấy thuận hòa. Lần nào ở nhà nội về cũng thấy nó ăn nói hỗn hào hơn”…
…Đến nói tục
Ảnh minh họa.
Với những bé lớn hơn một tí thì việc nói bậy, chửi thề càng làm các mẹ lo ngại, bởi khi đã quen miệng thì rất khó để mẹ có thể ăn nói năng lễ phép trở lại.
Nhà ở trong khu vực kinh doanh, buôn bán của Quận 6 nên vợ chồng chị Xuân không mấy để ý đến việc cách nói chuyện làm ăn của hàng xóm ảnh hưởng đến con mình. Ngay cả chồng chị Xuân, đôi lúc bực dọc trong công việc làm ăn cũng buột miệng chửi thề. Đến khi thấy bé Nam (lớp 6 trường THCS T.) mở miệng ra là chửi thề, thậm chí nói chuyện bình thường cũng đệm thêm những từ “nghe không lọt lỗ tai”, chị Xuân mới tá hỏa lên. Nhưng chỉnh con thì thằng bé bắt bẻ: “Sao ba nói được mà con nói không được?” khiến chị cũng chẳng biết làm sao.
Trường hợp của chị Nhiên (nhân viên văn phòng, Q.2) lại “oái oăm” hơn nhiều. Khá coi trọng việc lễ nghĩa, luôn dạy con các phép tắc ứng xử nên chị vô cùng sửng sốt khi nhận được thư mời của cô giáo chủ nhiệm lớp con, lên họp riêng để thông báo và tìm cách khắc phục việc con chị nói tục, chửi thề quá nhiều, ảnh hưởng đến khác các bạn khác trong lớp. Để ý, tìm hiểu, chị mới biết từ khi lên lớp 7, cậu con trai của mình đã kết nhóm với một nhóm bạn cá biệt và bị ảnh hưởng những ngôn từ không mấy hay ho qua các băng hài, nhạc nhái vỉa hè. Phạt con và ngay cả đánh mắng cũng không ăn thua, chị Nhiên tỏ vẻ lo lắng: “Thằng bé dường như không nhận ra tác động xấu của lối ăn nói này mà chỉ nghĩ đó là một cách để làm mình khác người, nổi bật. Tụi nó đang ở tuổi muốn gây sự chú ý và tập tành khẳng định mình, lại còn nghe bạn bè hơn cha mẹ nữa chứ!”.
Giúp con “học nói”
Đánh, phạt con như chị Nhiên chỉ càng làm cho bé càng bướng bỉnh, muốn chọc tức bạn thêm. Hơn nữa, đòn roi hay dọa nạt cũng chỉ có thể làm bé sợ trước mặt mà không “tâm phục” chút nào. Ai dám chắc, sau lưng bạn, bé sẽ không tái diễn tật xấu này?
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu xem bé bắt chước, bị tác động bởi tật xấu này từ bao giờ, từ ai để có những cách thức phù hợp. Khi bé hỗn, nhất là những bé ở độ tuổi tiểu học, chỉ cần bạn biết uốn nắn và tỏ thái độ không hài lòng ngay thì việc dạy lại bé những lời lẽ lễ phép cũng không hẳn là nan giải. Như chị Hương ở trên chia sẻ: “Để bà nội cháu không tiêm nhiễm những điều không hay, mấy lần sau có cho bé về nội, mình cũng theo sát. Giờ còn nhỏ mà lơ là thì mai mốt nói cháu không nghe được!”.
Cần giảng giải cho con hiểu vì sao bé không nên dùng những từ ngữ ấy và nên tranh thủ những tiếng nói có trọng lượng với bé để bé dễ nghe theo. Như chị Xuân, biết con “ngang” nhưng lại rất nghe lời cô giáo, đành nói khéo để cô quan tâm, nhắc nhở giùm. Đồng thời, chị cho biết: “Mình không nói thẳng với ba nó, sợ hai cha con lại có chuyện không hay nhưng có nhắc để ba nó biết không nên nói chuyện làm ăn trước mặt con, lỡ có buột miệng cái gì con đòi học theo, không tốt”.
Thái độ đúng khi bé nói tục
- Cách đối xử, giao tiếp của những người trong gia đình là điều quan trọng nhất. Bạn phải làm gương và hạn chế việc để bé nghe những lời lẽ không hay trong nhà mình. Đồng thời đừng vì ích kỷ cá nhân mà nhờ bé “chửi thay” hay đưa vào đầu bé suy nghĩ xấu về những người bạn không ưa.
- Theo dõi các chương trình giải trí (nhất là hài) để bé không học đòi theo những câu từ không mấy hay ho trong đó.
- Bạn nên nhận biết việc bé cố tình nói hỗn mỗi khi thấy thất vọng hay bị ba mẹ bỏ bê để có thể quan tâm kịp thời.
- Không nên tỏ ra quá khắt khe, hãy nói chuyện với con như một người bạn để xem con có đang bốc đồng vì gặp một khó khăn, vướng mắc nào đó trong cuộc sống không.
- Muốn chữa bệnh nói tục của con, bạn cần kiên nhẫn, thận trọng để uốn nắn từ từ và hỗ trợ con trong suốt quá trình phát triển đầu đời của bé.