Mẹ&Con – Có khách đến nhà chơi, vợ chồng chị Huệ (Q.10) đang hồ hởi chuyện trò với khách. Thế nhưng, câu chuyện chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi cậu nhóc mới 7 tuổi cứ háo hức chen ngang. Một hai lần đầu chị còn ra dấu bảo con im. Nhưng đến lần thứ năm thì chị nổi cáu, phải quát lên với người giúp việc: “Dẫn em lên lầu cho nó chơi. Dạy mãi không được, cứ chỗ người lớn nói chuyện là sáp vào để… nói leo!”

Sao con bạn cứ thích nói leo chen ngang?

Rõ khổ, bạn có muốn thế đâu! Bạn đã nhắc nhở, thậm chí phạt con vài lần vì tội nói leo rồi đấy chứ. Cơ mà chẳng hiểu sao lạ thế, bé nhà bạn cứ háo hức chờ người lớn nói chuyện là chen ngang bất cứ lúc nào để “bày tỏ quan điểm” của mình.

Không chỉ ở nhà mà ngay cả ở trường cũng thế. Cô giáo thường xuyên “mắng vốn” với bạn rằng bé cứ không chờ cô hỏi hết câu, không chịu đưa tay chờ tới lượt cô gọi phát biểu mà cứ ngồi dưới hét toáng lên trả lời ngay khi cô còn chưa nói dứt.

Bạn nhớ lại ngày xưa, khi con mới 3-4 tuổi, những lần đầu khi nghe con nói leo, bạn thường cười xòa bỏ qua và thậm chí còn khen thầm với chồng: “Thằng bé lanh ghê đi! Mới chừng đó tuổi mà cái gì cũng biết…”. Bạn đâu có ngờ rằng đến bây giờ, cái chuyện “lanh ghê đi” ấy làm bạn khổ thế này.

Mỗi lần đi đám cưới, tiệc tùng, nếu cho con theo, con có thể khiến bạn ngượng đỏ mặt lên vì bé cứ cướp lời người lớn, nói rất to, luôn tỏ ra mình biết sự việc ấy và chẳng thèm quan tâm đến phản ứng của bạn ra sao cả.

bé nói leo

(Ảnh minh họa)

Giữa những đứa trẻ khác, tình hình còn tệ hơn. Con bạn luôn là người “cướp diễn đàn”, luôn “ăn to nói lớn” lấn át hết bạn bè. Những phụ huynh khác kín đáo nhăn mặt nhíu mày. Lâu dần thì họ không thích cho con cái chơi chung với bé nữa.

Một đôi lần trong những cuộc chuyện trò với nhau, bạn nghe phụ huynh nào đấy bỏ nhỏ: “Em để ý xem sao… Chứ chị thấy thằng bé sao cứ mồm năm miệng mười, hay ngắt lời người khác quá!”.

Nguyên nhân từ đâu nhỉ?

Thứ nhất, như đã nói, lỗi nằm ở bạn khi từ bé đã vô tình khuyến khích con nói leo, khiến bé cứ tưởng rằng cha mẹ đang khen ngợi mình, rằng hành động ấy là “lanh lẹ”. Cũng có thể vì bé quan sát thấy ở nhà, có những người lớn cũng quen tật nói leo.

Ví dụ như một cô giúp việc không có thói quen chờ chủ nói dứt câu; hoặc thậm chí trong những cuộc chuyện trò gia đình, bạn hay ngắt lời chồng mà không chờ anh ấy kịp nói hết câu chẳng hạn…

Thứ hai, thật ra trong mắt trẻ thơ, có những “động cơ” nói leo vô cùng đơn giản. Chẳng hạn ở độ tuổi từ 3-6 tuổi, bé chưa thật sự ý thức được nói leo là xấu, cũng chưa đủ sự kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình.

Bé là trung tâm của cả nhà và đã quen với việc cả nhà lắng nghe bé, chú ý đến từng lời bé nói. Bé sẽ cảm thấy háo hức để phát biểu một ý nào đấy trong câu chuyện của ông bà, ba mẹ mà không cần biết rằng việc đó có nghĩa là “vô lễ” hay gì gì.

Bé cũng có thể nói leo vì muốn khẳng định sự có mặt của mình, muốn thể hiện cái tôi cá nhân (việc này sẽ hình thành khi bé ở vào khoảng 6-9 tuổi). Việc bé nói leo cũng hệt như việc bé khóc ầm lên ngày còn nhỏ, khi muốn người lớn quan tâm, chú ý và nhượng bộ vậy.

Ở tuổi này, bé cũng đã thấp thoáng xuất hiện dấu hiệu muốn “thể hiện mình” với bạn khác phái. Bạn đừng cười khi đọc đến những dòng này! Thực tế, một bé trai hay cố gắng nói leo để tỏ ra mình linh hoạt, biết nhiều khi ở đó đang có sự hiện diện của một bé gái mà cậu nhóc nhà ta “thinh thích”.

Nguyên nhân thứ đến của việc nói leo là bé đang đòi hỏi một điều gì khác. Như bé muốn xin bạn cho chơi game một chút, bé muốn ăn một món gì đó trong tủ lạnh, bé muốn xem chương trình phim hoạt hình nhưng tivi lại để ngoài phòng khách và bạn đang có khách nên không cho bé bật tivi.

Những lúc như thế, muốn có được thứ mình thích nhưng cha mẹ lại hoàn toàn thờ ơ với bé, lo tập trung vào khách và chuyện trò với khách, bé chỉ còn cách gây chú ý là… nói leo. Bé chen ngang vào câu chuyện của bạn bất cứ lúc nào, phát biểu linh tinh chuyện này chuyện khác, mục đích là muốn bạn dành một chút sự quan tâm đến bé mà thôi.

Nói leo thường xuất hiện trong một giai đoạn phát triển của bé. Đó chưa hẳn là tật xấu nên bạn không cần làm căng thẳng. Càng la mắng gay gắt trong trường hợp này, bạn chỉ càng làm cho bé muốn tỏ ra chống đối.

Tags:

Bài viết liên quan