Mẹ và Con - Chúng ta đều biết dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Nhưng cách để đối phó với bé kén ăn, lười ăn thì không phải ai cũng biết! Vì thế, đừng bỏ qua bài viết dưới đây, mẹ nhé!

Bé kén ăn, lười và trốn ăn mỗi khi đến bữa là vấn đề đau đầu không của riêng ai. Nhiều bậc phụ huynh phải bỏ công sức làm đủ trò hay ho, nịnh nọt chỉ để con ăn vài muỗng cháo, đôi khi trẻ có… ọe ra ngay sau đó. Vậy làm sao để bé có thể vui vẻ, hào hứng hơn mỗi khi đến bữa ăn? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Nguyên tắc khi lên thực đơn cho bé kén ăn

Thực đơn dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của bé

Nhu cầu dinh dưỡng mỗi trẻ đều khác nhau, tùy theo tình trạng biếng ăn – độ tuổi và khả năng nhai của trẻ. Tuy nhiên, khi xây dựng thực đơn ăn uống cho bé kén ăn, cha mẹ vẫn nên đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết sau đây cho bé yêu:

  • Tinh bột – đường trong gạo, mì, bún, khoai…
  • Chất đạm trong thịt, cá, hải sản…
  • Chất béo từ bơ, phô mai, dầu ăn cho bé…
  • Vitamin các loại, khoáng chất và chất xơ từ rau củ quả, sữa tươi, sữa chua…

Thường xuyên sáng tạo các món mới lạ

Việc cho trẻ ăn lặp đi lặp lại các món ăn trong thực đơn tẻ nhạt hàng ngày sẽ khiến con cảm thấy nhàm chán, không muốn ăn. Vì thế, khi xây dựng thực đơn, cha mẹ nên đầu tư thời gian để nghiên cứu những món ăn đa dạng, phong phú và thường xuyên cho trẻ tập ăn các món mới, kích thích cảm giác thèm ăn và hứng thú cho trẻ mỗi khi đến bữa ăn.

bé kén ăn
Bé kén ăn

Bên cạnh việc chọn món ăn và cho trẻ thử nhiều loại thực phẩm phù hợp theo từng giai đoạn tuổi, bạn cũng nên cho trẻ tập ăn nhiều cách chế biến khác nhau. Thay đổi cách chế biến món ăn là cách đơn giản nhất tạo nên sự mới lạ, bắt mắt nhằm giúp trẻ cảm thấy ăn ngon miệng hơn.

Cha mẹ cũng đừng quên tạo ra những món ăn có nhiều hình dáng ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc, vì chúng sẽ tăng sức hấp dẫn của món ăn hơn.

Ví dụ như rán trứng bằng khuôn hình ngôi sao, rau củ quả cắt tỉa thành hình bông hoa, cơm nắm thành con gấu nhỏ… đặt trong bát đĩa có hình hoạt hình mà trẻ yêu thích. Món ăn càng sinh động, bé sẽ càng có hứng thú ăn nhiều hơn.

Hạn chế đồ ăn vặt trong thực đơn của bé kén ăn 

Trẻ càng lớn sẽ càng được tiếp xúc với nhiều loại đồ ăn vặt khác nhau. Những món ăn vặt hay thức ăn nhanh đều có mùi vị hấp dẫn, mang tính kích thích vị giác cao nên hầu hết các bé đều thích chúng hơn các món ăn trong bữa chính hàng ngày.

Vì thế, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, đặc biệt là ăn trước các bữa chính. Đồ ăn vặt nếu ăn quen có thể khiến trẻ lười ăn các món chính dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc là ăn buông thả quá nhiều khiến tăng cân béo phì không kiểm soát được.

Bên cạnh đó, bé kén ăn có thể do thiếu những vi chất quan trọng như vitamin B, kẽm hay sắt… Vì thế, cha mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ dinh dưỡng để cung cấp đúng cách cho trẻ các vi chất cần thiết kịp thời. Tuyệt đối nói không với những loại thuốc bổ không có nguồn gốc và không có chỉ định từ bác sĩ, mẹ nhé!

Gợi ý thực đơn cho trẻ biếng ăn

Thực đơn bắt mắt cho bé kén ăn từ 6-12 tháng tuổi

Cháo bí đỏ

Từ 6 – 12 tháng là giai đoạn trẻ đang tập làm quen với ăn dặm và cũng là tiền đề quan trọng cho thói quen ăn uống sau này của trẻ. Bột gạo với sữa bột và bí đỏ là một trong những gợi ý tuyệt vời cho mẹ đang tìm kiếm những món ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, phù hợp với đường ruột của bé yêu.

Thực đơn cho bé kén ăn

Cách nấu cháo bí đỏ rất đơn giản, mẹ chỉ cần:

  • Chuẩn bị 30gram bí đỏ và mang đi gọt vỏ, cắt thành từng khúc vừa và cho vào nồi hấp chín.
  • Dùng thìa hoặc mui canh nghiền nhuyễn bí đỏ.
  • Bắt một nồi nước nhỏ lên bếp, cho bột gạo và bí đỏ vào cùng và để lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột gạo được sánh lại.
  • Cho thêm một ít dầu ăn loại dành cho em bé và để nguội bớt, vừa thổi vừa đút cho bé ăn.

Cháo đậu Hà Lan

Cháo đậu Hà Lan cùng với thịt heo sẽ giúp cung cấp thêm canxi và đạm động vật cần thiết cho sự phát triển của bé yêu. Tuy nhiên mẹ nên cân nhắc nghiền hoặc xay thịt thật nhuyễn sao cho phù hợp nhất với khả năng nhai nuốt của bé nhé.

Xem thêm: Các món ngon từ đậu Hà Lan

Cách thực hiện món ăn này cũng đơn giản không kém:

  • Đầu tiên bạn rửa sạch và hấp chín 10gram đậu Hà Lan, khoai tây và cà rốt. Sau đó mang đi tán thật nhuyễn và trộn cả 3 loại thực phẩm này với nhau.
  • Cho 20gram thịt lợn vào 1/3 chén nước, dùng đũa khuấy tan để khi nấu thịt không bị vón cục. Bắc một cái nồi lên bếp và nấu đến khi thịt chín thì tắt bếp, xay thật nhuyễn.
  • Tiếp theo bạn trộn bột cùng nước và bắc lên bếp, khuấy đều tay đến khi bột sánh lại thì cho hỗn hợp thực phẩm và thịt xay trên vào, đun lửa nhỏ đến khi chín hoàn toàn.
  • Cho thêm một ít dầu ăn cho bé và cho con ăn lúc vừa nguội bớt.

Cháo thịt bò

Thịt bò giúp hình thành và phát triển cơ bắp rất tốt. Đồng thời hàm lượng choline và vitamin B12 có trong thịt bò rất cao, mang lại nhiều lợi ích cho hệ thần kinh của con. Bên cạnh đó, trẻ từ 8 – 12 tháng đã có thể tập làm quen với thịt bò để giúp hệ tiêu hóa quen dần với thực phẩm thô, dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.

Cách nấu cháo thịt bò cho bé kén ăn như sau:

  • Đầu tiên bạn mang 30gram cà rốt đi gọt bỏ vỏ, rửa sạch, hấp chín mềm và nghiền thật nhuyễn.
  • Sau đó cho 30gram thịt bò đã được sơ chế sạch sẽ vào máy xay, thêm một ít nước và xay nhuyễn.
  • Nấu bột gạo gần chín, thêm thịt bò vào nấu trong 2 – 3 phút cho thịt bò chín rồi cho thêm cà rốt vào.
  • Nấu thêm 1 phút cho cháo sôi, tắt bếp và cho thêm một ít dầu ăn trộn đều cho bé dùng.

Cháo thịt rau dền

Rau dền chứa rất nhiều khoáng chất và vitamin, sắt, chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa và sự phát triển của bé. Chất beta-carotem trong rau dền cao gấp 2 lần so với các loại cà, giúp tăng cường miễn dịch. Không những thế, rau dền có hàm lượng chất sắt nhiều hơn và canxi cao hơn gấp 3 lần so với rau bó xôi.

Cháo thịt rau dền cho bé kén ăn

Mẹ có thể tham khảo cách nấu cháo thịt và rau dền cho bé như sau:

  • Xay 25gram thịt theo thật mịn, cho vào nồi với 150ml nước lạnh và mở lửa nấu đến khi thịt chín.
  • Lấy 30gram rau dền tước bỏ phần cuống cứng, cuộn lại và bó nhỏ, băm thật nhuyễn.
  • Bắc một cái nồi lên bếp, cho nước và bột gạo nấu vừa chín tới.
  • Thêm thịt heo và rau dền vào nồi, khuấy đều đến khi hỗn hợp vừa chín hết.
  • Cho một ít dầu ăn trẻ em vào và trộn lên, để nguội bớt rồi cho trẻ dùng.

Gợi ý thực đơn cho bé kén ăn trên 1 tuổi

Cháo trứng đậu đỏ

Đậu đỏ mang lại vô vàn tác dụng tích cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đậu đỏ chứa rất nhiều chất xơ giúp tăng cường hệ tiêu hóa và giảm kích ứng đường ruột hiệu quả. Bên cạnh đó, đậu đỏ cũng bổ sung rất nhiều khoáng chất, vitamin, hỗ trợ trẻ tăng cân nhanh chóng.

Để nấu món trứng đậu đỏ này, bạn có thể tham khảo gợi ý sau đây:

  • Mẹ cho 2 muỗng canh đậu đỏ nhân mềm xay nhuyễn, tán đều cùng nửa chén nước
  • Dùng rây lấy 1 lòng đỏ trứng, mang đi hấp chín và tán nhuyễn.
  • Bắc một nồi nước lên bếp, cho gạo vào và nấu đến khi cháo nhừ, cho thêm nước đậu đỏ và trứng hấp vào khuấy đều.
  • Đun thêm 5 phút nữa, nêm nếm nhạt vừa ăn cho trẻ và tắt bếp.

Cháo thịt gà cùng bí đỏ cho bé kén ăn 

Thịt gà chứa hàm lượng protein cao giúp phát triển cơ bắp cho trẻ rất tốt. Đồng thời thịt gà cũng giúp cải thiện hệ tuần hoàn, đảm bảo các hoạt động của mạch máu trong cơ thể. Thịt gà cũng hỗ trợ phát triển xương chắc khỏe, cung cấp các vitamin khoáng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ.

Cháo thịt gà bí đỏ cho bé kén ăn

Để nấu cháo bí đỏ thịt gà bạn có thể tham khảo gợi ý sau:

  • Đầu tiên mẹ mang 100gram bí đỏ đi gọt bỏ vỏ, rửa sạch và luộc chín, tán thật nhuyễn.
  • Lấy 100gram ức gà sơ chế sạch sẽ, luộc chín và vớt ra xé thành từng miếng nhỏ hoặc bằm nhuyễn.
  • Dùng nước luộc gà vừa rồi nấu cùng gạo cho đến khi chín nhừ.
  • Cho thêm bí đỏ và thịt gà vào nồi cháo, đảo đều và tắt bếp.
  • Nêm nếm gia vị nhẹ nhàng cho trẻ.

Cháo cá hồi 

DHA trong cá hồi sẽ giúp kích thích quá trình sinh trưởng của các tế bào não và thần kinh, giúp bé nhanh nhạy và thông minh hơn. Bên cạnh đó, omega-3 và axit amin của cá hồi cũng giúp cải thiện sức khỏe của đôi mắt, hạn chế nguy cơ cận thị hay các bệnh về mắt khác. Cá hồi cũng rất giàu protein, vitamin B, D… rất có lợi cho tim mạch, phòng chống các bệnh liên quan đến tim, giúp cơ bắp chắc khỏe, tóc óng mượt và da dẻ cũng trở nên mịn màng hơn.

Để nấu cháo cá hồi bạn có thể tham khảo như sau:

  • Chọn 100gram thịt cá hồi tươi, sau đó rửa sạch và luộc với gừng cho bớt mùi tanh.
  • Vớt cá đã chín ra, tách riêng phần thịt và xương.
  • Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành cùng dầu trẻ em, sau đó cho thịt cá vào, nêm nếm nhẹ nhàng cho bé.
  • Bắc thêm một nồi khác, vo sạch gạo và để vào nồi nấu cùng nước.
  • Sau khi cháo chín nhừ, cho cá hồi đã được phi thơm vào nồi cháo, nấu thêm 2 phút thì tắt bếp.

Những thực phẩm cần thiết dành cho bé kén ăn

thực phẩm cho trẻ kén ăn

  • Thịt cá: Trong giai đoạn tập ăn dặm, mẹ có thể cho bé tập làm quen với ruốc cá hoặc cá nghiền đã lọc xương. Vì đây là nguồn cung cấp vitamin, protein và các khoáng chất khác rất tốt cho trí não và sự phát triển thể chất của bé yêu.
  • Thịt gia cầm và thịt đỏ: Những loại thực phẩm này chứa nhiều protein, kẽm và sắt dồi dào. Đặc biệt là những món ăn này rất đa dạng cách chế biến và kết hợp, bạn có thể thường xuyên thay đổi món ăn đơn giản từ nó mà không cần suy nghĩ nhiều khi lên thực đơn cho bé.
  • Giá đỗ: Chứa lượng vi chất kẽm và selen vô cùng dồi dào. Trong đó, kẽm lại là khoáng chất vô cùng quan trọng để kích hoạt các enzim trong cơ thể. Đồng thời giá đỗ cũng chứa lượng men tiêu hóa rất có lợi cho trẻ biếng ăn.
  • Sữa chua: Mẹ đừng quên bổ sung sữa chua cho bé hàng ngày vì chúng chứa nhiều lợi khuẩn, tiêu diệt những vi khuẩn có hại, bảo vệ tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột của trẻ nhỏ, tăng cường hệ miễn dịch cho con yêu.
  • Rau xanh, trái cây: Cung cấp lượng chất xơ và vitamin dồi dào, ngăn ngừa táo bón và làm sạch ruột cho bé. Mẹ có thể cho trẻ ăn dặm bằng những miếng nhỏ (không hạt) hoặc ép thành nước cho con uống.

Lưu ý khi chế biến đồ ăn cho bé

Dưới đây là một số lưu ý khi xây dựng thực đơn cũng như cách chế biến thức ăn cho bé kén ăn mà bạn cần ghi nhớ:

  • Bé dưới 6 tháng tuổi không được ăn cải bó xôi vì loại thực phẩm này có chứa lượng nitrat cao có thể làm trẻ bị thiếu máu.
  • Luôn phải nấu chín tất tần tật đồ ăn cho bé, đặc biệt là nhiều mẹ có thói quen nấu trứng lòng đào cho trẻ nhỏ là điều không nên.
  • Luôn chọn thực phẩm tươi mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không cho bé dùng các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn ở ngoài.
  • Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ: Không cho bé vừa ăn vừa xem phim/nghe nhạc, không đùa nghịch trong bữa ăn, cho bé ăn uống đúng giờ và ngồi đàng hoàng trên ghế mỗi khi ăn…
  • Không nên nêm nếm đồ ăn cho trẻ với khẩu vị của người lớn. Trẻ nhỏ có thể ăn nhạt một cách ngon lành và không vấn đề gì.
  • Bổ sung nước cho bé phù hợp với thể trọng của con.
  • Khi thử thức ăn mới cho bé nên để một lượng nhỏ trước để quan sát xem trẻ có phản ứng như kích ứng, dị ứng gì không.
  • Không cho trẻ ăn đồ ăn đã qua ngày.

Hy vọng qua những chia sẻ trên, Mẹ và Con đã gợi ý được cho bạn các phương pháp giúp bé kén ăn có thể ăn uống ngon miệng hơn. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!

Bài viết liên quan