1. Sắp xếp cho con có khoảng thời gian “một mình”
Rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng lúc nào mình cũng cần ở bên con. Đặc biệt, kể từ khi biết nhiều về căn bệnh tự kỷ, cha mẹ lại càng lo lắng với chuyện để bé một mình. “Tôi nên dành thời gian bên con!”, “Chơi cùng bé càng nhiều sẽ càng tốt!”… Cha mẹ nghĩ thế nên tự đặt cho mình trách nhiệm phải “kè kè” bên bé.
Khi bé ở nhà, con làm gì một mình cha mẹ cũng hỏi: “Con đang làm gì thế? Đang chơi gì thế? Cho cha mẹ chơi chung với nào!”. Nhiều người thậm chí không cần biết bé có thích hay không vẫn… cố tham gia vào trò chơi của con và cho rằng mình đã làm tốt nhất vai trò cha mẹ – cùng chơi với bé!
Tuy nhiên, không như bạn tưởng, trẻ không cần cha mẹ bên cạnh 24/24 như thế – trừ khi là trẻ sơ sinh. Từ 2 tuổi, bé đã có thể có chút ít khái niệm “tự chơi”. Từ 3 tuổi trở lên, bé đã có thể có những giờ tự chơi trong ngày, bên cạnh giờ chơi cùng cha mẹ hay chơi cùng các bạn bè trang lứa khác. Tự chơi không hề “bất lợi” nếu được tổ chức tốt và có một giới hạn thời gian phù hợp. Bởi lẽ, chính quá trình tự chơi sẽ giúp trẻ tự lập hơn, biết cách tách khỏi “cái bóng” của cha mẹ. Với trẻ 3 tuổi trở lên, bạn đã bắt đầu nên thiết kế cố định những khoảng thời gian tự chơi trong ngày cho bé. Ví dụ, khi bạn đến giờ nấu ăn bữa tối, hãy thu xếp để bé tự chơi trong một vòng cũi an toàn, trong tầm mắt kiểm soát của bạn.
2. Chuẩn bị những món đồ “tự chơi” phù hợp
Mẹ cần biết
Tự chơi rất quan trọng cho quá trình phát triển của trẻ. Nó cũng quan trọng như việc bé biết cách chơi cùng nhóm, cùng những bạn bè khác vậy. Khi con biết tự chơi, bé sẽ học được cách làm chủ thời gian của mình, tăng thêm tính sáng tạo, nghĩ ra nhiều cách chơi mới mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Khi con tự chơi, cha mẹ sẽ có thêm rất nhiều thời gian để làm việc của mình, chăm sóc bé nhỏ hơn hoặc đơn giản là được nghỉ ngơi, thư giãn cho bản thân một chút.
Trước hết là yếu tố an toàn. Những món đồ để bé tự chơi là những món đã được bạn cân nhắc kỹ, tin chắc rằng nó không gây ra bất kỳ mối nguy cơ nào cho bé khi bạn để bé một mình. Chẳng hạn, món đồ chơi có các chi tiết nhỏ dễ tháo rời ra khiến bé dễ cho vào miệng, vào lỗ tai hay lỗ mũi không? Món đồ chơi có quá nặng so với sức nâng của bé, khiến bé dễ làm rơi và dập trúng chân tay lúc chơi không? Món đồ chơi có các lỗ tròn nhỏ khiến bé dễ cho ngón tay vào rồi không biết cách lấy ra không? Đặt thật nhiều câu hỏi cho chính mình về các tình huống có thể xảy ra, bạn sẽ chọn được các món đồ chơi giúp bé tự chơi an toàn.
Kế đến, món đồ chơi để bé tự chơi cần giúp khơi gợi óc sáng tạo và khiến bé không bị mau chán. Ví dụ, một cuốn sách truyện tranh với các bức tranh thật đẹp sẽ giúp bé phát huy trí tưởng tượng, giả bộ đọc sách (nếu bé chưa biết đọc), tự nghĩ ra câu chuyện theo những cách khác nhau. Một bộ đất sét hay một bộ bút chì màu sẽ giúp bé tha hồ dành vài chục phút để mải miết tạo nên những bức tranh, những “tác phẩm” nhào nặn đất sét theo sở thích của riêng mình.
3. Không gian để trẻ tự chơi
Cho trẻ tự chơi không có nghĩa là mặc kệ trẻ muốn làm gì làm. Bạn cần tạo ra cho con một không gian riêng tư, yên tĩnh, an toàn, phù hợp với sở thích và tâm lý của bé.
Ví dụ, bạn có thể chọn một góc nhà rộng, quây cũi lại để bé không vượt ra ngoài nhưng tạo không gian đủ thoải mái cho bé ở trong đó “xây dựng” một thế giới riêng. Có thể lót đệm để bé không trượt ngã. Có thể dựng một cái lều bé xíu (loại lều đồ chơi cho trẻ em) để con cảm thấy mình có cái “nhà” riêng. Có thể đặt vào cho con vài “người bạn” mà con thích như chú gấu bông, con búp bê. Bé sẽ hứng thú tự chơi mà không cần đến sự giúp đỡ của bạn.
4. Chỉ cho trẻ cách thức
Nhiều trẻ có khả năng tự chơi thiên bẩm. Thông thường, đây là những trẻ có trí tưởng tượng rất tốt và trẻ có thể tự tạo ra một không gian “sống động” với vô vàn câu chuyện khác nhau chỉ bằng vài món đồ chơi nhỏ xíu.
Tuy nhiên, nếu con bạn bước đầu không thể tự làm điều này, hãy giúp trẻ. Bạn ngồi bên cạnh con, đặt ra vài điều gợi mở như: “Đây, con nặn mẩu đất sét này đi nhé!”, sau đó im lặng và chỉ quan sát, chờ đợi bé làm một mình. Cứ thế, bạn giúp con khám phá ra dần, rằng tự chơi cũng hấp dẫn không kém gì chơi cùng cha mẹ.
5. Hỏi han “kết quả”
Bạn có thể để con tự chơi hàng giờ liền. Nhưng sau đấy, đừng mặc kệ con trong thế giới “tự chơi”. Kết thúc giờ tự chơi của con, hãy tạo nên một cuộc thảo luận thú vị với bé, hỏi han xem con đã chơi những gì, có vui không.
Ví dụ, con đã một mình tự xây dựng nên một “lâu đài” bằng những mảnh gỗ nhỏ. Bạn hãy ngắm thành quả cuối cùng của con, tạo cơ hội cho con “diễn giải” rằng đây là sân của lâu đài, đây là khu vực… đua ngựa, đây là chỗ con trồng hoa…
Hỏi han kết quả sẽ giúp trẻ thấy tự hào với những gì mình đã làm được trong quá trình tự chơi. Bạn không bao giờ nên thờ ơ khi con đến khoe với bạn một bức tranh mà con đã im lặng tự vẽ hàng giờ liền nhé! Nhớ hỏi xem con đã vẽ gì, khen ngợi con kịp thời để bé hiểu rằng bạn vẫn luôn bên cạnh bé, quan tâm đến bé.
6. Sách – cách “tự chơi” rất tuyệt
Nếu con bạn đã đến tuổi biết đọc, hãy chọn lọc các loại sách thích hợp và xem thời gian đọc sách của con trong ngày là khoảng thời gian con tự sinh hoạt, tự chơi theo ý thích. Bé có thể chủ động chọn cuốn sách muốn đọc, tìm cho mình một góc yên tĩnh, đủ ánh sáng để ngồi đọc. Bạn chỉ nên nhắc chừng con đứng lên vận động một chút sau mỗi 30 phút đọc sách, để bé không bị nhức đầu và để máu huyết lưu thông. Thời gian bé tự đọc sách như một cách tự chơi có thể kéo dài khoảng 1 tiếng/ngày.
7. Cho trẻ làm việc cùng
Đúng vậy! Làm việc cùng cha mẹ nhưng được phân công một “phần việc” riêng cũng là một cách thú vị giúp trẻ “tự chơi”. Với trẻ con, đó là những giây phút tuyệt vời. Ví dụ như bạn đang làm bếp, hãy đưa cho con một bó rau và hướng dẫn con tự lặt rau trong lúc mẹ làm chuyện khác. Bé sẽ rất hào hứng và chú tâm vào “trò chơi” lặt rau của mình. Trong lúc đó, bạn vẫn có thể làm những việc khác, chỉ cần để mắt đến bé là được.
Tương tự, bạn đang trồng một vài chậu cây trên sân thượng buổi sáng cuối tuần, hãy đưa cho cậu con trai nhỏ của mình một cái xúc đất vừa tay bé và một cái chậu bé xíu xiu. Bạn bảo con: “Con xúc chỗ đất kia cho vào đây rồi trồng cái cây này vào, thành một chậu của riêng con nhé!”. Chỉ cần hướng dẫn cho con vài phút, sau đó bạn sẽ thấy bé rất hăng hái và chú tâm vào công việc riêng của mình mà không “nhặng xị” hỏi han xem bạn đang làm gì nữa.
8. Không nên cho trẻ tự chơi với thiết bị điện tử
Khuyến khích trẻ tự chơi không có nghĩa là bạn tìm cách… “dụ” cho bé ngồi yên để mình yên tâm làm việc khác. Nhiều người cho con tự chơi bằng cách mở tivi lên, bảo bé ngồi đấy xem phim hoạt hình đi hoặc mở iPad lên và cứ thế cho con chơi với những game trên iPad.
Lúc này, rõ ràng trẻ cũng ngồi yên, cũng “tự chơi” nhưng đây lại không phải là cách tốt. Hoạt động với máy móc như thế khiến trẻ thụ động, chỉ phụ thuộc vào những tương tác cố định và không phát huy được trí tưởng tượng cũng như khả năng ngôn ngữ.
Nên cho trẻ tự chơi các trò chơi có sự vận động, khéo tay, kích thích trí tưởng tượng như xây lâu đài cát, làm những chiếc bánh phục linh, may áo cho búp bê…
Mẹo cho mẹ
Không gian tự chơi cho con cần đạt các yếu tố:
– Không có các ổ điện ở đấy.
– Không có nước.
– Không dễ té ngã.
– Không ở ngoài tầm kiểm soát an toàn (ví dụ không bao giờ để không gian tự chơi của trẻ ngoài ban công).
– Không có các vật sắc cạnh như cạnh bàn, cạnh ghế.
– Mẹ dễ dàng quan sát trẻ từ cách đó không xa.