Mẹ và Con - Trứng cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não và thể chất của trẻ. Nhưng làm thế nào để tận dụng tối đa lợi ích của trứng trong giai đoạn bé ăn dặm. Mời mẹ cùng tìm hiểu về việc ăn dặm với trứng qua bài viết dưới đây.

Trước khi tìm hiểu về việc ăn dặm với trứng, Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ đến mẹ thông tin có liên quan đến giá trị dinh dưỡng của trứng như sau:

Trứng là món quà của sức khỏe

Trong một quả trứng có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của trẻ. Điển hình là chất đạm. Trung bình, lòng đỏ của một quả trứng gà có chứa khoảng 2,7 gam protein với rất nhiều axít amin và enzym hỗ trợ quá trình vận động của cơ thể.

Xem thêm: 6 món ăn kiêng với trứng

Bên cạnh đó, trứng còn giàu Lecithin, một chất béo hiếm tồn tại trong các loại thực phẩm và đóng vai trò chủ chốt trong cấu trúc của màng tế bào, lớp vỏ bọc quanh não và hệ thống thần kinh của con người.

Về vitamin và các nguyên tố vi lượng, trứng là kho chứa các vitamin tan trong nước như B1, B6, các vitamin tan trong dầu như A, D, K. Đặc biệt, trứng còn chứa Biotin hay còn gọi là vitamin B8 có khả năng hỗ trợ sản xuất năng lượng cho cơ thể. Đó là chúng ta còn chưa kể đến các khoáng chất khác cũng tồn tại trong trứng như canxi, sắt, kẽm…

ăn dặm với trứng
Ăn dặm với trứng

Cách ăn dặm với trứng đúng chuẩn 

Trứng là một trong những thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà bạn có thể cho trẻ dùng một thỏa thích nhé. Khi cho trứng vào thực đơn ăn dặm của bé, mẹ cần nhớ 5 lưu ý sau:

Ăn từng chút một

Có thể bạn cảm thấy điều này hơi “quen quen”. Tuy nhiên, nguyên tắc ăn dặm này cũng có giá trị đối với việc dùng trứng cho trẻ, bởi điều này cũng nhằm mục đích tránh nguy cơ dị ứng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, do kháng thể của trẻ nhận ra chất đạm trong trứng nên giải phóng histamin, gây ra các biểu hiện như vùng miệng mẩn đỏ, sưng phù, phát ban, trướng bụng, tiêu chảy, đau bụng … Trong một số trường hợp nặng, khí quản trẻ sưng phù, gây khó thở và trẻ bị tụt huyết áp, chóng mặt.

Do đó, khi cho trẻ ăn dặm với trứng, mẹ nên cho trẻ ăn từng chút một để xem phản ứng của cơ thể thế nào. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như trên, hãy nhanh chóng dừng việc ăn trứng lại và xin ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có biện pháp cụ thể.

Đúng liều lượng

Tuy trứng rất giàu dinh dưỡng, nhưng bạn cũng không thể cho con ăn bao nhiêu tùy thích. Bởi lẽ, hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ trong độ tuổi ăn dặm không tiêu hóa hết lượng chất béo quá dồi dào, làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hóa.

Theo đó, khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bạn nên cho trẻ ăn khoảng ½ lòng đỏ trứng, ăn tối đa 2-3 lần/tuần. Lòng đỏ trứng gà là nguồn chứa chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, folat, vitamin A và các axít béo không no một hay nhiều nối đôi nên rất tốt khi bé ăn dặm.

Tuy nhiên, do bé ở độ tuổi ăn dặm còn khá nhỏ nên bạn tuyệt đối không dùng lòng trắng cho trẻ để tránh chất đạm quá nhiều dễ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu.

Khi trẻ lớn hơn, từ 8-12 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ ăn 1 lòng đỏ trong một lần ăn, mỗi tuần ăn tối đa 3-4 lần. Từ đủ 1 tuổi, trẻ được phép ăn cả lòng trắng trứng và ăn khoảng 3-4 quả/tuần.

Chế biến đúng cách

Khi cho bé ăn dặm với trứng, bạn nên chú ý đun trứng chín kỹ. Nếu không, trẻ sẽ rất dễ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân được các chuyên gia dinh dưỡng giải thích là do trứng đi qua đường sinh dục của gà nên dễ nhiễm vi khuẩn sống trong đường ruột Salmonella, gây viêm ruột, dạ dày… Ngoài ra, vỏ ngoài của trứng cũng có thể nhiễm vi-rút H5N1 nguy hiểm cho bé.

Cách để cắt đứt đường lây của vi khuẩn, vi-rút, trước khi chế biến trứng cho bé ăn dặm, bạn nên rửa tay thật sạch. Bên cạnh đó, khi đun nấu phải đảm bảo trứng chín kỹ với thời gian sôi, khoảng 8 phút.

Chế biến trứng ăn dặm đúng cách

Chọn trứng phù hợp

So về trọng lượng, một quả trứng gà nặng khoảng 40 gam và trứng vịt là 70 gam, nhưng giá trị dinh dưỡng thì tương đương nhau. Nếu xét về một số khoáng chất đặc biệt như kẽm,vitamin A thì trứng gà vượt trội hơn hẳn trứng vịt, chất béo trong trứng gà thấp hơn nên ít gây đầy bụng, khó tiêu.

Thêm nữa, trong trứng gà còn chứa nhiều vitamin D, loại vi chất thường rất ít có trong thực phẩm, hơn hẳn trứng vịt. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho con ăn trứng gà để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé trong thời kỳ ăn dặm.

Không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn. Đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là Salmonella- một yếu tố gây ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này. Vitamin H là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và đường-bột, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Vì thế, ăn trứng sống hay tái chín đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trứng gà rán hoặc ốp-la mà dùng lửa to thì dễ khiến bên ngoài cháy mà bên trong chưa chín. Lúc đó, lòng trắng bị cháy sẽ khó hấp thu, lại tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, còn lòng đỏ chưa được tiệt khuẩn, nếu có. Vì vậy, khi rán hoặc ốp trứng, nên để lửa nhỏ, thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt nhất.

Nếu ăn trứng gà sống, tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa là 40%, ở trứng luộc là 100%, trứng rán chín tới là 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp 85%, trứng chưng 87,5 %. Do đó, tốt nhất là ăn trứng luộc chín tới, không những đảm bảo được chất dinh dưỡng như protein,lipid, khoáng chất…mà các vitamin cũng bị mất đi.

Tránh xa các loại trứng “lạ”

Bên cạnh việc chọn lựa trứng tươi, đảm bảo nguồn gốc của trứng, thời gian sử dụng, quy định kiểm dịch…, mẹ cần lưu ý các loại trứng được nuôi theo công nghệ mới như bổ sung Omega 3, trứng gà 2 lòng…

Dựa theo tâm lý thích “lạ” và những lời quảng cáo có cánh, nhiều người bị thu hút bởi các loại trứng nêu trên. Tuy nhiên, hiện tại một số nhà khoa học ở Mỹ đã cho rằng việc “ép” gà đẻ trứng theo lối công nghiệp có thể tồn dư nhiều hóa chất trong trứng.

Có loại trứng nào không nên ăn

Do đó, ngoài trứng gà, mẹ có thể cho con dùng các loại trứng gia cầm khác khi ăn dặm, nhưng nhớ tham khảo kỹ thông tin từ nhà sản xuất và tốt nhất là trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên chính xác nhất.

Giá trị dinh dưỡng của 100 gam trứng

 

Trứng gà  

Trứng vịt

 

Năng lượng (K calo)

 

166 184
Protein (g) 14,8 13,0
Lipit (g) 11,6 14,2
Gluxit (g) 0,5 1,0
Canxi (g) 55 71
Sắt (g) 2,7 3,2
Kẽm (g) 0,9 0,8
Vitamin A (g) 700 360
Vitamin D (g) 0,88
Cholesterol (mg) 470 864

 

Cách chế biến trứng cho trẻ tùy theo tháng tuổi

Trẻ 6-12 tháng: Nên cho ăn bột trứng. Cách chế biến: đập lòng đỏ vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau. Nồi bột sôi thì đổ trứng và rau vào quấy đều nhanh tay, bột sôi lại là được. Không nên đun kỹ quá, cũng không nên luộc trứng chín rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trứng khó hấp thu.

Trẻ 1-2 tuổi: Có thể ăn cháo trứng, cách nấu tương tự như bột trứng, đun sôi lại là được. Ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc chín tới.

Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm…

Cách chế biến trứng cho trẻ ăn dặm

Lưu ý khi cho bé ăn dặm với trứng

  • Không cho đường vào trứng vì protein trong trứng kết hợp với axit amonic trong đường gluco tạo thành hợp chất khó hấp thu khiến trẻ bị ợ chua, khó tiêu và ảnh hưởng đến sức khỏe
  • Tránh dùng sữa đậu nành hoặc các sản phẩm từ đậu trước hoặc sau khi ăn trứng để tránh men protidaza kiềm chế các protein trong trứng.
  • Khi luộc trứng, bạn nên cho thêm một ít muối để trứng không bị vỡ.
  • Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng, hoặc không chín lòng đỏ.
  • Trứng gà vỏ nâu và vỏ trắng đều có thành phần dinh dưỡng như nhau. Vì thế, mẹ đừng tin vào những lời đồn thổi để chỉ chọn trứng trắng cho con ăn nhé.

Cho trẻ ăn dặm với trứng tuy đơn giản, nhưng vẫn cần phải lưu ý thật kỹ càng, đúng không mẹ? Mẹ lưu ngay những thông tin hữu ích này để giúp con ăn ngoan chóng lớn nhé! 

Bài viết liên quan