Mẹ&Con – Tôi là một người mẹ thương con nhưng cũng là một người mẹ hay đánh con. Các cụ ta từng nói “thương cho roi cho vọt”, cũng nhờ cha mẹ uốn nắn nghiêm khắc ngay từ nhỏ nên khi ra đời tôi không bị vấp ngã như nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Chính vì vậy, khi cả 2 con chào đời tôi đều sử dụng “biện pháp mạnh dạy” con. Ngày cháu còn nhỏ, nếu biếng ăn chỉ cần mẹ quắc mắt, nghiêm nghị là cả con trai lớn lẫn con gái nhỏ đều bưng chén cơm lên ăn sạch bách. Tới khi con lớn thêm một chút, trong nhà lúc nào cũng có vài cây roi để sẵn. Chỉ cần bọn trẻ lười học hay làm gì sai, tôi sẵn sàng lao vào đánh con không thương tiếc.

Nhiều khi đi làm về nóng nực, mệt mỏi gọi mãi mới thấy con chạy xuống mở cửa tôi cũng “điên tiết”, cho con mấy cái bạt tai. Từ một người phụ nữ điềm đạm, dánh con nhiều thành ra tôi quen tay, dễ nổi giận. Chỉ cần các cháu tỏ thái độ không vừa lòng với mẹ qua ánh mắt, tôi cũng “ba máu sáu cơn” cho rằng con hư, không coi mẹ ra gì rồi quay ra chửi đánh cháu.

Mẹ hay đánh con, con lớn thành ra “bất trị” 5

Tôi là người mẹ rất hay đánh mắng các con của mình vì nghĩ “thương cho roi cho vọt”. (Ảnh minh họa)

Tuy là người mẹ hay đánh con nhưng tôi cũng rất thương con. Các con thích cái gì, nếu là chính đáng tôi cũng đều đáp ứng. Con trai tôi từng là cậu bé sở hữu bộ sưu tập xe hơi đồ chơi nhiều nhất lớp, con gái cũng đích thị là công chúa khi được mẹ sắm cho từ giường, tủ, bàn học, cặp sách tới váy vóc, giày dép… tất cả đều theo đúng phong cách của một nàng thiên kim tiểu thư. Do vậy, tôi lại càng tự tin cho rằng việc mẹ hay đánh con không hề ảnh hưởng tới tình cảm giữa tôi và các cháu.

Nhiều lần mẹ chồng góp ý về chuyện dạy con, xong tôi khăng khăng cho rằng bà cổ hủ và tuyên bố con mình sinh ra, mình có quyền nuôi dạy, chăm sóc. Hơn nữa, ba lũ trẻ quá hiền nên tôi sợ nếu nhà không có người “đóng vai ác”, rèn các con vào nề nếp sau này lớn dễ sinh hư. Khuyên can nhiều lần không được, mẹ chồng tôi cũng chẳng thèm nói.

Ở nhà lũ trẻ thân thiết với bà nội nhất, sau đó là chồng tôi. Các cháu có thể tranh nhau ngủ với bà nội mỗi tối, tranh nhau ôm hôn bà nội mỗi sáng đi học nhưng chưa bao giờ làm điều ấy với người sinh thành ra mình – là tôi. Nhiều lúc thấy vậy tôi cũng buồn, nhưng lại tặc lưỡi cho rằng “Thôi thì mình có thương con mới dạy con, việc mẹ hay đánh con cũng chỉ muốn tốt cho con sau này mà thôi”!

Các cháu lên cấp 2 thì mẹ chồng tôi mất. Biết các cháu buồn bã vì thương nhớ bà nên tôi cũng cố lân la chia sẻ, tâm sự với con. Vậy mà đáp lại tình thương ấy của tôi chỉ là sự câm lặng của con gái và sự hững hờ từ phía con trai. Kể từ đó, cả 2 đứa con của tôi dường như rất khó dạy bảo. Chúng không còn sợ bị ăn đánh, thậm chí thằng anh bị mẹ đánh đau cũng không khóc, mặt lì ra tỏ vẻ thách thức.

Mẹ hay đánh con, con lớn thành ra “bất trị” 6

Con tôi đang có những dấu hiệu của một đứa trẻ bất trị. (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ rất rõ năm học lớp 7, có lần một mình nó đánh nhau tay đôi với 2 người bạn chỉ vì bị lấy cắp đồ chơi. Khi thầy giáo tra hỏi tại sao dám liều mình như vậy, thằng bé trả lời rằng không sợ một đánh hai bởi “Hai người bạn gộp lại cũng không đánh đau bằng mẹ con”.

Con trai tôi năm nay đang học lớp 8 còn con gái học lớp 6. Càng ngày, tôi càng cảm thấy bất lực trong việc nuôi dạy con cái. Bây giờ, chúng không ngại cãi lời cha mẹ và còn tự chủ động đề nghị “Mẹ đánh con đi” trước khi tôi làm như thế. Tôi là người mẹ hay đánh con, nhưng không ngờ việc này lại phản tác dụng đến như vậy. Tôi rất lo sợ sau này khi lớn thêm chút nữa, các con mình sẽ trở thành những đứa trẻ bất trị.

Tôi bỗng nhớ tới câu nói của mẹ chồng ngày nào: “Trẻ con bây giờ rất nhạy cảm và biết đâu là đúng, đâu là sai. Những người làm cha mẹ chỉ cần dùng lý lẽ để dạy con, sao cho con tâm phục khẩu phục từ tận đáy lòng là được. Đòn roi quá nhiều dễ làm trẻ chai sạn, lì lợm. Nếu một ngày chúng không còn sợ bị đau nữa, ắt hẳn cũng chính là lúc cha mẹ thất bại trong việc nuôi dạy con cái. Làm con sợ không tốt, làm con nể mới tốt”.

Và không chỉ riêng tôi, chắc có lẽ nhiều ông bố bà mẹ khác cũng đã, đang và từng đánh con với lý do “dạy con nên người”. Không một người mẹ nào không muốn tốt cho con mình, xong quả thực như lời mẹ tôi nói: “Làm con sợ không tốt, làm con nể mới tốt”. Tôi hy vọng thay vì đánh mắng con, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của chúng để có cái nhìn thấu hiểu hơn. Một người con tốt không phải là người không bao giờ mắc  sai lầm, một người con tốt là người có thể mắc sai lầm, nhưng chân luôn thành sửa sai từ cơ hội mà cha mẹ chúng ban cho!

Bài viết liên quan