Mẹ&Con - Được nghe con bi bô những tiếng đầu đời là niềm hạnh phúc vô biên của mẹ. Nhưng để giúp con biết nói và nói được sớm, không phải chỉ chờ vào “năng khiếu ngôn ngữ” của trẻ mà mẹ phải giúp sức thật nhiều cho con. 5 điều bạn nên dạy con gái 3 cách nghĩ sai trong việc dạy con Có nên dạy con bằng đòn roi?

Tập nói nào, bé ơi!

Những tháng đầu đời, con chưa thể chuyện trò cùng bạn. Tất cả những giao tiếp ngôn ngữ của bé với bạn chỉ là những tiếng “ọ ẹ”, tiếng khóc mà thôi. Từ 9 đến 14 tháng tuổi, bé yêu của bạn sẽ bắt đầu phát âm những từ đầu tiên. Có bé nói sớm, có bé nói chậm hơn, nhưng hầu như bé nào cũng có vẻ chăm chú lắng nghe người khác nói và nỗ lực phát âm những từ đơn giản theo người lớn. Chủ yếu trong thời gian này, bé chỉ nói được những từ có nguyên âm “a”. Ví dụ: “A… a…”, “Ba… ba…”, “Ma… ma…”.

Học nói là một bước quan trọng đánh dấu sự phát triển của trẻ. Mẹ đừng bỏ mặc bé “đến ngày đến tháng tự nhiên biết nói” mà phải tập bi bô cùng thiên thần bé bỏng. 

Bạn nên chú ý, bé không thể quan sát, lắng nghe hay bắt chước được nếu như bé không có nhiều thời gian giao tiếp với ba mẹ. Thời hiện đại, nhịp sống hối hả ở thành phố khiến nhiều bà mẹ đi làm lại từ khi con còn rất bé (4 tháng tuổi). Bé được giao “khoán” cho ông bà hoặc người giúp việc chăm. Nếu như những người thân hoặc người giúp việc này lại thuộc dạng… kín tiếng, chỉ chăm sóc đến bữa ăn giấc ngủ của bé, sau đó cho bé chơi một mình thì rất khó để con học nói.

Từ khoảng 14 đến 20 tháng tuổi, bé có thể kết hợp hai tiếng lại với nhau, nói những từ hai tiếng. Ví dụ như: “Con cá”, “cái ca”, “cô ba”. Bé cũng dần hiểu được ý nghĩa của từng từ và sử dụng đúng trong ngữ cảnh. Như khi bảo con chào ai đó để về nhà, bé sẽ biết “bái bai” khiến mẹ cứ nhoẻn miệng cười sung sướng.

cung-con-tap-noi

Hai tuổi trở đi, bé bắt đầu nói được những câu ngắn khoảng 3 từ, như “mẹ bế Bi”, “mẹ ơi, khát…” để đưa ra những yêu cầu, mong muốn của bé. Bạn đừng tưởng việc trẻ nói sớm hay nói muộn chỉ dựa vào di truyền, bẩm sinh hay năng khiếu. Bé bắt buộc phải có vốn từ khá nhiều mới có thể nói sớm được. Với những bé được bố mẹ “đầu tư” nhiều thời gian, suốt ngày hát, kể chuyện, đọc các bài thơ ngắn và trò chuyện với con thì bé thường biết nói rất nhanh. Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi phát hiện bé dư sức líu lo những bài hát ngay ở cái tuổi bạn nghĩ rằng con khó lòng thuộc nổi. 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các bác sĩ cho biết tình trạng trẻ em chậm biết nói ngày càng phổ biến. Nguyên nhân chính là vì quỹ thời gian của cha mẹ (đặc biệt là người mẹ) dành cho con ngày càng trở nên eo hẹp. Công việc, các mối quan hệ xã hội khiến người mẹ ngày càng ít thời gian “tập nói” cùng với trẻ hơn. 

Khuyến khích bé nói thế nào?

Bạn hãy thử những gợi ý này nhé. Đây là những cách hữu hiệu để giúp bé yêu phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp trong những năm tháng đầu đời đấy!

1. Nói rõ ràng từng từ một

Đừng nói cả tràng dài với con trong giai đoạn bé dưới 14 tháng tuổi. Việc nói chuyện nhiều nhưng lại nói nhanh và nói cả tràng dài như thế khiến bé dễ bị rối. Bạn hãy sử dụng những từ đơn giản, phát âm rõ ràng và kèm theo hành động để bé có thể hiểu nghĩa. Ví dụ như khi cầm một bình sữa đưa cho con có thể phát âm từ “sữa” nhiều lần. Cho con cái bánh có thể lặp đi lặp lại vài lần từ “bánh”. Trẻ cần nghe thật nhiều và thật rõ ràng trước khi có thể bắt chước. Vì vậy, bạn nên cố chấn chỉnh phát âm của mình nếu như chẳng may bạn hay phát âm sai giữa “l” và “n”, “tr” và “ch”…

2. Đọc những bài thơ ngắn

Hãy luôn tỏ ra hào hứng khi con nói được một từ mới. Được mẹ và mọi người xung quanh khuyến khích, bé sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn.

Ngôn ngữ thơ có vần điệu và dễ thuộc. Bạn có thể ru con ngủ bằng những bài thơ ngăn ngắn như thế. Đặc biệt, khi con 2 tuổi trở đi, việc mỗi ngày đọc cho con nghe những bài thơ càng trở nên quan trọng. Nhớ đọc chậm, thong thả, diễn cảm và có thể mô tả thêm bằng những động tác dễ thương. Ví dụ như khi khi đến từ “nằm ngủ”, bạn có thể úp hai tay để lên má và nghiêng đầu. Bé sẽ bắt chước theo. Đến một lúc, bạn sẽ nhận ra khi bạn đọc lại bài thơ ấy đến từ “nằm ngủ”, bé sẽ thực hiện những động tác giống y như thế và nói theo bạn.

3. Mẹ con mình cùng… hát!

cung-con-tap-noi

Những bài hát sinh động cũng là cách để bé tiếp nhận ngôn ngữ nhanh chóng. Bạn có thể cho con xem những DVD ca nhạc hoặc những đĩa phim hoạt hình có bài hát. Giai điệu du dương của bài hát cũng như những động tác múa sinh động sẽ kích thích bé quan sát, lắng nghe và tập hát theo. Có khi, bé chỉ nhớ được từ cuối cùng của mỗi câu hát nhưng không sao cả. Hãy kiên nhẫn! Rồi sẽ đến lúc bé yêu thuộc lòng cả bài hát cho bạn xem.

4. Chơi những trò chơi tưởng tượng với con

cung-con-tap-noi

Khi cùng chơi, bé sẽ thấy gần gũi với mẹ hơn và chịu khó “nói chuyện” hơn. Ví dụ bạn cùng bé xếp những mẩu gỗ thành hình cái nhà, bạn có thể vừa chơi vừa diễn đạt từng từ như kiểu chuyện trò cùng với bé: “Đây là nhà… Nhà có vườn nè con. Vườn. vườn… Con nói đi. Vườn được trồng nhiều cây. Đây là cây!”. Bằng cách vừa chơi với con, bạn vừa khuyến khích trẻ phát âm và nói đi nói lại những từ mô tả. Ví dụ khi bé nói được từ “nhà” khi chỉ vào mô hình cái nhà, bạn hãy khen ngợi con thật nhiều.

5. Đừng quên đọc truyện

Những quyển truyện tranh màu sắc sinh động, nét vẽ đẹp mắt mở ra cả một thế giới cổ tích cho trẻ. Ban đầu, bạn hãy đọc từng câu truyện cho bé nghe thật rõ ràng. Càng về sau, những câu truyện đó càng được lồng thêm vào bằng những câu hỏi. Ví dụ khi đọc truyện Nai con Bambi cho bé nghe, bạn hãy đố con: “Nai con tên gì?”. Nhiều lúc có thể bé lúng túng hoặc không muốn nói, bạn hãy đưa ra đáp án cho con và khuyến khích bé lặp lại. Hôm sau, lại quay về câu đố đó thêm lần nữa…

Bạn cũng nên mừng khi con có dấu hiệu đòi bạn đọc truyện cho nghe. Bởi chỉ sau một thời gian nghe kể truyện, vốn từ của bé sẽ phong phú lên trông thấy. Bạn sẽ nhận ra đến khi bé biết nói, bé nói rất nhanh và có khả năng “líu lo” đủ chuyện trên trời dưới đất theo cách rất đáng ngạc nhiên. 

Làm gì khi con chậm nói?

– Nếu thấy con phát triển ngôn ngữ chậm hơn những cột mốc đã được nhắc đến ở đầu bài, ví dụ như hơn 2 tuổi vẫn không chịu nói hoặc chỉ nói từng từ một, bạn nên gặp bác sĩ để có thể phối hợp “tập nói” cho bé, cũng như để chắc chắn rằng bé không gặp vấn đề gì về sức khỏe (ví dụ như tự kỷ).
– Để ý xem khả năng nghe của con có bình thường không. Ví dụ bé có xoay người về phía bạn khi bạn gọi không, bé có giật mình khi có tiếng động đột ngột? Nếu khả năng nghe của bé gặp trục trặc, khả năng nói cũng sẽ trục trặc theo.
– Kiên trì và giao tiếp thật nhiều với con. Tuy nhiên cũng đừng tỏ ra quá lo lắng hay áp lực đến mức cứ căng thẳng ép con nói. Điều đó chỉ phản tác dụng mà thôi. Bạn cũng đừng quá lo vì thật ra có những trường hợp đặc biệt, mãi đến năm 3-4 tuổi bé mới biết nói nhưng sau đó lại nói rất bình thường. 

Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1) 

Tags:

Bài viết liên quan