Cách tiết kiệm tiền của vợ chồng tôi rất đơn giản, chính là đút ống heo. Thoạt nghe nhiều người có vẻ không tin, bởi vợ chồng tôi chỉ là những kẻ làm thuê làm mướn, số tiền đút heo cùng lắm cũng chỉ đủ mua cái tủ lạnh, cái tivi xem bóng đá…
Thế nhưng nhờ những mẹo dưới đây, sau 6 năm từ hai bàn tay trắng tôi và chồng đã có nhà thành phố và nuôi hai con cái học đàng hoàng, cuộc sống vui vẻ.
Dạo gần đây, thấy nhiều người đau đầu than thở về vấn đề kinh tế… Đã từng trải qua thời kì này nên tôi hiểu, và mạnh dạn chia sẻ cách tiết kiệm tiền hiệu quả cho những người “chưa cuối tháng đã hết tiền”.
Đầu tiên, xin kể sơ qua về tình hình gia cảnh tôi năm 2011. Tôi làm kế toán cho một công ty may mặc, lương tháng 4 triệu đồng. Thỉnh thoảng có nhận thêm việc về nhà làm, chia bình quân mỗi tháng thu nhập được khoảng 6 triệu. Chồng tôi làm bên thiết kế đồ họa, lương 8.5 triệu. Thỉnh thoảng anh cũng tham gia dự án chung bên ngoài với bạn bè, chia bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 11 triệu. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 17 triệu/ tháng.
Ngoài số tiền lớn nhất là 1.5 triệu trả tiền phòng trọ mỗi tháng và 700 ngàn tiền học của con, chúng tôi chỉ phải mất khoảng 3 triệu tổng chi tiêu cho cả gia đình 3 người (Tôi và chồng đều ăn cơm trưa ở cơ quan, con trai hai bữa ở trường mầm non). Trừ hiếu hỉ, đám tiệc, giải trí… Mỗi tháng, vợ chồng tôi cố gắng để dư ra 10 triệu.
Ban đầu, mỗi tháng tôi gửi tiết kiệm ngân hàng 8 triệu nhưng sau lần con trai bị ốm, cần tiền gấp mà không rút ra được nên hết năm đầu, vợ chồng tôi rút tiền về và đổi sang kế hoạch đút heo. Chúng tôi chỉ gửi ngân hàng “giữ giùm” 5 triệu đồng/ tháng, bỏ ống heo 3 triệu/ tháng còn 2 triệu để tiết kiệm trong thẻ, phòng khí có chuyện dễ xoay sở.
Nhờ cách tiết kiệm tiền này, vợ chồng tôi xây được nhà thành phố. (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc nuôi heo làm giàu của vợ chồng tôi như sau:
1. Đảm bảo tính kỷ luật
Mỗi tháng, hai vợ chồng sẽ trích tròn 3 triệu đồng bỏ vào heo. Số tiền này bất di bất dịch, không được “quên”. Kể cả có tháng tôi mệt, không nhận thêm việc về làm thì chồng tôi vẫn cố gắng sao cho ngoài 5 triệu thường lệ ở ngân hàng, cuối tháng sẽ có 3 triệu cho heo ăn. Với tính kỉ luật này, cách tiết kiệm tiền giúp vợ chồng tôi có động lực làm việc chăm chỉ hơn.
2. Heo là động vật ăn tạp
Điều này có thể không đúng với “heo sống”, nhưng với “heo chết” như nhà tôi thì điều này đúng. Tâm lý nhiều người đút heo thường chỉ dùng tiền có mệnh giá lớn, “ngại” đút tiền lẻ nhưng riêng heo nhà tôi “ăn tạp” nên có 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn vợ chồng tôi cũng cho heo ăn.
Mỗi lần nhờ con trai ra ngoài mua đồ, dư một vài ngàn lẻ cháu đòi đút heo tôi rất vui nhưng sợ heo đầy nhanh nên thường để trong ngăn kéo, chừng nào đủ 10 ngàn, 20 ngàn thì giúp con cho heo ăn.
3. Sắm heo thật đẹp
Nếu bạn có một chú heo thật đẹp, chắc chắn sẽ rất thích ngắm chúng và không nỡ lòng nào khui heo dù nhiều khi rất túng. Thay vì mua mấy chú heo đất bình dân ngoài đường, tôi đầu tư hẳn hai mẹ con heo “quý tộc” xinh đẹp. Heo mẹ để ăn những đồng tiền có mệnh giá lớn (500, 200 ngàn), còn heo con siêu dễ thương thì ăn những đồng tiền với mệnh giá nhỏ hơn. (100 ngàn trở xuống).
Không thể phủ nhận nhiều khi tôi cùng muốn khui heo lắm, nhưng cứ nghĩ “con heo này mắc lắm, đừng đập” là lòng lại xuôi.
4. Heo khỏe, người khỏe
Là phụ nữ nên tôi thường có thói quen ăn vặt, mua sắm linh tinh còn chồng thì không tránh khỏi việc cà phê cà pháo hay thỉnh thoảng đi nhậu nhẹt, “lai rai” với bạn bè… Con trai tôi thì mê đắm những chiếc xe ô tô đồ chơi nên thành ra, tháng nào gia đình tôi cũng mất một chút “tiền oan”.
Chúng tôi khắc phục nhược điểm này bằng cách mỗi chỉ mua những gì mình thực sự cần, còn những gì mình thích mà chưa cần thì sẽ đưa heo giữ giùm. Với con trai, tôi thường “dụ” cháu bằng cách: “Hôm nay con gửi heo một chiếc ô tô nhỏ, sau này heo sẽ trả lại cho con một chiếc ô tô lớn”. Cách này vừa giúp tiết kiệm thêm tiền, vừa giúp chúng tôi bớt những thói hư có hại cho sức khỏe.
5. Heo là quan tòa công minh
Dù đã cố gắng tiết kiệm chi tiêu, nhưng không thể phủ nhận vẫn có những tháng vợ chồng tôi hơi “quá tay”. Lúc đó, chúng tôi thường phạt bản thân bằng nhiều cách rất thú vị như xài lỡ tay: 200 ngàn; Ăn tiêu hoang phí: 100 ngàn; Mất “tiền ngu” (chẳng hạn như bị công an thổi phạt): 100 ngàn…
Với cách này, chúng tôi vừa ghi nhớ những thói hư tật xấu của mình để giảm thiểu lại vừa có đồng dư, đồng ra cho heo ăn. Những ngày lễ như 8/3, 30/4, 2/9, tết dương lịch… được cơ quan thưởng vợ chồng tôi cũng đều bỏ vào cho heo, chứ không vì thế mà tiêu xài thỏa thích.
Năm đầu tiên, sau khi đập heo thay vì được “lương cứng” 36 triệu/ năm, chúng tôi thu được suýt soát 50 triệu. Cùng với số tiền 5 triệu mỗi tháng và tiền lời chút đỉnh ở ngân hàng, tổng 1 năm vợ chồng tôi cũng để dành được hơn trăm triệu. Riêng tháng lương thứ 13, vợ chồng tôi tự cho phép mình trích ra sắm Tết, biếu quà cáp gia đình hai bên, đi du lịch… nên về cơ bản, chi tiêu trong 1 năm của hai vợ chồng vẫn rất thoải mái chứ không quá “bóp mồm bóp miệng”.
Hết một năm vợ chồng tôi mới đập heo một lần. Toàn bộ số tiền này sẽ được gửi tiết kiệm trong ngân hàng lần nữa vì lý do an toàn hoặc lấy ra mua vàng, bán lại. Qua các năm, lương của hai vợ chồng lại tăng thêm đồng nghĩa với việc mẹ con heo xinh cũng vì thế mà lớn nhanh hơn. Sau 6 năm, vợ chồng có 920 triệu trong tay.
Tháng 9/2017, vợ chồng tôi mua một mảnh đất trị giá 450 triệu ở Quận 9 – cách nơi làm việc 7km. Hai vợ chồng đều không thích ở nhà quá cao nên chỉ xây một lầu, một trệt. Căn nhà đơn giản với 3 phòng ngủ, một phòng bếp, hai toilet hết vừa vặn số tiền còn lại.
Xây nhà xong, chúng tôi chưa đủ tiền mua nội thất nên chỉ sắm sửa những thứ đơn giản, thực sự cần thiết hết khoảng 70 triệu. Số tiền này ông bà nội ngoại ở quê cho vay và không tính lãi. Con trai tôi đã học đến lớp 3, đã ra dáng thanh niên lắm rồi. Đây cũng là thời điểm vợ chồng tôi tính đến chuyện có thêm em cho cháu ẵm nên “thả cửa” và tôi mới đậu thai hồi tháng 2/ 2018 vừa rồi.
Sau bao năm bon chen trên thành phố đất chật người đông, nhờ cách tiết tiệm tiền hiệu quả mà vợ chồng tôi đã có nhà trên thành phố. Trong khi bạn bè cùng trang lứa người thì ở nhà trọ, người vẫn lông bông… vợ chồng tôi đã có cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, và hy vọng sinh linh bé bỏng trong bụng sẽ là một công chúa để gia đình có đủ nếp, đủ tẻ vui vẻ, bình yên.