Tại sao nên ngâm chân bằng nước muối ấm?
Theo Đông y, chân được xem là gốc của cơ thể. Ở chân tập trung khoảng 60 huyệt đạo quan trọng. Các huyệt đạo có vô số rễ thần kinh liên quan mật thiết với thần kinh trung khu đại não, đồng thời liên hệ mật thiết đến từng cơ quan, từng vị trí trên khắp cơ thể.
Ở chân tập trung khoảng 60 huyệt đạo quan trọng (Ảnh minh họa).
Muối có tác dụng khử trùng và kháng khuẩn rất tốt. Dùng nước muối ấm ngâm, rửa chân tạo ra kích thích lành tính, làm hưng phấn các rễ thần kinh. Đồng thời thực hiện xoa bóp các ngón chân, lòng bàn chân, có thể phòng và chữa được nhiều chứng bệnh
Nhiều lợi ích bất ngờ
Thư giãn thần kinh, kích thích ngủ ngon, tăng cường trí nhớ
Công dụng đầu tiên phải kể đến khi ngâm chân bằng nước muối ấm chính là nghỉ ngơi, thư giãn. Nước ấm và muối sẽ kích thích các đầu mút thần kinh ở bàn chân, trong khi ngâm việc xoa bóp chân nhẹ nhàng sẽ tác động tích cực đến hệ thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, khí huyết được điều hòa và cải thiện, giúp cân bằng cơ thể, cải thiện giấc ngủ, kháng lão, thậm chí là tăng cường trí nhớ.
Đặc biệt với những người gặp vấn đề với giấc ngủ, dùng nước muối ấm để ngâm chân đều đặn vào buổi tối sẽ cải thiện được tình hình giúp ngủ sâu và ngon hơn.
Loại bỏ tế bào chân và chết, làm sạch khử mùi hôi chân, trị nấm chân
Muối có tác dụng khử trùng, khi cho muối vào nước nóng, nhờ sức nóng của nước mà da dễ hấp thụ các thành phần khử trùng và kháng khuẩn, giúp loại bỏ tế bào chết ở chân. Ngoài ra nước muối còn giúp dưỡng ẩm da chân, chống nứt nẻ, đặc biệt là phần gót chân. Đồng thời cách này còn làm sạch chân, khử mùi hôi chân, điều trị các loại nấm chân.
Hạ hỏa, tăng cường thể chất
Muối có tác dụng hạ nhiệt, làm mát máu, giải độc. Những người dễ bị nổi nóng hay bị nóng trong người có thể ngâm chân bằng nước muối ấm để làm mát cơ thể, làm tăng sức đề kháng, tăng cường thể chất.
Bổ thận, chống lão hóa
Máu cung cấp cho bàn chân thường rất ít do bàn chân nằm cách xa tim nhất. Do đó, nếu thường xuyên ngâm chân bằng nước muối ấm sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, khiến các hoạt chất có trong nước muối có thể chuyển đến thận và tim, từ đó đạt được hiệu quả bổ thận, chống lão hóa.
Ngâm chân bằng nước muối ấm có công dụng chống hạ hỏa (Ảnh minh họa).
Có thể trị cảm lạnh
Ngâm chân bằng nước muối ấm giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, loại bỏ chứng lạnh chân, giúp bài tiết mồ hôi, từ đó phát huy tác dụng điều trị cảm lạnh.
Ngâm chân thế nào cho đúng?
Dùng nước sạch đun nóng đến 50-60ºC rồi cho vào thau bằng gỗ hay sứ. Cho muối vào khuấy tan. Ngồi thẳng, ngâm rửa chân trong nước nóng, mỗi lần ngâm từ 10-15 phút. Nếu nhiệt độ nước hơi cao, có thể thêm một ít nước lạnh hoặc chờ nước nguội bớt rồi ngâm rửa.
Khi ngâm, nên cho nước ngâm qua khỏi mắt cá chân khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bàng quang) 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can) đồng thời là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho nước muối tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.
Trong quá trình ngâm chân bằng nước muối ấm, nên kết hợp massage, ma xát các ngón chân, lòng bàn chân. Ngón cái là thông đạo của gan và lá lách, có thể thư can kiện tỳ, giúp ngon miệng, phòng tránh sưng gan và lách; massage ngón chân thứ tư có thể phòng trị táo bón, đau sườn; ngón út có bàng quang hệ kinh đi qua có thể phòng trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ, điều chỉnh vị trí thể tử cung của phụ nữ; lòng bàn chân có huyệt dũng tuyền thuộc thận kinh, massage nó có thể phòng trị thân hư thể yếu.
Trong quá trình ngâm chân, nên kết hớp với massage nhẹ nhàng (Ảnh minh họa).
Thực hiện đều đặn mỗi tối trước khi đi ngủ.
Mách bạn một vài lưu ý khi ngâm chân bằng nước muối ấm
Nước ngâm chân không nên nóng quá 50 độ C. Nếu ngâm nước quá nóng sẽ có hại cho tim mạch và não, hơn nữa nếu nóng quá dễ làm bỏng chân và gây nứt nẻ da chân.
Mỗi lần ngâm không nên quá 15 phút. Nếu ngâm chân trong thời gian quá dài máu sẽ lưu thông xuống các chi dưới, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của tim và não. Mùa đông nếu ngâm chân quá lâu có thể dẫn đến khô da, dễ bị mẩn ngứa. Đặc biệt, người có bệnh tim mạch, người cao tuổi thì cần phải cẩn thận, không ngâm chân quá lâu. Nếu thấy tức ngực, chóng mặt, nên dừng lại nghỉ ngơi. Nếu có những bất thường rõ ràng khác, khi cần thiết, đến bệnh viện.
Không nên đi ngủ liền sau khi ngâm chân, nên lau khô chân và nghỉ ngơi ít phút để cân bằng nhiệt độ cơ thể rồi mới đi ngủ.
Trẻ em và phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không nên ngâm chân.
Người bị giãn tĩnh hoặc bị suy tĩnh mạch nên hạn chế việc ngâm chân.
Không nên ngâm chân ngay sau khi ăn. Thời gian ngâm chân tốt nhất là khoảng 1 tiếng sau khi ăn. Vì sau bữa cơm, máu trên cơ thể đổ về hỗ trợ dạ dày tiêu thụ thức ăn, nếu ngâm chân ngay thì lưu lượng máu sẽ phải phân tán sang bên hai chân điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu, về lâu dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
Người bệnh tiểu đường không nên lạm dụng ngâm chân vì da chân tương đối mỏng, dây thần kinh và bàn chân nhạy cảm với nhiệt độ.
Nếu chân có vết thương, viêm loét thì không nên ngâm