Dù đã hơn một tuần kể từ khi xảy ra cái chết của bé Trần Trung Nghĩa, 6 tuổi ở Quảng Bình nhưng người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Ai cũng lo sợ một ngày nào đó, con cái mình lỡ rơi vào trường hợp trên. Có một sự thật đó là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trước khi ngồi và liên tưởng những điều không may, phụ huynh cần dạy con các kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình.
Bên canh đó, nếu “lỡ” con cái rơi vào trường hợp nguy hiểm, cha mẹ cũng tuyệt đối đừng mất bình tĩnh vì chỉ làm mọi chuyện trở nên rối rắm hơn mà thôi. Hãy ghi nhớ 7 lời khuyên sau của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM để biết đâu là những điều cần làm nếu con cái bạn và người thân rơi vào trường hợp tương tự bé Nô – Trần Trung Nghĩa ở Quảng Bình vừa qua.
Bé Trần Trung Nghĩa bị mất tích và phát hiện tử vong cách nhà 1,5km sau khoảng một tuần.
7 cách ứng biến để nhanh chóng tìm thấy con được TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu gợi ý:
1. Lập tức tất cả các thành viên trong gia đình toả ra chạy theo các con đường lớn. Đi xe máy và tìm nhanh nhất có thể vì nếu bị bắt cóc, kẻ xấu mang theo bé có thể chưa đi được xa.
2. Cử một thành viên bình tĩnh ở lại huy động sự giúp đỡ của những người xung quanh, của hàng xóm láng giềng tỏa ra nhanh các hướng đi tìm cháu bé ngay lập tức. Ưu tiên các địa điểm khẩn cấp sau:
+ Ưu tiên các con đường dẫn ra khỏi ấp/ khỏi xã; ưu tiên chốt chặn ở các bến xe để tránh kẻ bắt cóc đưa cháu đi xa.
+ Ưu tiên ra các bờ hồ, kênh, ao, hố sâu gần nhà phòng trường hợp cháu bị tai nạn đuối nước.
+ Ưu tiên tìm đến nhà người thân cháu hay đến chơi, nhà bạn bè… phòng trường hợp cháu tự ý đi chơi không báo với gia đình.
3. Điện thoại nhanh cho công an xã, cảnh sát cơ động 113 để họ hỗ trợ tìm kiếm cháu bé.
4. Nếu chưa tìm được, vẫn kiên trì tìm kiếm ở các bụi rậm, đồng vắng. Song song đó nên cử một người mang ảnh bé đến trình báo cơ quan công an. Nhờ cơ quan truyền tin và hình ảnh đến các địa phương lân cận và những nơi có thể.
5. Tự in ảnh chân dung của cháu và số điện thoại của gia đình, gửi đến các bến xe, hàng quán, những nơi có thể phát hiện nếu xảy ra trường hợp bắt cóc.
6. Tận dụng sức lan truyền mạnh mẽ của các mạng xã hội, nhờ mọi người lan truyền ảnh cháu để tăng thêm cơ hội trong trường hợp may mắn cháu được tình cờ tìm thấy.
7. Cách tốt nhất là đừng để sơ hở, dẫn đến trẻ con mất tích. Phòng ngừa là điều phải làm trong xã hội bây giờ!
7.1. Đừng để bé chơi một mình trước sân, nếu không, phải khoá cửa rào cẩn thận, tường rào đủ cao để bé kịp phản ứng nếu bị bắt cóc.
7.2. Dạy bé tuyệt đối không tự mở cửa ra ngoài. Tuyệt đối không mở cửa cho người lạ. Tuyệt đối không thò tay ra cửa lấy bánh hay bất cứ vật gì.
7.3. Khi bé chơi trong nhà, mà mình đang ở dưới nấu bếp, hãy khoá cửa hoặc ít nhất là phải đóng cài cửa lại. Kẻ bắt cóc hoàn toàn có thể chạy vào nhà và bế bé đi trong tích tắc.
7.4. Mô tả các nơi nguy hiểm mà bé cần tránh, mô tả hậu quả có thể xảy ra, yêu cầu bé tránh xa các nơi đó, nhất là các hầm hố ao hồ quanh nhà.
7.5. Cho bé đi học bơi sớm nhất có thể.
7.6. Chỉ bé cách cắn kẻ xấu khi bị lôi đi, cách đập ngược đầu vào mặt kẻ xấu nếu bị ôm từ phía sau hay đập thẳng đầu vào mặt kẻ xấu nếu vừa bị ôm phía trước, giãy giụa mãnh liệt và gào to: “Cứu! Cứu”.
7.7. Dạy bé nếu kẻ xấu có đưa ra bến xe thì thấy người phải biết giãy giụa và gào to cầu cứu!
7.8. Nếu đã lỡ bị bắt cóc mang đi xa, dạy bé biết chú ý ven đường coi mình ở đâu.
Giữa đường phải giả vờ mắc tè đòi đi vệ sinh hoặc thậm chí tè và đi vệ sinh khắp xe ô tô/ khắp người để tăng khả năng kẻ xấu dừng xe, làm chậm lại quá trình di chuyển hoặc nếu bé được đi vệ sinh sẽ tăng cơ hội được nhìn thấy hoặc chạy thoát. Nếu được vào nhà vệ sinh thì ghi chữ trên nhà vệ sinh bằng bất cứ chất liệu gì, nếu bé biết viết chữ.
7.9. Học thuộc số điện thoại của ba mẹ. Dạy bé nhớ rõ địa chỉ nhà. Để lỡ bé có bị bán đi xa, may mắn thả giấy ra ngoài được, vẽ trên mặt đất được hoặc gặp người cứu hay lẻn ra ngoài được thì cũng biết ba mẹ mình ở đâu mà gọi đón về”.