Mẹ&Con - Lần đầu bạn biết sử dụng internet là khi nào? Ở thời của chúng ta, internet là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ mà chỉ khi bạn thuộc dạng “công tử”, “tiểu thư” mới được “đụng” đến. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác hẳn... Tan nát một gia đình chỉ vì vợ mê game bắn cá Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu Bố mẹ lơ là, con nghiện game khiến bác sĩ cũng... chịu thua

Internet phủ sóng mọi lúc mọi nơi

Ngồi túm năm tụm ba một góc ở quán nước cạnh trường tiểu học, nhóm học sinh chừng 5 – 6 em vẫn còn đeo khăn quàng đỏ thi nhau phồng má, trợn mắt, chu mỏ… chụp hình “tự sướng”. Thời gian chỉ vẻn vẹn hai phút, vậy mà các em thậm chí còn sáng tạo ra cả chục kiểu phong cách “tự sướng” khác nhau để “post lên Face book cho sinh động hơn” – Nhung Anh, cô bé 12 tuổi ngồi cạnh tôi, con của bà chủ quán nước cho biết.

Sau màn “tự sướng” tập thể, thì nhóm học sinh trên ai nấy lại cắm cúi vào chiếc điện thoại di động của riêng mình, đăng lên mạng xã hội Face book và like (thích), comment (bình luận) loạn xạ, nói cười rôm rả. Cũng kể từ đó cho tới lúc ra về, hình như chưa một lần đám nhỏ quay lại trò chuyện với nhau vì ai cũng bận “sống ảo” cho riêng mình.

Thế nhưng trường hợp “sống ảo” trên vẫn còn… nhẹ nhàng chán. Những cám dỗ mà internet đang bủa vây trẻ còn nhiều hơn như thế gấp trăm lần. Ngày nay, hầu hết trẻ em đều sử dụng internet rành rọt. Nhiều trẻ em còn tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội và có các tài khoản đăng nhập riêng như Face book, zalo, you tube, skype, viber… Và việc chúng làm gì thì chỉ có trời biết, đất biết và… chúng biết. Từ đây, trẻ có thể vô tình hay cố ý tiếp cận những điều không phù hợp như nghiện chơi game, kết bạn với kẻ xấu, phim ảnh bao lực, phim ảnh đồi trụy… dễ dàng nếu không được ba mẹ kiểm soát.

“Cai nghiện” internet cho con

Ngày nay, đối với trẻ em mà nói, dù gia đình thuộc tầng lớp nào cũng đều sử dụng internet “ào ào” như sóng vỗ. (Ảnh minh họa)

Ngỡ ngàng khi con “lột xác”

Một hôm đi làm về sớm, chị Ngọc Linh (Q.3) ngang qua phòng con thì thấy tiếng thằng bé chửi bới loạn xạ. Chị Linh ngỡ ngàng vì từ trước đến nay, trong gia đình chị chẳng ai nói bậy bao giờ. Con học trường chuyên lớp chọn, bạn bè cũng đều chăm ngoan học giỏi.Vậy, nguyên nhân do đâu khiến thằng bé “lột xác” hoàn toàn thành ra vậy?

Khẽ đẩy cửa mở vào, chị Linh chết sững khi hiện lên màn hình máy vi tính của con là một grop (nhóm) chat đang nhắn tin qua lại với nội dung bàn về “cô em” nào đó trên mạng. Chúng trò chuyện với nhau bằng những từ ngữ tục tĩu mà có nằm mơ, chị cũng không thể nghĩ cậu con trai mới 13 tuổi của mình lại hưởng ứng tích cực như vậy. Thậm chí, cậu bé còn bị cuốn vào cuộc vui đến mức bật ra thành tiếng. Chị Linh giả bộ hắng giọng, cu cậu giật mình đóng sập màn hình laptop.

Internet dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em hiện giờ. Nếu như ngày xưa, mỗi lần muốn lên mạng gửi mail hay liên lạc với bạn bè ở xa, chúng ta phải đạp xe ra tiệm net cách nhà vài cây số, online vài phút rồi lại lọc cọc đạp xe về thì bây giờ, thời buổi hiện đại nhà nào cũng có đầy đủ thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, laptop… có thể kết nối mạng 24/24.

Phần lớn trẻ nhỏ học cấp 2 trở lên đã được phụ huynh trang bị điện thoại di động như một món đồ vật bất ly thân. Hoặc, ba mẹ không chủ động trang bị các em cũng sẽ “vòi” bằng được cho thua bạn kém bè. Mà phải là những chiếc điện thoại “xịn”, nhiều chức năng trong đó có kết nối internet hẳn hoi chứ không phải chỉ mỗi nghe, gọi và nhắn tin đâu nhé.

Còn những bé học sinh cấp một thì sao? Chưa đủ tuổi mua điện thoại thì các em… “xài ké” điện thoại của ba mẹ. Bằng cách này, trẻ vẫn có thể truy cập internet bình thường. Không thể phủ nhận những lợi ích mà internet mang tới cho con bạn như tiếp cận thông tin sớm hơn, giao lưu được với đa dạng nền văn hóa…

Thế nhưng những đứa trẻ trong độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nào nghĩ đến chuyện này? Công bằng mà nói, chúng lại bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu nhanh hơn là những bài giảng đạo đức, lối sống nhân văn. Các mầm mống nguy hại này rất dễ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ, để lại nhiều hệ lụy khôn lường nếu không được kiểm soát.

Kiểm soát con, điều này có khó?

• Phụ huynh phải biết sử dụng internet
Cái gì cũng có hai mặt, vậy nên cố gắng cấm trẻ không được đụng đến internet là cổ hủ, nhất là ở thời buổi công nghệ thông tin đang phát triển rầm rộ toàn cầu. Điều mà chúng ta nên, không phải là cấm cản mà chỉ có thể là đừng để nó vượt quá tầm kiểm soát.

Xã hội hiện đại, nhiều trẻ thậm chí còn đi trước cả ba mẹ trong vấn đề công nghệ. Vậy nên, nếu phụ huynh muốn kiểm soát con lên mạng thì bước đầu tiên, bắt buộc chính bạn cũng phải biết sử dụng internet. Đừng nghĩ rằng bạn quá lớn tuổi hoặc không đủ khả năng để học, hãy cố gắng tìm hiểu công nghệ hiện đại.

• Cài đặt ứng dụng kiểm soát
Khi biết sử dụng internet, phụ huynh cũng đừng nên bỏ qua các ứng dụng “kiểm soát bởi bố mẹ” (Parental Control). Hiện nay, một số nhà cung cấp đã cùn cấp những ứng dụng phổ biến như KidsWatch, iNet Protector, iProtectYou… Đây là nơi mà ba mẹ có thể cài đặt các trang mạng, cũng như nội dung an toàn mà con có thể truy cập (và chỉ có thể truy cập vào những trang web này).

Song song với đó, các ứng dụng trên còn có chế độ cài đặt giới hạn thời gian cho trẻ truy cập internet. Trẻ chỉ được truy cập internet trong giới hạn mà phụ huynh đề ra. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng “cú đêm” thường gặp, ảnh hưởng đến giấc ngủ quan trọng của chúng.

• Dạy con bảo vệ thông tin cá nhân
Không chỉ các trang mạng có nội dung xấu mới gây hiểm họa cho trẻ, mà chúng có thể bị “tin tặc” tấn công ngay cả khi lộ những thông tin cá nhân mật thiết. Hãy dạy con cách để bảo vệ thông tin cá nhân của mình (và gia đình) trên internet. Tuyệt đối không được chia sẻ thông tin cá nhân cụ thể của mình như địa chỉ, số điện thoại, trường lớp… đề phòng kẻ gian lợi dụng.

Tiếp đến là đặt mật khẩu (password) mang tính bảo mật cao hơn, bằng cách thêm vào các con số, chữ cái viết hoa hay kí tự đặc biệt. Chỉ cho con cách nhận biết các trang web lạ, dễ dàng phát tán virus… Ngoài ra, cũng cần phải chỉ ra cho con hiểu rằng, internet là sân chơi những vẫn cần luật lệ. Trẻ vẫn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu lừa gạt, chia sẻ những hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng. Nếu phụ huynh làm được những điều này, internet sẽ không còn là mối nguy hiểm của con bạn.

• Tạo không gian vui chơi bổ ích
Nếu chỉ mải “vùi đầu” vào thế giới ảo, chắc chắn trẻ sẽ bỏ lỡ nhiều trải nghiệm quý giá ở thế giới thật. Muốn con hạn chế truy cập internet, thì cách tốt nhất phụ huynh cần làm là tạo dựng không gian, hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ phần nào “quên” đi cơn nghiện internet và hòa mình vào con người thật, cảnh vật thật, thế giới thật xung quanh.

Tags:

Bài viết liên quan