Thầy cô chủ nhiệm lớp 9 quá vất vả khi tư vấn chọn trường vào lớp 10 và phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, chủ yếu là do… phụ huynh sĩ diện!
Những ngày cuối tháng 5, thầy cô chủ nhiệm lớp 9 cực nhọc hơn ai hết. Đồng nghiệp dạy lớp 6, 7, 8 đã xong nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày hè sắp đến, còn thầy cô chủ nhiệm lớp 9 tất bật lo việc thi vào lớp 10 cho các học sinh.
Phụ huynh trọng “sĩ diện”, khổ nhất vẫn chính là con cái. (Ảnh minh họa)
“Học chữ mới tiến thân được”
Chuyện phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS không phải là việc dễ thực hiện. Phụ huynh thường không muốn cho con em theo học trung cấp nghề, vì quan niệm “học chữ mới tiến thân được”. Bên cạnh đó còn do quan niệm học nghề là nặng nhọc, tội nghiệp cho các “thư sinh”.
Thế nên, dù giáo viên đã tích cực vận động, giải thích, tư vấn, nhưng hằng năm số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề chưa bao giờ đạt đến con số 10%.
Ở nước ta, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả còn rất khiêm tốn. Trong rất nhiều nguyên nhân, còn có yếu tố kỹ năng của thầy cô chủ nhiệm khi tư vấn cho phụ huynh.
Việc tư vấn này nên làm xuyên suốt từ đầu năm học, chứ không nên đợi đến tháng cuối cùng của năm học mới tiến hành. Thầy cô nào “non tay ấn”, nể nang phụ huynh, không bỏ công tư vấn hay “bó tay” trước ý chí của phụ huynh thì sẽ cho học sinh đăng ký thi lớp 10 tràn lan.
Ngược lại, nếu thầy cô giữ vững “ý chí chiến đấu” sẽ bị phụ huynh chì chiết, thậm chí cả đe dọa khiếu kiện lên trên, hết sức phiền phức…
Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề còn giới thiệu quá ít ngành nghề đào tạo, chương trình học, khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp đến phụ huynh và học sinh… Điều này cộng thêm những quan niệm sai lầm về học nghề, càng làm cho công tác phân luồng thêm phức tạp.
Chỉ muốn con vào trường có tiếng, trọng điểm
Học nghề đã vậy, việc tư vấn phụ huynh chọn trường thi cho con em còn nhiêu khê hơn nữa. Phụ huynh thường muốn con thi vào trường THPT có tiếng tăm. Trường mới thành lập hay ở xa nội ô dù chỉ 10 phút đạp xe là phụ huynh đã lắc đầu.
Thầy cô căn cứ vào học lực, hạnh kiểm, ý thích của học sinh rồi mới tư vấn cho phụ huynh làm hồ sơ thi vào trường phù hợp khả năng các em. Tuy nhiên, phụ huynh lại muốn con em mình thi vào trường… sang chảnh, có tiếng, trường trọng điểm để nở mặt nở mày gia đình hoặc để… hàng xóm khỏi nói ra nói vào!
Điều đáng nói là phụ huynh chọn vậy, nhưng hầu hết họ đều biết chắc rằng con em mình không thể nào có cơ hội trong kỳ thi tuyển sinh, khi sức học các em chỉ ở mức trung bình. Nhiều phụ huynh suy nghĩ rất đơn giản: nếu trượt (mà chắc chắn là trượt!) thì xin chuyển nguyện vọng về các trường có nhóm điểm thấp hơn cũng không muộn!
Cá biệt, có phụ huynh còn nói thẳng với giáo viên chủ nhiệm: “Cho con thi để biết thi lớp 10 là thế nào!”. Lại có trường hợp phụ huynh đòi nhà trường nhận hồ sơ thi, nhưng rồi ngày thi đến, học sinh đó bỏ thi vì biết thi không thể nào đỗ. Khi ấy có thầy cô còn bị phụ huynh góp ý rằng sao lại để học sinh bỏ thi!
Càng gần ngày hết hạn nộp hồ sơ thi, căng thẳng càng nhiều. Phụ huynh gọi điện góp ý, phê bình giáo viên chủ nhiệm, rồi tìm đến nhà, đến trường tranh luận với thầy cô quyết liệt, với yêu cầu phải cho con em họ được thi lớp 10, bất kể điểm thi học kỳ của các em thấp đến đâu, hay số lượng tuyển sinh của trường mà phụ huynh nhắm tới rất hạn chế.
Có cả những trường hợp phụ huynh đã hứa sẽ cho con em học trung tâm giáo dục thường xuyên hay trung cấp nghề nếu thầy cô phụ đạo giúp học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, khi học sinh đã đủ điều kiện để được xét duyệt tốt nghiệp thì phụ huynh lại lập tức… đòi cho con thi THPT!
Nỗi khổ của nhà trường
Cơ quan quản lý giáo dục sẽ dựa trên kết quả thi tuyển vào THPT để đánh giá kết quả đào tạo của nhà trường. Vì vậy, học sinh dự thi nhiều mà tỉ lệ trượt cao sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường, tất nhiên của cả ban giám hiệu.
Thầy cô nào có học sinh dự thi mà bài thi chỉ có điểm 0 (ở bất kỳ môn nào, thường là môn toán) thì thầy cô đó sẽ phải giải trình trước cấp trên và gặp khó khăn khi bình chọn danh hiệu thi đua.
Trước “thực tế phũ phàng” đó, đã có đơn vị mạnh dạn để lại 1/3 sĩ số học sinh khối 9, hướng các em chọn vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hay học trung cấp nghề, nếu may mắn được phụ huynh đồng ý.
Khi ấy, cấp trên sẽ đánh giá thành tích căn cứ vào tỉ lệ thi đỗ trên số học sinh tham gia thi, chứ không dựa trên tổng số học sinh của trường nên trường sẽ an toàn hơn.