Sinh ra một đứa con đã khó, chăm sóc và nuôi dạy chúng còn khó hơn. Giai đoạn dậy thì là giai đoạn nhạy cảm, tâm lý ở lứa tuổi này hết sức phức tạp. Là cha mẹ, bạn hãy định huống và uốn nắn kịp thời để con cái phát triển toàn diện. Những điều chỉnh đúng đắn của cha mẹ khi giáo dục con cái tuổi dậy thì sẽ giúp bé trở thành người mà bạn mong muốn trong tương lai.
Tuy đều xuất phát từ tình thương, nhưng không phải quý phụ huynh nào cũng biết “uốn” con đúng cách. Dưới đây là những sai lầm cơ bản, cha mẹ cần tránh xa trong việc nuôi dạy con cái ở độ tuổi “dở dở ương ương”.
1. Đánh con
Thường khi con cái chẳng may phạm lỗi, bướng bỉnh không nghe lời thì cách phổ biến nhất mà cha mẹ “áp dụng” để dạy bảo con, đó là dùng roi vọt đánh con. Ở độ tuổi này, bé bắt đầu hình thành cái tôi lớn nên lòng tự trọng khá cao. Đánh con vì chúng làm không đúng ý mình, đánh con giữa đám đông để răn đe chưa bao giờ cho kết quả tốt, thậm chí chỉ khiến cho chúng dấy lên sự bất mãn vì vậy càng tỏ ra lì lợm và khó bảo hơn.
2. Chửi bới, miệt thị
Tương tự như việc đánh con, chửi bới, miệt thị con cái trong độ tuổi dậy thì chỉ mang lại nỗi thù hận, uất ức vì nghĩ rằng cha mẹ không thương mình, mình chỉ là đồ “vô tích sự”… Bên cạnh đó, trẻ càng có xu hướng làm ngược lại những điều cha mẹ dạy bảo. Nguy hiểm hơn, điều này còn gián tiếp đẩy con cái đến gần hơn các tệ nạn xã hội, cạm bẫy ngoài đời vì thâm tâm trẻ lúc nào cũng cảm thấy lạc lõng cô đơn, cảm thấy mình bị mọi người ruồng bỏ, không có ai đủ tin tưởng để sẻ chia nỗi lòng.
3. Cấm con tiếp xúc với bạn khác giới
Đây là điều thường thấy nhất ở những gia đình có con gái. Nguyên nhân xuất phát tự việc sợ con yêu sớm, chểnh mảng học hành. Sợ con bị dụ dỗ, sợ con bị xâm hại tình dục…
Một cái cây có thể tự lớn, nhưng để ra dáng đẹp cũng cần uốn nắn nhiều. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cần nhớ rằng bạn không thể nào ở cạnh để cấm cản con 24/24. Trẻ cần được ra ngoài cộng đồng, giao tiếp và trải nghiệm cuộc sống. Một con ếch chỉ ngồi trong đáy giếng, sau này sẽ rất khó đối mặt với những cạm bẫy trong thế giới bao la. Thay vì cấm cản, hãy trang bị những kiến thức nhất định về giới tính và giáo dục con cái tuổi dậy thì những kỹ năng phòng vệ hữu ích cho con.
4. Kiểm soát chặt chẽ vấn đề chi tiêu
Đảm bảo rằng tất cả các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này đều nghĩ rằng, cho con xài tiền quá sớm sẽ làm chúng hư hỏng. Chính vị vậy, họ rất khắt khe và kiểm soát chặt chẽ vấn đề chi tiêu của con. Khi cho con tiền, họ thường hỏi đi hỏi lại cặn kẽ giá cả, mục đích sử dụng… mà không nghĩ rằng trẻ cũng có những vấn đề phát sinh hoặc những vấn đề tế nhị khó nói…
Kiểm soát quá chặt chẽ vấn đề chi tiêu của con sẽ khiến chúng không thoải mái, từ đó tìm đủ mọi cách để có số tiền mình muốn, kể cả việc trái pháp luật. Thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu về giá trị đồng tiền. Ngoài ra, tạo cho chúng thói quen thu chi bằng cách hàng tháng cho con một khoản tiền nhất định. Việc của chúng là tự lập kế hoạch chi tiêu phù hợp cho bản thân với số tiền đó.
5. Thiết lập các quy tắc cứng ngắc
Trong giai đoạn ẩm ương “ăn chưa no lo chưa tới” này của con trẻ, cha mẹ tỏ ra nghiêm khắc quá cũng không được mà buông lỏng quá cũng không xong thành thử ra… cả phụ huynh lẫn học sinh đều bế tắc!
Cha mẹ cần hiểu, lứa tuổi này trẻ thể hiện cái tôi nhiều nên thâm tâm chúng lúc nào cũng muốn tự quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. Lời khuyên cho cha mẹ là chỉ phân tích cái gì đúng, cái gì sai còn hãy để trẻ tự quyết định những điều chúng có thể. Và những gì chúng tự làm, bắt buộc phải có trách nhiệm trước pháp luật với vấn đề đó.
Thế nhưng cũng đừng quá dễ dãi với con cái, bắt buộc chúng phải tuân theo một số nguyên tác bất di bất dịch trong nhà như: “Không đi chơi đến quá 10 giờ đêm, “không hút thuốc lá”, “không sử dụng các chất kích thích”, “không đưa bạn khác giới về nhà và vào phòng riêng đóng cửa”… là cách giáo dục con cái tuổi dậy thì mà bạn vừa có thể kiểm soát được con, vừa không làm chúng tù túng mà “sổ lồng”.
6. Không vị tha những lỗi lầm
Đối với trẻ ở tuổi vị thành niên, việc mắc sai lầm bởi những hành động bốc đồng là điều không đáng ngạc nhiên. Nếu lỡ chúng mắc sai phạm hãy mở lòng tha thứ, cho cơ hội để làm lại chứ đừng thóa mạ, tuyệt giao.
Dù có nổi loạn hoặc bất cần đời đến đâu, thì chỉ cần một lời khuyên chân thành và một trái tim rộng mở của gia đình, chúng sẽ cố gắng quay lại quỹ đạo là một người con ngoan hiền vốn có. Sự vị tha sẽ làm trẻ kính trọng cha mẹ nhiều hơn, và trải qua những sai lầm chúng sẽ dốc lòng yêu thương, nể phục cha mẹ như cái cách mà mẹ cha vẫn hằng mong muốn khi có một đứa con!