1.Đi cùng con
Có thể bố mẹ thường bận đi làm và nhờ cô, chú, ông bà đưa con đi khám bệnh giùm. Nhưng không ai hiểu tâm lý và gần gũi với bé hơn bố mẹ. Hơn thế, mỗi lần một người đưa đi sẽ khiến không nắm bắt hết các trạng thái, suy nghĩ, tình cảm của bé để điều chỉnh. Ngoài ra, việc bố hoặc mẹ luôn đi cùng bé sẽ giúp bé yên tâm hơn khi gặp gỡ bác sĩ. Ngoài ra, để bé khỏi sợ hãi, bố mẹ có thể nắm tay bé hoặc để bé ngồi trên lòng để trấn an tinh thần bé!
2. Bày các trò chơi khám bệnh
Bạn mua cho bé bộ đồ chơi bác sĩ, trong đó có các dụng cụ y tế phổ biến như: ống tiêm, ống nghe, cặp nhiệt độ, mũ và áo trắng… Hàng ngày bạn có thể đóng vai bệnh nhân để bác sĩ khám bệnh, kê đơn, tiêm thuốc… hoặc hướng dẫn cho bé chơi trò chơi này cùng với các bạn cùng trang lứa.
Dần dần, bé sẽ cảm thấy trò chơi bác sĩ rất thú vị và từ đó sẽ giảm dần thái độ “ác cảm” khi đến bệnh viện khám bệnh.
3. Đem theo đồ vật bé yêu thích
Trẻ nhỏ thường ham chơi và khi đã thích cái gì thì chỉ tập trung vào đồ vật đó. Vì vậy, hay mang theo thứ đồ chơi mà ở nhà bé yêu thích nhất, như một quyển truyện tranh, xe hơi, thú bông hay búp bê. Trong lúc chờ khám, những đồ vật này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, giải tỏa sự căng thẳng để bé không có tâm lý phòng vệ, phản kháng ngay từ khi chưa gặp bác sĩ.
4. Đừng hù dọa con
Nhiều bố mẹ hoặc người thân, khi thấy bé sợ khám bệnh, sợ bác sĩ thì thường lấy các hình ảnh này ra “dọa” mỗi khi bé không vâng lời, kiểu như: Con mà hư mẹ kêu bác sĩ chích thuốc cho con bây giờ, hay: Không mặc áo lạnh vào bị bệnh là cho đến bệnh viện uống thước đó. Những câu nói này vô hình chung làm bé tăng thêm mối sợ hãi đối với bác sĩ và việc khám bệnh. Thay vào đó, mẹ nên kể những câu chuyện hay, cảm động về nghề thầy thuốc, chữa bệnh cứu người để bé có cảm tình với bác sĩ.
5. Chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi đi khám bệnh
Một điều cần ghi nhớ và thực hiện đúng, đó là người lớn phải hết sức thành thật khi nói với bé về việc đi khám. Bạn nên giải thích nhẹ nhàng với bé rằng việc gặp bác sĩ hay khám bệnh là cần thiết, giúp bé không bị mệt, bị đau nữa. Có thể mô tả một cách đơn giản quá trình khám bệnh để bé nắm được “tình hình” và trả lời các câu hỏi của bé về việc này để tâm lý bé được ổn định, không hoảng hốt.
Trong quá trình khám hoặc xét nghiệm, có thể có lúc bé sẽ bị đau thì bạn cũng nên nói trước với bé, không nên nói qua loa, đại khái là tất cả đều không sao cả. Xin nhắc lại một lần nữa là sự thành thật trong lời nói của người lớn sẽ rất có ích trong việc làm giảm bớt nỗi sợ bác sĩ và hành vi chống đối của bé.
6. Khuyến khích bé sau khi khám bệnh
Sau khi bé khám bệnh xong, mẹ nên khen ngợi bé ngoan và “thưởng” cho bé điều bé thích như gói snack, đi công viên hay quyển truyện tranh, điều này sẽ tạo cho bé sự hào hứng, phấn khởi át đi nỗi sợ hãi mỗi khi đi khám bệnh. Bởi vì bé đã biết, sau khám bệnh thường là những lời khen và phần thưởng hấp dẫn cho bé!