Nhắc đến chuyện mẹ chồng nàng dâu, bên cạnh sự yêu thương hiếm hoi thì đa số, chỉ toàn là những câu chuyện nghẹn ngào ra nước mắt.
Sáng sớm đưa con đi học, tranh thủ rẽ vào chợ mua đồ ăn sáng cho con gái út tôi gặp chị Hảo. Mới 6h30 sáng mà chị đã tay xách nách mang nào rau, thịt, đậu hũ, trái cây… Chị là nhân viên văn phòng, ít ra 8 giờ sáng công ty mới bắt đầu làm việc. Tôi cứ tưởng với khung giờ như vậy, chí ít chị cũng “nướng” tới 7 giờ sáng chứ ai dè, mới giờ này chị đã tay xách nách mang giỏ đồ nặng trĩu. Hẳn chị phải dậy đi chợ từ rất sớm.
Tranh thủ lúc ngồi chờ cô bán hàng làm món cháo sườn mà chị và tôi cùng mua về cho con, chị kể:
– Mẹ chồng chị nay nghỉ hưu rồi. “Bả” nói cả đời “bả” làm việc vất vả, thức khuya dậy sớm nên giờ “bả” được… toàn quyền tự do. Gần 3 tháng nay ngày nào chị cũng phải dậy sớm, đi chợ, mua đồ ăn sáng – trưa về bỏ tủ sẵn cho “bả”. 6 giờ tối tan sở cũng phóng như bay về nhà nấu cơm cho hai bà cháu. “Bả” tuyên bố rằng “bả” mất cả cuộc đời “làm osin” chăm sóc chồng chị, giờ vợ chồng chị phải có trách nhiệm lại với “bả”.
Nghe chị Hảo kể mà máu nóng dồn lên não. Tôi nói trong bức xúc:
– “Bả” muốn trả nợ thì cũng phải tìm đúng chủ nợ chứ? Chủ nợ của “bả” là con trai “bả” cơ mà? Sao nghỉ hưu rồi, nhiều thời gian rảnh rỗi mà lại làm tình làm tội con dâu đến vậy? Mà chị suýt phải hy sinh cả mạng sống đẻ cho “bả” thằng cháu nội xinh trai như thế, lẽ nào “bả” không biết thương con dâu nhiều hơn? (Ngày sinh cu Hải, chị Hảo bị băng huyết suýt chút nữa thì chết trên bàn mổ).
Chị Hảo cười trừ, trước khi ra về chị nói vọng lại với tôi:
– Con cháu nhà người ta, người ta thương chứ mình khác máu tanh lòng, ai mà thương? Con dâu muôn đời chỉ là con dâu thôi, cô ạ!
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi có bà chị họ lấy chồng cách nhà 20 cây số, hai vợ chồng anh chị thương nhau lắm. Anh “cưa” chị từ thời cấp 3, tới khi lên học xong Đại học, tốt nghiệp ra trường đi làm hai người mới tiến hành tổ chức đám cưới.
Chị xinh xắn, giỏi dang lại ngoan ngoãn nên ban đầu rất được lòng mẹ anh. Chỉ có điều sau khi “về chung một nhà”, mỗi lần thấy con trai bày tỏ tình cảm với con dâu trước mặt, dù chỉ đơn thuần là cái nắm tay hay ánh mắt trìu mến… Bà cũng ghen ghét ra mặt.
Có lần, vợ chồng tôi qua rủ vợ chồng anh chị đi đám cưới người bạn chung. Vì chiếc váy chị mặc quá dài, nên bước xuống cầu thang anh đưa tay đỡ váy cho chị. Mẹ anh nhìn thấy cảnh tượng đấy thì nói móc, nói mỉa:
– Tao rách ruột đẻ ra để mày làm việc lớn, chứ đâu phải để xách váy đàn bà?
Khuôn mặt trang điểm sáng ngời của chị bỗng chốc tối sầm. Anh thương vợ nhưng từ trước đến nay cũng chưa cãi mẹ bao giờ. Tới đám tiệc, chị uống say mèm…
Ôi, chuyện mẹ chồng nàng dâu!
4 giờ chiều, đang nấu cơm tối cho chồng, cho con thì có điện thoại của chị Hạnh. Đầu giây bên kia, giọng chị hớt hải:
– Cô Loan biết chỗ nào bán bột nghệ nguyên chất không? “Bà già chồng” chị độ này cứ kêu hoa mắt chóng mặt, thiếu máu nên chị tính tìm mua bột nghệ viên mật ong cho bà uống.
Mẹ chồng chị Hạnh vốn nổi tiếng khó tính, ở cái thị trấn này không ai là không nghe danh bà. Hai mươi năm chị Hạnh về làm dâu thì phải đến 18 năm, chị ăn cơm chan nước mắt chỉ vì tội… nghèo.
Xưa, gia đình bố mẹ đẻ chị Hạnh thuộc dạng nghèo nhất nhì xóm. Chính vì vậy, ngay từ lúc bắt đầu biết nhận thức chị Hạnh đã quyết tâm học thật giỏi, nhằm sau này thoát nghèo. Chị Hạnh và anh Tâm yêu nhau hơn 3 năm nhưng vì ngại ngùng, chưa bao giờ chị dám tới nhà anh. Đến ngày anh Tâm cầu hôn, dẫn bạn gái về ra mắt chị mới tá hỏa, không ngờ nhà anh giàu đến thế. Chị đã định từ bỏ mối tình này, vì biết hoàn cảnh không tương xứng nhưng anh Tâm đòi tự tử đủ kiểu, khiến chị không thể nào rời bỏ anh.
Về làm dâu nhà giàu, chị Hạnh “biết thân biết phận” chăm chỉ lắm, nhưng dường như mẹ chồng chị chưa bao giờ hài lòng. Mỗi lần các con xích mích, thay vì đứng ra khuyên bảo mẹ chồng lại “đổ thêm dầu” vào lửa khiến anh chị cãi nhau to hơn. 20 năm trôi qua, giờ bà Thoan – mẹ chồng chị tóc cũng bạc phủ mái đầu. Bà lại thêm cái bệnh thấp khớp nên chẳng đi được đến đâu, hầu như quanh năm suốt tháng chỉ chống gậy quanh quẩn trong nhà. Càng già, càng bệnh bà mẹ chồng lại càng cáu kỉnh, khó chiều…
Sau khi chỉ cho chị Hạnh chỗ bán bột nghệ tốt, tôi trêu chị:
– Ngày xưa bác Thoan đối xử với chị tệ bạc như thế, giờ bà ấy già rồi, chị để cho con cháu ruột thịt của bà ấy lo. Sao chị cứ phải “ôm rơm rặm bụng” vậy nhỉ?
Chị Hạnh thở dài, nói bằng giọng yếu ớt:
– Mẹ chồng kiếp này hình như là chủ nợ kiếp trước của con dâu hay sao ấy, cô ạ. Ngày xưa bà đối xử với mình cay nghiệt như thế, nhưng giờ nhìn người ta già cả, mình lại thương xót, chẳng nỡ lòng nào tệ bạc.
Mải “buôn chuyện” với chị Hạnh, tôi không để ý làm cháy đen nồi cá kho trên bếp. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí không phải sợ chồng, sợ con không có đồ ăn mà là… sợ mẹ chồng la mắng. Bình tĩnh lại tôi vôi vàng xả nước, ngâm nồi. Ngày mai mẹ chồng đi du lịch về rồi, chắc vẫn kịp.
Có lẽ chị Hạnh nói đúng, mẹ chồng kiếp này là chủ nợ kiếp trước của con dâu…
Ôi, chuyện mẹ chồng nàng dâu!