Sinh con, ai cũng muốn nuôi dưỡng con cái mình phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần. Không ai muốn con mình trở thành đứa trẻ hư, thế nhưng trong một vài trường hợp chỉ vì giáo dục sai cách, phụ huynh đã gián tiếp biến con cái mình trở thành “kẻ trộm”.
Để triệt tiêu tính “tắt mắt” của con ngay từ lúc nhỏ, trước tiên ba mẹ cần thay đổi bản thân mình, tránh những cách giáo dục “tưởng không hại mà hại không tưởng” dưới đây.
Bỏ qua khi trẻ “cầm nhầm” đồ
Khi bé bắt đầu đi nhà trẻ, ở đấy có nhiều đồ chơi, trẻ rất dễ “cầm nhầm” đồ chơi ở lớp hoặc của bạn về nhà. Có khi chỉ là con gấu bông, chiếc xe hơi tí hon hay miếng ráp hình… Nhưng nếu vì chúng không đáng giá mà ba mẹ dễ dàng bỏ qua hành động này, lần sau bé sẽ tưởng thói quen này hoàn toàn bình thường và tiếp tục… “cầm nhầm” đồ không phải của mình.
Gặp trường hợp này, ba mẹ không nên bỏ qua. Hãy nhắc nhở trẻ ngày mai khi đến lớp, mang đồ trả lại cho thầy cô giáo hoặc bạn bè, đúng chủ nhân của món đồ. Ngay từ bé, nếu được uốn nắn kĩ càng thì khi lớn lên, trẻ sẽ không có tính “tắt mắt” đó nữa.
Đánh mắng thậm tệ khi con lỡ “cầm nhầm”
Ngay cả khi bé lỡ trộm tiền của người thân, bạn bè… phụ huynh cũng không nên “dằn mặt” con bằng cách chửi bới, đánh đập thậm tệ. Trẻ con cũng có lòng tự trọng của bản thânc. Sự mềm mỏng, bao dung và chỉ dẫn đâu là cái sai, cái đúng của ba mẹ mới là yếu tốt thuyết phục khiến trẻ không tái phạm nữa.
Thái độ xử phạt của ba mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tính xấu của trẻ. Một đứa trẻ vì khiếp sợ ba mẹ chửi bới, đánh đập có thể vi phạm hôm nay, còn ngày mai thì chưa biết. Điều này cần được “đả thông tư tưởng”, không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ thì bất cứ khi nào dù là có cơ hội, cũng không lặp lại hành động tương tự.
Đồng lõa với trẻ
Mùa hè nóng nực, trẻ đi trên đường thấy vườn dưa hấu xanh mướt của bác nông dân liền “nhón” một hai quả về giải khát. Nhà hàng xóm liền kề có cây nhãn chĩa cành sang nhà mình, trẻ bứt một chùm về… ăn tráng miệng sau bữa cơm chiều… Chắc chắn, trong trường hợp này nhiều phụ huynh không những không nhận ra cái sai của con, mà còn “đồng lõa” với chúng. Sự vô tình này có thể được coi như hành động “tiếp tay”, để lần sau trẻ lại tiếp tục , thậm chí là trộm cắp lớn hơn.
Cha mẹ đã lo cho con thực sự đủ đầy?
Một trong những nguyên nhân đẫn dến việc trẻ ăn cắp vặt là do ba mẹ chưa lo cho con thực sự đủ đầy. Quanh năm suốt tháng ba mẹ không mua nổi cho bé một món đồ chơi? Việc lấy đồ của bạn tuy không tốt, nhưng chắc chắn thực tâm đứa trẻ cũng vô vàn áy náy khi hành động như vậy. Trẻ ao ước có một bộ quần áo đẹp, một chiếc kẹp tóc màu hồng lấp lánh. Trẻ thèm ăn trái cây, uống nước mía… Thế nhưng, những điều đó, cha mẹ đã chăm lo và đáp ứng đầy đủ cho con chưa, tự mỗi người hãy nhìn nhận lại nhé.
Ba mẹ ăn gian, trách sao con không ăn trộm?
Phụ huynh là tấm gương sáng nhất và tốt nhất để con cái noi theo. Thử tưởng tượng xem nhé: Một hôm bạn và bé đi chợ mua đồ, thay vì trả lại tiền thừa 10.000 ngàn đồng thì cô bán hàng lại trả nhầm 100.000 ngàn đồng. Bạn biết nhưng vẫn cố tình phớt lờ, sau đó còn tỏ vẻ “mừng như bắt được vàng”. Chứng kiến ba mẹ – người thân thiết nhất của mình hành động như vậy, trẻ coi đó là điều như một chiến tích và ắt hẳn sẽ… học tập theo. Ba mẹ ăn gian, trách sao con không ăn trộm? Nhân cách của trẻ hình thành không ở đâu xa mà ở ngay bố mẹ. Bố mẹ có tốt thì con cái mới tốt được.