Thanh Hóa báo cáo nóng vụ bạo hành trẻ
Hôm 10/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, đơn vị có thẩm quyền vừa đình chỉ công tác đối với giáo viên Ngô Thị Thùy Linh (trường Mầm non Thanh Xuân Nam (thành phố Thanh Hóa) vì hành vi đánh học sinh thâm tím đùi.
Ông Lựu thông tin vụ việc: “Ngày 09/02/2017, tại trường Mầm non Thanh Xuân Nam xảy ra vụ việc cháu Phạm Thị Thu Phương (lớp Mầm non 3), bị cô giáo dùng đũa gỗ đánh vào chân. Cụ thể:
Vào hồi 16h ngày 09/02/2017, cô giáo Ngô Thị Thùy Linh- sinh năm 1989 ở số nhà 133 Trần Hưng Đạo – Phường Nam Ngạn thành phố Thanh Hóa, là giáo viên thử việc (thời gian thử việc đã được 1 tháng 12 ngày).
Cô giáo Linh đang thử việc tại lớp Mầm non 3 có bế cháu Phạm Thị Thu Phương – Sinh năm 2014 đi vệ sinh để cháu chuẩn bị tan học ra về (Cháu Phương vừa mới nhập học được 4 ngày).
Chân bé Phương sau khi bị cô đánh.
Theo giải trình của cô Linh, khi đưa cháu vào nhà vệ sinh, cháu Phương không đi vệ sinh mà đạp vào bụng cô giáo, vì vậy cô Linh đã lấy đũa đánh vào 2 bên đùi cháu.
Vào khoảng 16h40 cùng ngày bà nội của cháu đến đón cháu Phương; trên đường về nhà cháu la đau chân, về thay quần áo cho cháu bà thấy một số vết lằn, thâm ở đùi, bà đưa cháu đến trường để nhà trường làm rõ sự việc thì biết cháu bị cô Linh dùng đũa ăn cơm để đánh cháu.
Sau đó bà nội cháu cùng gia đình đã báo cáo sự việc đến các cơ quan chức năng để giải quyết.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng giáo dục, Công an thành phố và các đơn vị, cá nhân liên quan khẩn trương làm việc ngay trong chiều và đêm ngày 09/02/2017 tại trường Mầm non Thanh Xuân Nam. Biên bản làm việc đã ghi nhận sự việc giáo viên dùng đũa đánh vào chân cháu học sinh là có thật.
Cũng trong chiều ngày 09/02/2017, UBND thành phố chỉ đạo nhà trường cùng với gia đình đưa cháu Phương đi khám tại bệnh viện Nhi. Kết quả khám bước đầu cho thấy chân cháu có các vết lằn roi, không bị tổn trương bên trong”, ông Lựu cho biết.
Cũng liên quan tới sự việc nói trên, sáng 10/2, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã có chỉ đạo nóng nhằm chấn chỉnh hoạt động giáo dục đối với các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
“Qua sự việc nói trên, Chủ tịch UBND thành phố nghiêm khắc phê bình Hội đồng quản trị và cán bộ quản lý trường Mầm non Thanh Xuân Nam, trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động giáo dục của nhà trường đã để xảy ra việc bạo hành trẻ em, vi phạm các quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và vi phạm các quy định của pháp luật.
Yêu cầu nhà trường tích cực phối hợp với gia đình và các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, theo dõi sức khỏe của cháu Phương đồng thời phải quán triệt tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, hoạt động giáo dục theo đúng quy định của Ngành và pháp luật.
Đối với cô giáo Ngô Thị Thùy Linh, trước mắt, yêu cầu nhà trường tạm thời đình chỉ công tác, chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Chỉ đạo các nhà trường Mầm non, phổ thông và các cơ sở giáo dục trên địa bàn rút kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tuân thủ các quy định của Pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo trường Mầm non Thanh Xuân Nam xử lý, khắc phục hậu quả vụ việc nêu trên.
Đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục Mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố:
Tổ chức nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng, Nhà nước, các Bộ và ngành giáo dục để thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục, nuôi dưỡng trẻ.
Xây dựng nội quy, quy chế làm việc, quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên trong trường để thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung giáo dục.
Đối với các trường, cơ sở giáo dục tư thục, phải nghiêm túc tuyển chọn giáo viên, nhân viên đủ bằng cấp, có đạo đức nghề nghiệp và làm hợp đồng, cam kết trước khi thực hiện nhiệm vụ được giao….”, văn bản số 422/UBND-GDĐT hôm 10/2 nêu rõ.
Đạo đức, năng lực giáo viên yếu kém
Những câu chuyện về bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp tại các cơ sở giáo dục Mầm non, đặc biệt là các trường Mầm non tư thục trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Bên cạnh đó, không ít các luật sư, chuyên gia giáo dục đề nghị truy trách nhiệm hình sự những giáo viên có hành vi nói trên.
Bình luận về sự việc này, hôm 10/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là những hành vi bạo lực gây bức xúc cho xã hội, đặc biệt là những bậc làm cha, làm mẹ.
Do đó, cần phải lên án mạnh mẽ những giáo viên thiếu năng lực, đạo đức đã, đang công tác trong ngành giáo dục.
“Phải khẳng định, những người đó không đủ tư cách phẩm chất đạo đức, năng lực để làm thầy, cô giáo dạy trẻ. Trẻ con, mỗi em có mỗi tính cách khác nhau, không thể áp đặt tâm lý cá nhân của người dạy đối với quy luật phát triển tâm lý của trẻ em. Cách làm máy móc này dẫn đến những hành vi thô bạo đối với trẻ em. Cứ bạo hành trẻ thế này, có cho thêm tiền phụ huynh cũng không dám đưa trẻ tới trường học”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng để xảy ra những vụ bạo hành trẻ em, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục Mầm non tư thục có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo yếu kém, chưa bài bản, tuyển dụng bát nháo.
“Trong thời gian vừa qua, giáo viên mầm non đang thiếu ở nhiều tỉnh vì ngành giáo dục chưa có kế hoạch đào tạo kịp thời để đáp ứng được nhu cầu. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đã tiếp nhận, tuyển dụng những giáo viên chưa đủ trình độ, năng lực, trình độ. Các giáo viên này chắc chắn là những người không được đào tạo bài bản, cho nên họ không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Một khi người giáo viên không hiểu được tâm lý trẻ con, không có phương pháp dạy trẻ thì chuyện bạo lực đối với học sinh rất dễ xảy ra”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích.
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về lâu về dài, ngành giáo dục phải có kế hoạch đào tạo giáo viên Mầm non đủ về số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu cho công tác dạy và học.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hệ thống giáo dục Mầm non trên cả nước. Thực hiện rà soát tổn thể các cơ sở giáo dục Mầm non, kiên quyết đình chỉ, hoặc giải thể các cơ sở giáo dục kém chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu giáo dục. “Phải có chế tài buộc các cơ sở giáo dục tuyển dụng các giáo viên được đào tạo bài bản, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực nói trên”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích thêm, phần lớn các hành vi bạo lực trẻ em xảy ra, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục tư thục là do giáo viên đã không được đào tạo bài bản từ kỹ năng sư phạm cho đến đạo đức nghề nghiệp.
“Nguyên tắc tại các trường tư thục phải chọn những người giỏi để làm việc thì ở nước ta lại ngược lại.
Nhiều khi các Hiệu trưởng nhà trường vì lợi nhuận mà thuê những giáo viên không đủ trình độ năng lực để làm việc, dẫn đến những hệ lụy khó lường trong việc giáo dục đào tạo.
Cách tổ chức quản lý nhà trường không sát sao cũng dẫn tới việc giáo viên muốn tự ý làm gì thì làm thậm chí là làm theo… bản năng.
Những hành vi bạo lực nói trên đã “khủng bố” trẻ em về mặt thể xác đến tinh thần. Đối với trẻ em, bất cứ tác động nào đều gây ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần của trẻ”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Tùng Lâm cho rằng, để tránh những tình trạng tương tự, các cơ sở giáo dục Mầm non cần phải cam kết về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…