Trước thực trạng nhà nhà, người người cho con đi học chữ, học tiếng anh từ rất sớm, có khi cho con học tiếng anh từ lúc mười mấy tháng tuổi… Theo quan điểm của chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm, điều này là sai lầm. Tuy không phản đối việc cho trẻ nhỏ học tiếng anh, nhưng quan trọng chính là cách học và độ tuổi học phù hợp. Đừng cố gắng ép con trở thành thiên tài. Dành thời gian yêu thương, quan sát, học cách lắng nghe và thấu hiểu con… mới là những thứ mà ba mẹ cần làm để giúp bé có được hành trang vững chắc nhất bước vào đời.
Cùng đọc nguyên văn bài viết dưới đây của chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm, để hiểu rõ hơn về cách nuôi dạy con của các bà mẹ thông thái nhé!
“Dạo này mọi người share nhau đủ thứ. Share nhau cho con học Monkey Junior – học tiếng Anh trên ipad từ mười mấy tháng. Share, học chữ sớm chưa đủ, bây giờ tới cái việc share nhau cái chuyện cho con bịt mắt đọc chữ hay phân biệt màu sắc… Tôi nói thật, tôi phản cảm và phản đối những chuyện như thế này vô cùng.
Nếu như tôi được dùng một từ thật sự để nói về những thứ này, tôi xin dùng từ “hư danh” và ” háo danh” để nói về tâm lý cho con đi học những thứ này. Nhưng thật lòng, mọi phụ huynh của chúng ta đều mong con giỏi, con thần đồng. Phụ huynh chúng ta bị ám ảnh việc ” mọi đứa trẻ đều là thiên tài” mà không hiểu gốc rễ của vấn đề, của chính câu nói này.
Tôi hiểu nhu cầu mong con giỏi giang, hoặc mong con phát huy được chính mình là nhu cầu đúng đắn của phụ huynh. Nhưng nhu cầu đó đang bị kẻ khác lợi dụng để kiếm tiền, biến nó thành ham muốn, thành thứ để khoe khoang con mình… Nhu cầu đó là có thật, và chính cái ham muốn đó phụ huynh đã biến con mình thành một thứ sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu chứng tỏ chính bản thân mình.
Không phải như thế hay sao khi phụ huynh nào cũng chăm chăm cho con học tiếng anh ngay từ sớm? Càng sớm càng tốt, mới lọt lòng càng hay. Không nghĩ một cách thấu đáo con mình ở đâu, làm gì, và học sớm như thế liệu có tốt? Tôi không phản đối chúng ta nên học ngoại ngữ, thậm chí phải học cả tư duy của người Tây vì dù sao họ văn minh hơn, họ tiến bộ hơn chúng ta về một số mặt nhất định. Nhưng bắt đầu từ lúc nào, và như thế nào thì cần xem lại.
Cho trẻ xem ipad suốt ngày, hoặc ít nhất là lấy lý do… cho con học tiếng anh để cho con tương tác với một thứ “không phải con người” và “không có cảm xúc hai chiều”. Với mong muốn con học được vài ba chữ tiếng Anh, đem khoe thiên hạ trong khi con mình thì thui chột cảm xúc thì thật là sai lầm. Còn bạn nói ráng tắm tiếng Anh cho con để con biết tiếng Anh sớm và nói tốt thì còn sai lầm hơn. Trẻ em thực sự học tốt khi con ít nhất được 4 – 5 tuổi chứ không phải từ mười mấy tháng. Vì lúc đó bộ não con đã tương đối, có thể tiếp nhận một ngôn ngữ mới và có khả năng phân biệt từ ngữ.
Trước đó bạn đưa bánh sinh nhật cho con, nói đây là “bánh sinh nhật” thì hôm sau bạn nói đây là bánh gato, đứa trẻ sẽ nói lại ngay” bánh sinh nhật ” mà? Về phát âm, con vẫn nói đớt đến 3-4 tuổi. Vậy không lẽ cả nhà bạn cũng nói đớt? Cố gắng cho con biết vài chữ đó để làm gì? Trong khi cái con cần biết chính là cả câu. Là một nền văn hóa và ngôn ngữ lẫn tư duy của họ?
Nếu con có biết mấy chữ đó rồi mà sau đó con không thực sự đọc nhiều, viết nhiều hay nghe nói thường xuyên thì liệu con có thực sự ” biết”?
Trong khi đó, đối với bộ não non nớt của các em, tất cả các học thuyết và thực tế đều cho thấy rằng, trẻ em học qua cảm xúc, qua giác quan, qua vật thật, qua tương tác với NGƯỜI chứ không phải máy hay thẻ!!!
Nhưng chúng ta bị đánh tráo khái niệm “thiên tài”. Phụ huynh bị đổ vào đầu cái khái niệm con mình là “thiên tài”, chắc chắn sẽ ưu tú trong một lĩnh vực nào đó rồi lao vào nào là học đọc sớm, viết sớm. Nào là bây giờ phát triển não trái, não phải, rồi thêm… não giữa. Phụ huynh không hiểu được gốc rễ vấn đề thì càng đi càng rối, càng dễ bị dẫn dắt vào mê cung “con mình là thiên tài” đó.
Càng ngày tâm càng không an, con được cái này thì muốn được thêm cái khác. Cái vòng luẩn quẩn được – mất đó nó cuốn mình đi, làm cho mình thực sự không còn biết mình là ai. Tại sao mình làm vậy, và làm vậy để làm gì nữa? Tất cả chỉ tập trung “khai thác” con, khai thác triệt để xem đứa trẻ của mình giỏi giang ra sao? Rồi kỳ vọng, áp đặt, đau khổ khi không được. Nếu được tí thì hể hả, nhưng sau đó lại thấy không đủ, thấy thiếu thốn, rồi lại cố gắng”được ” nhiều hơn, để rồi cuối cùng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn đó!
Tôi gọi đó là PHỤ HUYNH HAM MUỐN
Mà càng ham muốn thì tâm càng bất an!
Thật ra, tôi nói về nuôi con thuận tự nhiên không có yêu cầu phụ huynh ngừng mong muốn, chỉ cần mong muốn đó là chính đáng và hiểu biết.
Như thế nào là mong muốn hiểu biết?
Tôi nói về ” Nuôi dưỡng con thuận tự nhiên”
Tôi không nói điều này để bạn nghĩ rằng bạn cứ việc “thuận tự nhiên” là xong, bỏ mặc việc phát triển của đứa trẻ không phải là hành vi thuận tự nhiên. Cũng giống như việc chúng ta bị cảm xúc dẫn dat, khi giận thì đánh người, khi buồn thì tự tử, đó có phải là thuận tự nhiên?
Không phải, thuận tự nhiên là quan sát. Quan sát con, quan sát chính mình, quan sát thiên nhiên và vạn vật để rút ra những kết luận cho mình. Tại sao muốn thuận tự nhiên thì tâm phải an, phải bỏ đi ham muốn của mình chỉ để quan sát và lắng nghe? lắng nghe không phải chỉ bằng tai, mà bằng cả con người cả trái tim của mình.
Giống như việc sống cùng với bầu trời kia không phải để cho bạn ngửa mặt lên trời mà ngủ. Sống cùng với bầu trời bao la và vũ trụ vô cùng này, đòi hỏi bạn học hỏi rất nhiều, quan sát rất nhiều, khám phá rất nhiều, tư duy rất nhiều và sáng tạo vô cùng.
Để làm gì ? Để biết các mùa, để thưởng thức nó, để cùng sống hài hòa với nó và làm cho cả thiên nhiên lẫn con người tốt lên, đẹp lên và hài hòa hơn. Giống như việc bạn ở với đứa con mình. Nếu bạn coi con cũng là một vũ trụ thu nhỏ, có nghĩa là chắc chắn bạn không chắc tương lai trái đất này sẽ ra sao. Bạn chỉ có thể quan sát và dự đoán, nhưng bạn hoàn toàn sống hài hòa với nó, hiểu quy luật tự nhiên của nó, và làm cho nó đẹp hơn, hài hòa hơn.
Cũng như thế. Chúng ta không thể biết con mình có phải là thiên tài không, hay là một người bình thường? Chúng ta không biết ai đang đứng trước mặt mình cả. Chúng ta chỉ có thể, bằng một cách khoa học nhất, yêu thương nhất, chú tâm nhất, quan sát và khuyến khích cũng như tạo một môi trường tốt nhất cho đứa trẻ của mình. Để rồi trên vùng đất màu mỡ và yêu thương bạn chăm chút đó, bằng sự thấu hiểu và chăm sóc, bạn sẽ có một cái cây, dù là loại cây nào, cũng sẽ là một cây khỏe mạnh nhất.
Và khi học cách làm gương, học cách lắng nghe và thấu hiểu con cũng như lắng nghe thấu hiểu đời sống này, cách hành xử nhẹ nhàng và đầy trách nhiệm, vị tha, giúp đỡ và hiểu biết đó, bạn đang đi trên hành trình trưởng thành của chính mình.
Tâm an và thuận tự nhiên để đi trên con đường hạnh phúc cùng với con. Không phải là một con đường mà ta gào thét để con đi như ý mình, mà là dắt tay con. Có khi, để con chủ động dắt tay mình đi trên con đường đầy gian nan cũng như đầy hoa thơm cỏ lạ ấy. Để thấy hạnh phúc cùng con đơn giản chỉ là biết cùng đi trên một hành trình, hành trình đó cần sự tương kính, yêu thương và nâng đỡ nhau, chứ không phải chỉ một chiều.
Để hạnh phúc cùng con không phải là đích đến, mà là một con đường. Đừng biến con thành thần đồng, mà hãy cho con là một người hạnh phúc nhất vì được là chính mình.
Muốn được như thế không gì khác hơn là bớt đi sự ham muốn của mình chỉ để thực sự lắng nghe con, quan sát con, chơi cùng với con, chia sẻ với con và nâng đỡ con. Muốn là được điều đó bạn cần thay đổi chính mình, để trong mắt con bạn là người đáng tin cậy, là cây tùng cây bách, là người công bằng, bác ái, văn minh và đầy thấu hiểu, đầy vị tha cũng như sống chủ động chứ không bao giờ là một nạn nhân. Bạn làm được chưa?”