Mất mạng vì ăn cơm gạo lứt để chữa ung thư
Gạo lứt chưa được khoa học chứng minh có tác dụng chữa trị ung thư. (Ảnh minh họa)
Trong thực tế đã có không ít bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn đầu, nhưng từ chối phẫu thuật, hóa xạ trị để về nhà tự chữa bằng cách ăn gạo lứt, gạo dược liệu. Hai trong nhiều trường hợp chúng tôi muốn nhắc tới dưới đây sẽ là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã và đang có ý định chữa ung thư bằng gạo lứt muối mè, ăn gạo lứt thay cho các thực phẩm mỗi ngày.
Trường hợp 1
Mẹ chị Thu Yến ở Quảng Ninh được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Với tình trạng bệnh, bác sĩ khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật. Nhưng nghe lời đồn về “thần dược” gạo lứt trị dứt điểm ung thư, nên khi phát hiện bệnh, bà từ chối phẫu thuật để tự chữa bằng cách tập trung ăn cơm gạo lứt, uống nước gạo lứt hàng ngày. Đến khi thấy cơ thể ngày càng suy yếu, bà đến bệnh viện thì đã quá muộn.
Trường hợp 2
Ảnh minh họa
Trường hợp khác xảy ra ở Hưng Yên với một người đàn ông bị khối u ở đại tràng. Dù được các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật, tiến hành hóa trị để ngăn chặn sự phát triển của khối u, nhưng ông không đồng tình. Lần xem quảng cáo trên mạng về loại gạo thảo dược có thể chữa được các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa, ông quyết định ăn cơm gạo thảo dược nhiều tháng liền với hy vọng chữa khỏi bệnh.
Chỉ đến khi thấy cơn đau bụng ngày càng dữ dội và kéo dài, đại tiện khó khăn ông mới vào bệnh viện khám, lúc này khối u đã phát triển quá to chèn kín ống đại tràng. Sau đó, ông được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, nhưng cũng chỉ duy trì sự sống được vài tháng.
Thực hư chuyện ăn gạo lứt chữa ung thư
Không nên quá lạm dụng gạo lứt (Ảnh minh họa)
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về cây lúa cho rằng: Các loại gạo dược liệu (gạo lứt đen, gạo lứt đỏ…) có chứa nhiều dưỡng chất, vitamin rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà nó chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, gạo lứt là loại gạo chỉ xát lớp vỏ trấu ở ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong, nên vẫn giữ được hàm lượng chất xơ cũng như các dưỡng chất quan trọng khác như canxi, sắt, kẽm, vitamin. Trong gạo lứt có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là anthocyanin, hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý, có thể chống oxy hóa, phòng ngừa tình trạng xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh gạo lứt có khả năng phòng chống ung thư như lời đồn thổi.
Hãy ăn gạo lứt đúng cách
– Bạn không nên áp dụng phương pháp ăn gạo lứt “dài hạn”. Bởi lẽ, chỉ riêng gạo lứt sẽ không đủ đáp ứng yêu cầu về chất đạm và chất béo cần thiết cho các hoạt động khác của cơ thể.
– Mỗi tuần bạn chỉ cần ăn gạo lứt 2 – 3 lần để giải độc và duy trì sức đề kháng.
– Khi ăn gạo lứt chú ý nhai thật kỹ để hỗ trợ tiêu hóa.
Mẹ&Con mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm đáng tiếc vì quá tin lời đồn thổi.