Những tác dụng của gạo lứt với bầu:
* Giàu chất xơ: Gạo lứt là một trong những nguồn cung cấp chất xơ hàng đầu, giúp bà bầu giảm chứng táo bón hiệu quả và giảm lượng cholesterol xấu trong máu, chống xơ vữa động mạch. Thai phụ bị tiểu đường nên thay gạo thường bằng gạo lứt trong chế độ ăn, nhằm giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn.
* Giàu Selen: Đây là thành phần thiết yếu của một số quá trình trao đổi chất trong cơ thể, bao gồm cả hệ thống chống oxy hóa và hệ miễn dịch. Khoáng chất rất cần thiết cho sức khỏe này còn ngăn chặn các tế bào ung thư và tế bào không bình thường.
* Cung cấp các chất chống oxy hóa: Gạo lứt rất giàu mangan – khoáng chất góp phần giúp hệ thần kinh khỏe mạnh. Đây cũng là thành phần chính của một loại enzyme chống oxy hóa, rất có lợi cho cơ thể.
* Giảm lượng cholesterol xấu: Thực phẩm này đã được các nghiên cứu chứng minh rằng, sẽ làm giảm lượng cholesterol LDL (xấu), giúp bảo vệ sức khỏe cho mẹ và em bé trong bụng.
* Giàu dưỡng chất hơn nhiều so với gạo trắng: Gạo lứt đặc biệt tốt cho các thai phụ. Vì so với gạo trắng thông thường, chúng chứa nguồn dinh dưỡng rất dồi dào: nhiều đạm hơn 30 lần, nhiều vitamin B1 hơn 4 lần, chất béo hơn 3 lần, vitamin B5 3 lần…
Các món ăn ngon từ gạo lứt:
Cơm lứt cuốn rong biển
Thành phần:
Gạo lứt trắng: 200 gam, muối hầm: 1/3 thìa cà phê, mơ muối: 1 quả hoặc vài giọt dấm mơ muối, tía tô rắc cơm (tía tô ngâm nước mơ muối và đem phơi khô tán bột): 2 thìa cà phê. Hoặc có thể dùng lá tía tô tươi, rong biển nori sấy khô: hai lá to, Ca-la-thầu (củ cải dầm tương): 15 gam.
Cách chế biến:
Gạo lứt trắng, mơ muối (xé nhỏ), muối hầm ngâm trong 1 lít nước khoảng 3 tiếng, rồi nấu như bình thường. Có thể nấu nồi cơm điện, hoặc tốt nhất là nấu cách thuỷ, hạt cơm sẽ dẻo và căng tròn như xôi. Nắm cơm thành những nắm nhỏ, cho thêm vài miếng ca-la-thầu làm nhân. Lăn nắm cơm qua “tía tô rắc cơm”, hoặc có thể lấy lá tía tô tươi đem băm vụn, rồi rắc lên bề mặt nắm cơm. Rong biển cắt thành miếng dài vừa đủ để cuộn cơm, cuộn chặt tay.
Cháo gạo lứt
Thành phần:
Gạo lứt đỏ: 200 gam, đậu đỏ: 15 gam, rong biển Phổ tai: 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay, mơ muối: 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm), nghệ hoặc bột nghệ: chút bột nghệ bằng hạt ngô, 10 hạt sen tươi hoặc 5 gam sen khô, muối hầm: 1/2 thìa cà phê.
Cách chế biến:
Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch. Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo. Cho gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, phổ tai, mơ muối (cắt nhỏ), bột nghệ, muối hầm ngâm với 1 lít nước trong nồi áp suất khoảng 20 phút, tắt bếp, để nửa tiếng sau đun tiếp lần 2 trong 20 phút. Có thể lấy cơm lứt nấu thành cháo rất ngon và nhanh. Có thể cho thêm rau củ theo mùa vào thành món cháo thập cẩm. Khi cho rau củ thì không ninh ngay từ đầu vì sẽ bị nồng. Nên hầm hoặc luộc rau củ riêng rồi ninh cùng cháo khi đun lần 2. Có thể ăn kèm rau thơm, hành lá. Món cháo gạo lứt ăn rất hợp vị với ca-la-thầu (củ cải ngâm tương).