Nỗi lòng của phụ huynh có con bị “bệnh” lười…
Chị Thanh Mai (Q.Tân Bình) tâm sự: Con gái tôi 8 tuổi rồi, nhưng cứ hễ cứ đi học về là cháu lại “dán mắt” vào tivi. Tôi nói cháu xuống phụ mẹ nhặt rau, nấu cơm thì cháu than nhức đầu… nhưng khi mẹ cho vào phòng nghỉ, cháu nhất định không vào mà cứ nằm lì ở phòng khách xem phim.
Cùng thở dài ngao ngán như chị Mai, chị Hằng (Q.Tân Phú) chia sẻ: Năm lớp 2 con trai tôi được cô giáo nhận xét học rất khá môn tiếng Anh, thế nhưng vì chủ quan, lười biếng nên đi học về cháu không chịu ôn lại bài cũ mà chỉ thích chơi game. Kết quả cuối năm đó cháu từ hạng nhất rớt thê thảm xuống hạng 11 trong khi lớp chỉ có 22 học sinh.
Đó là nỗi lòng chung của nhiều ông bố bà mẹ có con “mắc bệnh” lười biếng. Vậy, nếu chẳng may con bạn cũng là một đứa trẻ lười biếng, bạn sẽ làm gì để “cai” tật xấu này của con?
Nếu con mình là một đứa trẻ lười biếng, bạn sẽ làm như thế nào? Ảnh minh họa
Như thế nào là một đứa trẻ lười biếng?
– Tác phong lề mề, uể oải
– Chỉ thích ngồi một chỗ, không thích vận động
– Hay trì hoãn và né tránh, “bịa” ra 1001 lý do để trốn tránh công việc
– Luôn xem thời gian còn dài, việc hôm nay không làm để ngày mai làm, “nước đến chân mới nhảy”.
Lười biếng ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của con?
– Trước mắt sẽ gây ra những mặt không tốt về thể chất như sức khỏe kém, tay chân không linh hoạt, chiều cao cân nặng phát triển kém cân đối.
– Giảm tư duy và mức độ thông minh, tầm hiểu biết bị thu hẹp.
– Tật lười biếng “ngấm sâu vào máu” lâu dần tạo thành thói quen khó sửa đổi, tương lai sẽ bị hạn chế hơn so với bạn bè…
Làm gì để cai tật lười biếng của con?
1. Thay vì nhắc nhở, nên yêu cầu con phải làm ngay
Phần lớn các ông bố bà mẹ ngày nay đều nuông chiều con quá mức, đây là lý do khiến nhiều bé trở nên lười biếng. Chẳng hạn nếu thấy con mải ngồi xem ti vi mà không chịu đi ngủ hay mải chơi mà không chịu làm bài tập về nhà… bố mẹ đều làm ngơ, phớt lờ cho qua đại loại như “Để con chơi một chút nữa rồi vào học bài cũng được” hoặc “Thôi! Cứ để con xem hết chương trình này rồi đi ngủ cũng chẳng sao”…
Thực chất khi đang say mê với thú vui riêng, không một đứa trẻ nào chịu để tâm và thực hiện lời người lớn nói. Vậy thì thay vì nhắc nhở một cách chung chung, hãy yêu cầu con đứng dậy tắt tivi, vào phòng ngủ ngay lập tức hoặc dừng ngay cuộc chơi và ngồi xuống bàn làm bài tập về nhà. Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp trẻ muốn hoàn thành công việc của mình nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ chúng trở nên ỷ lại, chây lười.
2. Giúp con lên kế hoạch công việc cụ thể
Hãy giúp bé lập một bảng kế hoạch cụ thể cho các công việc cần phải làm trong ngày/trong tuần. Ví dụ:
+ Thứ hai 7 giờ sáng tưới cây, 5 giờ chiều nhổ cỏ, 8 giờ tối làm bài tập về nhà.
+ Thứ ba 6 giờ sáng dậy tập thể dục, 5 giờ chiều thay nước cho bể cá, 7.30 tối đi đổ rác…
Bảng kế hoạch cụ thể này sẽ giúp bé không còn đường “viện cớ” lý do để thoái thác công việc. Như vậy, bé buộc lòng phải gạt bỏ thói quen lười biếng sang một bên để sắp xếp, hoàn thành công việc đã được giao. Không chỉ giúp trẻ vận động cơ thể, phương pháp này còn giúp bé học được cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.
3. Chia nhỏ công việc
Khi trẻ đã mang trong mình sẵn thói quen lười biếng, việc bạn giao cho con một khối lượng công việc lớn cần hoàn thành chỉ làm cho bé thêm… sợ hãi và tìm lý do thoái thác. Không chỉ ở trẻ em, ngay cả người lớn cũng có tâm trạng giống hệt như vậy đấy. Hãy chia nhỏ mục tiêu công việc, ví dụ để nhổ sạch cỏ trong vườn 20 m2 không thể làm trong một, hai ngày. Mỗi ngày con chỉ cần làm khoảng 2 m2 thì trong 10 ngày con đã có thể hoàn thành mục tiêu đề ra rồi.
Chia nhỏ công việc sẽ làm bé cảm thấy bớt áp lực, háo hức với việc làm không quá nặng nhọc được đưa ra.
4. Hạn chế những hành vi “châm ngòi” bệnh lười
Những hành vi… “châm ngòi” bệnh lười của bé ở đây chính là những thú vui, sở thích của bé như xem ti vi, chơi game, chơi búp bê… Có thể đưa ra một ví von sinh động như thế này: Bé và game cũng giống như dầu và lửa, chỉ gần gặp nhau sẽ “bùng phát” tức thì. Tăng cường các hoạt động tay chân sẽ giúp bé linh hoạt cả về thể chất lẫn tinh thần hoặc cho con theo học các lớp học, môn học đòi hỏi tính kiên nhẫn, chăm chỉ như giao tiếp Anh văn, các lớp học vẽ, múa, võ… Khi thói quen hoạt động được thiết lập trong tiềm thức, không cần đợi đến khi ba mẹ nhắc nhở trẻ cũng sẽ tự giác hoàn thành những công việc mình được giao.
Bé lười học dẫn đến kết quả giảm sút – Ảnh minh họa
5. Thực hiện cùng con
Làm việc một mình cũng là lý do khiến trẻ chán nản, không có động lực. Thay vì giao cho con hoàn thành nhiệm vụ nào đó, tại sao ba mẹ không bớt chút thời gian ngồi xuống cùng con hoàn thành chúng. Ví dụ: Con tưới cây thì ba sẽ tỉa lá, mẹ giặt đồ thì con sẽ phơi đồ… thậm chí trong thời gian làm việc chung với nhau những câu chuyện thân thiện, hài hước hay những lời lẽ phải trái, răn đe con được truyền tải “thật mà đùa, đùa mà thật” sẽ giúp khoảng cách giữa con và ba mẹ ngắn lại, tình cảm gia đình thêm gắn kết hơn.
6. Thưởng phạt phân minh
Không có sự thành công nào đạt được mà không nhờ đến kỷ luật. Tùy vào độ tuổi của bé mà mẹ có thể đưa ra những hình phạt khác nhau. Ví dụ: Khi con bày đồ chơi ra mà không chịu dọn dẹp, phạt không được chơi món đồ đó một tuần; ngủ dậy không chịu gấp chăn màn phạt tối đi ngủ không được đắp chăn… Nhờ những “kỷ luật thép” như vậy bé sẽ nâng cao tính tự giác, siêng năng, chăm chỉ hơn.
Khi đã chăm chỉ hoàn thành công việc, con cũng rất xứng đáng được nhận được món quà dành cho sự cố gắng, nỗ lực của mình. Dù nhỏ dù to, phần thưởng này cũng tăng thêm phần hào hứng và con bạn sẽ cảm thấy những việc mình làm không hề vô nghĩa hay do bị ép buộc phải làm.