Con gái tôi đang học lớp 4, cháu ngoan, học giỏi. Bản thân tôi công việc bận rộn nên sau giờ học, cháu chủ yếu chơi với người giúp việc và bạn bè trong xóm. Gần 2 tháng nay, tôi có thời gian ở nhà nhiều nên để ý thấy cháu chỉ quanh quẩn trong phòng, không đi chơi mà cũng không thấy bạn cháu tới nhà chơi như trước. Tôi gặng hỏi thì cháu trề môi nói: “Chơi với tụi nó chán lắm mẹ ơi”. Xong, cháu tuôn một tràng: “Người em B. hôi lắm, bạn H. bằng tuổi con mà khờ ghê, mở khóa điện thoại cũng không biết…”. Đem chuyện này trao đổi với chị giúp việc tôi càng sốc hơn khi chị bảo ngày nào cũng bị cháu chê: “Cô cứ mặc toàn đồ cũ như giẻ lau nhà. Cô nhà quê quá, cái này phải làm thế này…”. Chị giúp việc bảo đó cũng là lý do khiến chị và tụi nhỏ trong xóm không muốn lại gần cháu. Tuần rồi, có người bà con ở quê lên cho 2 con gà, tôi chưa kịp cảm ơn thì cháu đứng trên lầu nói vọng xuống: “Gà gì mà lông lá nhìn bẩn quá mẹ ơi” khiến tôi xấu hổ vô cùng. Khách về, tôi có đánh vào mông cháu nhưng cháu vừa khóc vừa nói: “Con thấy như vậy thì nói thôi, mẹ thật vô lý” khiến tôi lúng túng, chưa biết khuyên con như thế nào?
V.T.H (Bình Dương)
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Trẻ em thường học cách nhìn nhận vấn đề và đánh giá người khác thông qua việc bắt chước người lớn, bạn bè và môi trường xung quanh. Vì vậy, một đứa trẻ hay chê bai người khác có thể là do phản ứng gương soi, trẻ thường xuyên tiếp xúc với những người có thói quen chỉ trích, dèm pha người khác và dần dần trẻ cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra một số trẻ hay bị người lớn chê trách, bạn bè cười chê cũng có thể có khuynh hướng thích chê bai người khác.
Con gái chị vốn ngoan và học giỏi, vì vậy việc thích chê bai có thể là do cháu bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và chưa ý thức được hậu quả. Trong trường hợp này, chị không nên đánh mắng con mà cần bình tĩnh và tạo cơ hội để con bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình. Khi lắng nghe ý kiến của con, không chỉ trích hay lên án con, chị sẽ tìm hiểu được nguyên nhân vì sao con lại có những suy nghĩ tiêu cực về người khác và biết được bé bắt chước hành vi này từ đâu. Sau đó chị nhẹ nhàng phân tích và giải thích cho con hiểu việc người khác sẽ tổn thương như thế nào khi bị chê bai và nếu đặt mình vào vị trí của những người đó con sẽ cảm thấy như thế nào… Thông qua trò chuyện chị cũng giúp con khẳng định vai trò là người bạn lớn khi chơi cùng bé B, giúp bé B biết cách tắm rửa để cơ thể không có mùi; là người bạn tốt khi hướng dẫn bạn H cách sử dụng máy điện thoại… Chị cũng sẽ cùng con lý giải vấn đề và tìm ra những điểm tích cực của những người mà con không thích, chẳng hạn: “Gia đình cô giúp việc khó khăn lắm, cô ấy không mua quần áo mới vì muốn để dành tiền gởi về quê cho mẹ. Cô ấy thương mẹ lắm”. Thông qua những câu chuyện như vậy chị sẽ hướng con nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, đa chiều và giúp con biết đồng cảm, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn. Thông qua những sinh hoạt hàng ngày vợ chồng chị cũng hãy luôn làm gương cho con: Vun đắp tình hàng xóm, giúp đỡ những người xung quanh, cùng con đến thăm trại trẻ mồ côi, tham gia hoạt động cộng đồng… Ngoài ra, chị cũng đừng quên khéo léo lồng ghép những câu chuyện khác nhau để giúp con hiểu rằng cuộc sống rất đa dạng và con người không ai là hoàn hảo cả, vì vậy chúng ta cần tôn trọng và chấp nhận người khác thì chính chúng ta cũng sẽ được tôn trọng và được yêu thương.
Điều quan trọng là chị cần dành thời gian trò chuyện và làm bạn cùng con để dễ nắm bắt những thay đổi trong đời sống tâm lý của bé. Chỉ cần dành cho con thời gian chất lượng, mỗi ngày khoảng 30 phút đến một giờ, bạn sẽ kịp thời định hướng và uốn nắn những hành vi chưa phù hợp của con.
Theo sự tư vấn của Chuyên viên Tâm lý Vũ Cẩm Vân (Hội phó Hội quán Các bà mẹ TP.HCM)