Mẹ&Con - Bạn cảm thấy xấu hổ khi phát hiện con có thói quen “cầm nhầm” đồ của người khác và bạn chỉ muốn quát ngay cho con một trận để bé biết bé hư đến độ nào? Nhưng các mẹ ơi! Dù biết thói xấu đó của con luôn cần phải được “giáo dục” lại, nhưng việc mẹ mất bình tĩnh và dạy dỗ con bằng cách la mắng hay “đòn roi” thẳng tay chỉ làm cho bé cảm thấy xấu hổ vì chứ không giúp con hiểu ra vấn đề… Thủ tướng Đài Loan và “tâm thư dạy con” hết sức tuyệt vời 5 điều bạn nên dạy con gái Có nên dạy con bằng đòn roi?

Chị Như (Quận 4) chia sẻ: “Bé nhà tôi đang học lớp 4, tôi nhớ có lần đón con đi học về, thấy vẻ mặt con buồn bã nên tôi gặng hỏi lí do, bé nói nhỏ với tôi rằng bé bị mất cắp cây bút mực rất đẹp mà bố mua cho. Mặc dù thấy cũng tiếc lắm bởi vì cây bút đó khá đắt tiền nhưng tôi cũng khuyên con là thôi đừng buồn nữa và dắt con đi mua cây bút khác. Sau đó tôi cũng hỏi con là con có nói chuyện này cho cô giáo nghe chưa thì bé nói là bé đã mách với cô và nhờ cô tìm giúp. Hôm sau, cô giáo bé nói nói chuyện riêng với tôi là đã phát hiện ra có một bạn trong lớp đã cố ý “cầm nhầm” cây bút của con tôi. Cô giáo trẻ nói với tôi rằng, cô ấy đã nói nhỏ với bạn kia và yêu cầu bạn tự giác trả cây bút lại cho bé nhà tôi, cô giáo tâm sự với tôi rằng vì cô ấy mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ trẻ con, dù rất muốn la bé kia nhưng biết hoàn cảnh bé đó cũng không mấy khá giả nên cô đành thôi, tôi cũng tỏ ra đồng tình với cô giáo vì tôi cùng làm mẹ, nên tôi rất hiểu cảm giác của một người mẹ nếu thấy con mình bị la mắng trước lớp thì rất xót con, nên tôi khuyên cô nên để chuyện này qua đi và không cần truy cứu nữa. Tôi thực sự không biết mình và cô giáo làm vậy có đúng không…?”

Khi bé có thói “cầm nhầm” đồ người khác 6

Dù còn nhỏ nhưng nhiều bé đã có thói quen lén lút – Ảnh minh họa

Bé hay “cầm nhầm” là do…

1/ Thích thì làm

Trẻ nhỏ hồn nhiên nên không biết điều chỉnh hành vi của mình, nhất là nếu không được dạy dỗ đến nơi đến chốn thì bé rất dễ “bạo gan” gây nên hậu quả lớn hơn chứ không riêng gì thói ăn cắp vặt. Nhiều khi chỉ đơn giản là thấy thích mắt một món đồ nào đó nên đánh liều “đem về” một phen. Tuy nhiên, nếu hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen cho đến lúc lớn. Vì vậy, mẹ cần chú ý và chấn chỉnh ngay khi biết được.

2/ Lỗi do cách dạy con

Phẩm chất và hành vi của một con người phần nhiều là do giáo dục mà nên. Vì vậy, khi hành vi của trẻ nhỏ có phần lệch lạc thì một phần là do sự giáo dục từ phía gia đình và nhà trường chưa được chuẩn mực. Không phải cứ bỏ mặc để bé tự lớn lên hay dùng đòn roi để răn dạy thì bé sẽ ngoan, mà điều quan trọng làm sao để trẻ tự thấy được khi bản thân lén lút lấy trộm đồ người khác có thể khiến người khác đánh giá mình không tốt.

3/ Muốn ganh đua

Một số bé vì muốn hơn thua với bạn về vật chất sẽ nảy sinh ý định “lấy lộn” đồ của người khác nhằm mục đích cho bạn bè thấy “ta cũng có”! Thông thường trẻ sẽ cảm thấy thua thiệt nếu như nhìn thấy bạn ấy hơn mình. Đó chính là biểu hiện của sự đố kỵ và ganh ghét. Với những bé có cá tính như vầy, mẹ cần nhiều thời gian để bù đắp tình thương và sự trân trọng để bé cảm thấy “đầy đủ” như ai và không cần phải so sánh hơn thua.

Khi bé có thói “cầm nhầm” đồ người khác 7

Bé khóc lóc khi bị phát hiện “cầm nhầm” đồ của người khác – Ảnh minh họa

Để trị thói hay “cầm nhầm” của bé, mẹ cần…

1/ Bù đắp tình thương

Đa phần sự lệch lạc trong tính cách và hành động là do bé không nhận được sự thương yêu, đùm bọc từ phía gia đình. Vì vậy, mẹ cần dành nhiều thời gian để nói chuyện và ăn cơm cùng con, để bé cảm nhận được hơi ấm gia đình, từ đó bé cảm thấy đầy đủ hơn, và không cần thiết phải “hơn thua” vật chất với chúng bạn mà sinh ra thói xấu. Hơn nữa, khi mẹ khỏa lấp được tình cảm trong lòng con bằng những hành động đầy thương yêu như: khích lệ con, an ủi con… thì tiếng nói của mẹ sẽ có hiệu lực hơn đối với bé, và mẹ sẽ dễ dàng bảo ban con và tự khắc bé chịu nghe lời mẹ.

2/ Khiến con tâm phục

Mẹ lỡ nhìn thấy con thò tay vào túi áo mẹ lấy đi ít tiền mua kem? Mẹ hãy giả vờ như không biết nhé! Sau đó, chờ lúc ăn cơm cùng con, hãy hỏi con “Con có muốn ăn kem không? Mẹ cho tiền?”. Tiếp theo mẹ hãy nói rằng “Con ngoan ngoãn nên mẹ sẽ cho con một phần quà!”. Với cách nói này, bé sẽ học cách thể hiện mong muốn của bản thân, và ngoan ngoãn để có được thứ bé muốn chứ không phải bằng cách lấy cắp.

3/ Nêu gương tốt

Những câu chuyện thực tế và không kém phần hấp dẫn sẽ lôi cuốn sự chú ý của bé và góp phần làm thay đổi hành vi của trẻ đấy, mẹ thử xem!

4/ Làm gương cho con nhỏ

Không hình ảnh nào chân thực và đầy sức hút hơn trong mắt bé bằng chính hình ảnh của người mẹ. Vậy nên điều bạn cần làm ngay bây giờ là cho bé thấy mẹ không thích xài đồ người khác khi họ chưa cho phép, không cố ý “cầm nhầm” để làm gương cho con. Tự khắc bé sẽ noi theo bạn và học tập thôi!

Khi bé có thói “cầm nhầm” đồ người khác 8

Để trị thói xấu này, trước hết ba mẹ hãy là người noi gương cho con nhỏ – Ảnh minh họa

Bí kíp “bỏ túi” cho mẹ!

Không làm ầm khi biết chuyện

Sẽ chẳng được gì khi mẹ cố la mắng và quát tháo con ngay chốn đông người khi biết chuyện bé “lấy nhầm” đồ người khác. Trẻ em rất dễ bị tổn thương nếu mẹ la bé, điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Trước nhất mẹ cần bình tĩnh và ngồi lại nói chuyện riêng với con để mẹ con hiểu nhau rồi từ từ dạy bảo là cách tốt nhất.

Không nói lại chuyện này cho người khác

Phụ nữ thường thích tỉ tê tâm sự mà nhất là chuyện trong nhà, điều này chắc không ai hiểu rõ hơn là phụ nữ chúng ta, đúng không các chị em? Tuy nhiên, nếu chuyện xấu của con mà bị người ngoài biết được, thì họ sẽ nhìn con bạn với ánh mắt khác, có thể họ sẽ không để con họ chơi với con bạn, hoặc tiện “miệng” đi rêu rao khắp xóm chuyện của bé, lúc đó bé nhà bạn sẽ xấu hổ biết bao.

Không khơi gợi chuyện cũ

Nếu sau một thời gian dài mà bé đã khắc phục được tính xấu đó, thì mẹ cũng nên quên đi nhé! Vì chỉ cần một lần lớn tiếng dạy dỗ con mà mẹ nhắc lại chuyện xấu của bé trước mặt bé, thì bé sẽ bị tổn thương đấy. Tuyệt đối không nên khơi gợi lại chuyện cũ, các mẹ nhớ nhé!

 

Tags:

Bài viết liên quan