Mẹ&Con - Có thêm một đứa con ra đời là niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ. Thế nhưng đối với các “anh, chị” còn đang ở tuổi mẫu giáo thì đây là một nỗi lo không nhỏ, có “anh, chị” còn cảm thấy sốc khi nghe tin vui đó.
Khi con len chuc

(Ảnh minh hoạ)

Hầu hết cha mẹ nào cũng nghĩ rằng, việc sinh thêm em bé chẳng tác động gì nhiều đến bé con của họ trong lúc này, đơn giản vì mọi sinh hoạt của bé vẫn chẳng có gì thay đổi, đi học, đi chơi, v.v.. Có cha mẹ còn đưa việc có em bé ra như một hình thức “hăm dọa” khi trẻ không nghe lời, như: “Mẹ của cu Tí sắp có em bé rồi, không còn thương cu Tí nữa đâu”, “Con mà không ngoan là bố với mẹ chơi với em, không chơi với con nữa”. Thế là hình ảnh về “em bé” đang lớn dần trong bụng mẹ trở thành nỗi lo cho trẻ mà người lớn không hề hay biết.

Mặc dù cha mẹ vẫn thương yêu bé như hồi nào đến giờ nhưng những câu nói đó đã tác động ngầm đến tâm lý của trẻ. Đối với bé, việc chấp nhận gia đình có thêm một thành viên đã khó, nay lại nghe nói thành viên mới này sắp “cướp” đi cả cha mẹ nữa, sao mà chịu được. Việc bé bị tổn thương trong trường hợp này là không tránh khỏi.

Điều gì gây ảnh hưởng đến tâm lý của bé?

Bé sẽ bị hụt hẫng nhiều khi nhà có thêm em, bởi nhiều nguyên nhân do chính cha mẹ “gây ra”, như:

  • Không còn nhiều thời gian cho bé: Có em bé, chắc chắn thời gian dành cho đứa con lớn của bạn sẽ ít đi. Tất cả mối quan tâm của cả hai vợ chồng đều dồn hết vào thành viên mới. Thay vì mỗi sáng được mẹ cho ăn, nay bé phải lầm lũi ăn một mình hoặc được người khác cho ăn.
  • Dễ gắt gỏng với con: Nếu như ngày trước bạn dỗ dành bé ngủ bằng cách đọc truyện cổ tích, hát, thì bây giờ bạn chỉ có thể nói với bé “Ngủ ngoan đi con!”; thậm chí, có khi bé quen thói nhõng nhẽo không chịu ngủ bạn còn gắt gỏng lớn tiếng với bé. Việc chăm hai bé con cùng lúc khiến bạn “suy giảm” khả năng kiên nhẫn, dịu dàng với con là điều rất dễ xảy ra.
  • Thay đổi thời gian biểu cuối tuần:Ngày trước, cứ cuối tuần là bé hí hửng vì được rong ruổi đi chơi, ăn uống cùng cha mẹ, thì giờ thói quen ấy không thể thực hiện nữa. Bé cảm thấy lạc lõng và không còn mong chờ ngày nghỉ.
  • Tiếng trẻ em khóc: Đối với bé, tiếng trẻ khóc cực kỳ khó chịu, nhất là khi đang ngủ, nghe tiếng khóc ré làm bé giật mình. Dần dà, bé đâm ra ghét thành viên mới kia, vì “Sao mình không khóc mà nó được mẹ yêu nhiều lại cứ khóc?”

Chuẩn bị tâm lý cho bé

Anh chị em trong nhà hòa hợp, gắn bó với nhau là điều bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn. Bé của bạn đôi khi không hoàn toàn ghét có em, mà có thể do bạn chưa chuẩn bị tinh thần trước cho bé đấy thôi. Bé cảm thấy khó hiểu là tại sao cha mẹ lại muốn có thêm em? Vì thế cha mẹ cần có “một bước” chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho bé.

Khi con len chuc

(Ảnh minh hoạ)

  • Chuẩn bị từ những ngày đầu: Ngay khi chuẩn bị có em bé, bạn cần nói cho trẻ biết trước. Điều này rất cần thiết vì bé có cảm giác đã được “báo trước” rồi nên không lấy gì làm bất ngờ nữa. Bạn cũng nói thêm về em bé trong tương lai để tạo ấn tượng trước về thành viên mới này cho bé.
  • Thắc mắc ngây ngô: Bé sẽ tò mò và có thể hỏi mẹ nhiều điều, việc của bạn là phải trả lời thật nghiêm túc với những giải thích hợp lý, dễ hiểu nhất cho con bạn. Nhất là khẳng định cho bé hiểu dù có em thì cha mẹ vẫn luôn yêu thương bé. Trong trường hợp này, việc làm đó của bạn giúp bé cảm thấy mình thật lớn và được mẹ tôn trọng.
  • Làm quen với cuộc sống tự lập: Bằng cách cho trẻ ngủ riêng, bạn vừa tập cho trẻ quen với việc mẹ có em bé, vừa giúp trẻ tập tính tự lập ngay từ nhỏ.
  • Cho trẻ làm quen trước với các em bé: Có thể trẻ chưa được nhìn thấy em bé ra làm sao, có đáng yêu hay không, vì thế bạn nên dắt con đến chơi nhà một vài người bạn của bạn có em bé mới sinh, như vậy bé sẽ đỡ ngỡ ngàng hơn khi tiếp xúc với em mình.
  • Giúp trẻ cảm nhận những gì đang diễn ra trong bụng mẹ: Trong lúc trò chuyện với con, bạn có thể cho bé sờ nhẹ vào bụng mình hoặc áp tai lên đó để nghe những cử động của em bé. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thân quen và thật thích thú với em bé trong bụng.
  • Cho trẻ cảm giác mình cũng rất quan trọng: Bạn  hãy hỏi ý kiến của trẻ về tất tần tật những việc liên quan đến em bé: đặt tên, mua sắm quần áo, nôi, v.v..

Ngọc Thủy

Lưu ý cho mẹ:

Trong thời điểm sắp được “lên chức” anh chị, bé rất cần sự quan tâm của mẹ, để khẳng định dù có em nhưng mẹ vẫn không hề bỏ rơi mình. Vì thế, dù có bận đến đâu, bạn cũng hãy cố gắng chú ý tới bé nhiều hơn, từ những chi tiết nhỏ nhất để bé yên tâm là có mẹ bên cạnh.

Với sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của cha mẹ trước và sau khi mẹ sinh, dần dần, bé sẽ quen với hoàn cảnh mới. Hàng ngày, hãy dành một ít thời gian chơi đùa cùng con, hoặc làm theo những yêu cầu ngộ nghĩnh của trẻ.

Tags:

Bài viết liên quan