“Để cho mẹ yên xem nào!”
Biết rằng bạn đang quá nhức đầu với lũ trẻ nghịch ngợm, nhưng vấn đề ở đây là khi bạn thường xuyên nói với các con mình “Để cho mẹ yên xem nào” hoặc “Đừng làm phiền mẹ”, “Mẹ đang bận lắm”… dần dần trong suy nghĩ của bé sẽ hình thành mẹ không muốn nói chuyện với con, mẹ không muốn gần gũi con. Có thể bạn không mấy bận tâm nhưng tình trạng này nếu kéo dài, sau này khi lớn lên bé sẽ có khoảng cách với mẹ, không thích gần gũi cũng như sẻ chia, tậm sự những điều xảy ra xung quanh mình.
Trong trường hợp này, bạn có thể “hoãn binh” bằng những câu nói kiểu như “Đợi mẹ một lát”. Câu nói này nghe êm tai rất nhiều so với sự từ chối thẳng thừng như trên đấy!
“Con đang làm cái quái gì thế?”
Việc thốt ra nhưng từ ngữ này sẽ tạo cho bé cảm giác điều mà mình vừa làm là nguy hiểm, xấu xa lắm… Một cách giải quyết thông minh hơn, đó xoay chuyển tình huống kiểu: “Bạn Na sẽ buồn lắm nếu biết con nói với mọi người rằng không nên chơi với bạn ấy”. Cách này sẽ giúp bé nhận ra hành động mình vừa làm có “vấn đề”, cần được khắc phục và sửa chữa.
Không nên dùng những từ ngữ này nếu bạn có con nhỏ – Ảnh minh họa
“Đừng khóc nữa mà”
Khi bé đang gặp một rắc rối nào đó, nói nhưng câu “vô dụng” như “Đừng khóc nữa” chẳng có tác dụng gì cả. Đặc biệt là những bé mới biết đi, chúng thường chỉ cảm nhận được trạng thái an ủi qua hành động mà còn quá nhỏ để có thể hiểu thông qua lời nói. Thay vì nói những câu nhạt “Đừng khóc nữa mà”, hãy cùng bé đối mặt với sự thật: “Có phải con đang rất buồn khi Nam không chơi với con nữa?” Bằng cách đồng cảm với cảm xúc của con, bạn sẽ thấy được rằng bé ít khóc hơn, thay vào đó là trải lòng để chia sẻ với bạn về những khó khăn mình gặp phải.
“Tại sao con không được giỏi như bạn Nhiên cùng lớp?”
Với tần suất “lâu lâu một lần”, câu nói này có thể là động lực thúc đẩy bé phấn đấu hơn sao cho bằng. Nhưng nếu nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì vô tình sự so sánh ấy sẽ gây phản tác dụng, làm suy yếu tự tin của con mình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với tính cách và năng lực khác nhau nên cũng sẽ có những điểm tốt xấu khác nhau.
“Dừng ngay lại, nếu không mẹ sẽ đánh con”
Đe dọa thường là sự thất vọng của ba mẹ, điều này rất hiếm khi có hiệu quả. Những câu đe dọa nằm lòng của các ông bố bà mẹ như: “Nếu con còn làm như thế một lần nữa, mẹ sẽ đánh con!”. Nếu chỉ đe dọa mà không thực hiện, bé sẽ “coi thường” và không còn sợ sự uy nghiêm của bạn nữa đâu đấy!
Không nên đe dọa con bằng những cách… lãng xẹt – Ảnh minh họa
“Đợi ba về nhà mẹ sẽ mách ba”
Cách xử lý tình huống này không những không hiệu quả mà nó còn góp phần làm pha loãng kỷ luật hơn. Muốn răn dạy bé, cần “xử lý” ngay tức khắc những hành động sai trái mà bé vừa làm, bởi vì trong thời gian đợi ba về nhà để “méc”, rất có thể con bạn đã quên đi mất những điều bé vừa làm sai. Nếu chồng bạn là một người nóng tính, cách xử lý này sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho bé vì sự trừng phạt của ba có thể sẽ còn tồi tệ hơn “tội danh” mà bé xứng đáng bị phạt.
Sự trừng phạt của ba sẽ nguy hiểm hơn nhiều nếu đó là một người nóng tính – Ảnh minh họa
Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác cũng chính là điều làm suy yếu quyền lực của bạn. Bé sẽ nghĩ rằng “Mình chỉ sợ ba, không cần sợ mẹ!” Điều này, hoàn toàn không nên áp dụng với trẻ nhỏ, mẹ nhé!
“Con của mẹ giỏi nhất trên đời”
Điều gì sẽ xảy ra đối với những lời khen ngợi ấy? Nếu ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng khuyến khích tinh thần con. Nhưng nếu nó ở mức độ thoải mái và bừa bãi, tung hô con mình quá đà sẽ làm cho bé “ảo tưởng” về bản thân, trở nên chảnh chọe. kiêu ngạo. Hãy để dành lời khen và chỉ trao cho con khi bé thực sự cố gắng, nỗ lực.