Rõ ràng chuyện học tập của con không chỉ khoán hoàn toàn cho gia sư là có thể giải quyết được ngọn ngành mà phải cần bố mẹ đích thân vào cuộc.
1. Thay đổi từ tư duy của bố mẹ
Bé tự giác học tập mà không cần gia sư bên cạnh
Ngay từ đầu, bạn nên xác định rõ đâu mới thực sự là mục tiêu lâu dài trên bước đường học tập của bé. Có như vậy bạn sẽ biết mình có nên thuê gia sư cho con hay không. Bởi lẽ bạn sẽ phải đầu tư lớn cả về tiền bạc lẫn thời gian để con có thể tiến bộ hơn dưới sự kèm cặp của một gia sư. Chưa kể, bạn không thể chắc chắn gia sư bạn thuê sẽ phù hợp với bé và có khả năng đi đến cùng với mục tiêu lâu dài của bé. Chính vì vậy, cách tốt nhất, hãy dạy cho con biết tự giác ngồi vào bàn học mà không cần quá nhiều tác động từ người khác. Việc của bạn chỉ là ở ngoài và kiểm tra bài vở của bé để đảm bảo bé không sai sót trong các phép tính hoặc hiểu sai ý trong một bài văn nào đó. Hãy tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi con bạn có thể tự ý thức về chuyện học tập của chính mình.
2. Tạo ra môi trường học tập thích hợp
Trẻ nhỏ rất dễ bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài nhất là khi bé đã phải vùi đầu vào sách vở suốt một ngày dài. Nếu có thể, bạn hãy tạo cho bé có được không gian học tập của riêng mình. Đó có thể là một góc yên tĩnh trong nhà hoặc một phòng dành riêng cho bé. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhốt bé trong bốn bức tường mà chỉ cần cách biệt những âm thanh ồn ào như tiếng chó sủa, tiếng trẻ con khóc, chuông điện thoại hay âm thanh phát ra từ chiếc ti-vi.
3. Thiết lập một thói quen
Trẻ em rất dễ hình thành thói quen và phát triển nó như một phần không thể thiếu trong các hoạt động thường nhật của mình. Hiểu được điều này, bạn nên thiết lập cho bé một thời gian biểu trong ngày, trong đó có quỹ thời gian dành cho việc học, vui chơi và nghỉ ngơi. Theo kinh nghiệm của nhiều bố mẹ, nếu ngay từ đầu bạn không rèn con theo một lịch trình sinh hoạt cụ thể, các thói quen sinh hoạt của bé chắc chắn sẽ bị đảo lộn.
Thông thường, bố mẹ luôn xếp giờ học thêm ở nhà của con vào mỗi buổi tối, sau bữa cơm chung của gia đình để bé có thêm thời gian thư giãn.
4. Hãy cho bé cơ hội được sáng tạo
Bé cần thực hành những lý thuyết học được
Bài giảng trên lớp và bài tập có thể rất nhàm chán với bé nhất là khi giáo viên không thể truyền đạt được niềm thích thú với môn học cho bé. Chính vì vậy, việc giúp bé lấy lại cảm hứng và sáng tạo nhiều hơn với môn học nào đó là nhiệm vụ mà bố mẹ phải đảm nhận. Bạn có thể bày ra một trò chơi nào đó lấy ý tưởng từ bài học để giúp bé thêm yêu thích việc học. Nếu bạn không thể nghĩ ra, hãy tìm kiếm trên mạng, hỏi bạn bè hay hỏi kinh nghiệm của những thầy/ cô giáo khác.
5. Chuẩn bị bài thi cuối kỳ từ xa
Không như bài tập hàng ngày, bài thi luôn đòi hỏi các bé có một kỹ năng học tập đặc biệt. Sau khi các bé đã hoàn tất bài tập ở trường, bạn nên cùng bé xem lại những kiến thức khác. Chẳng hạn, bạn có thể chia ra cụ thể: thứ hai – đọc, thứ ba – chính tả, thứ tư – toán học, thứ năm – tập làm văn và thứ sáu – xã hội.
Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng đồng hành cùng bé trong suốt hành trình học tập và trong mỗi kỳ thi quan trọng nhất. Như vậy, thay vì nhồi nhét bài vở vào mỗi cuối kỳ, con bạn sẽ dễ dàng rà soát và tổng hợp các kiến thức để bước vào kỳ thi một cách nhẹ nhàng nhất.
6. Tạo thời gian cho bé nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi sẽ giúp bé tái tạo năng lượng mới cho việc học
Việc học tập căng thẳng có thể khiến đầu óc trẻ trở nên quá tải và ngưng trệ. Vì thế, đừng nên cắm đầu chạy theo thành tích để bắt buộc con bằng được ai đó. Thay vì vậy, hãy cho phép trẻ được gác lại bài vở vào mỗi thứ sáu và vui chơi thỏa thích bên các bạn đồng trang lứa hoặc cùng cả nhà đi thực hiện một chuyến du lịch ngắn ngày. Bằng cách này, các bé sẽ dễ dàng tái tạo được năng lượng để tiếp tục chiến đấu với bài vở mà không một lời than vãn.
7. Cho bé học thêm từ cuộc sống
Phần lớn các thầy/ cô giáo chỉ cho bé những kiến thức trong sách vở mà quên rằng kỹ năng thực tế cùng những bài học từ thực tiễn từ cuộc sống mới có thể giúp bé kết nối được với thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ của bố mẹ là giúp bé có được sự liên kết thiết thực nhất từ lý thuyết đến thực hành. Chẳng hạn như dạy bé cách chia một quả cam thành những phần bằng nhau hay cách phân biệt một quả bầu với một quả bí… Thông qua những hoạt động trực quan như vậy bé sẽ nhanh chóng hiểu bài học của mình ở trên trường và thậm chí hiểu sâu hơn về vấn đề.
Hãy khuyến khích bé tiếp tục tìm hiểu vấn đề mình thấy vướng mắc mà không dựa hoàn toàn vào sự giúp đỡ từ người khác. Điều đó sẽ giúp bé sáng tỏ vấn đề và nhớ lâu hơn rất nhiều so với việc được người khác chỉ dạy. Đây cũng chính là cách học rất có lợi cho bé sau này khi lên các lớp trên.