1. Biết nói cảm ơn
Thật đơn giản! Bạn chỉ cần hướng dẫn con “Cảm ơn mẹ!” mỗi khi đưa cho bé bất cứ thứ gì, giúp con làm bất cứ việc gì. Nhiều mẹ nghĩ: “Trời, ai mà đi dạy trẻ… khách sáo dữ vậy!”. Không đúng! Thực tế khi con đã quen thuộc với câu cảm ơn đến mức xem đó như một phản xạ không thể thiếu, khi ra đường tiếp xúc với người khác, trẻ sẽ luôn nhận được lời ngợi khen.
2. Không chen ngang, nên “ra dấu”
Tập cho con không bao giờ chen ngang khi người lớn đang nói chuyện. Nếu bé có việc gì khẩn cấp cần “thông báo” với bạn, hai mẹ con hãy thỏa thuận một dấu hiệu gì đó. Chẳng hạn khi bé đưa tay lên và hướng về bạn, bạn hãy ngưng câu chuyện của mình, hỏi xem con cần gì. Biết cách không chen ngang, con sẽ được khen là lễ phép.
3. Trước khi vào phòng ai, con cần gõ cửa!
Hãy thực hành điều này với con ngay từ phòng ngủ của con và của ba mẹ. Ba tuổi, bé đã có thể hiểu “gõ cửa” là gì. Khi thấy mẹ luôn gõ cửa rồi mới vào phòng con, bé sẽ dần hiểu đây là việc không thể thiếu. Cũng nên hướng dẫn con khi sang nhà người lạ, đừng tự ý vào phòng người khác mà không được phép.
4. Luôn xin phép nếu muốn động vào đồ đạc của người khác
Có những đứa trẻ sang nhà người khác chơi lập tức chạy khắp nhà, động vào tất cả mọi thứ đồ đạc, đòi cái này cái kia để chơi. Thực tế, người lớn không rầy la vì ngại mất lòng với bạn, song không ai thấy thoải mái với một đứa trẻ tò mò lục lọi, chạm vào mọi thứ như vậy. Bạn nên hướng dẫn con từ chính nhà mình: Chỉ lấy đồ đạc của ba mẹ khi đã xin phép và được ba mẹ cho phép. Đừng để con tự ý thấy điện thoại, iPad, ví tiền, những hộp nữ trang trong phòng ba mẹ là tự ý lấy chơi mà không hỏi: “Mẹ ơi, cho con mượn điện thoại của mẹ một lúc có được không?”.
5. Ăn uống từ tốn, không phát ra tiếng
Ba tuổi, có thể con chưa làm thật tốt điều này, song bạn đã có thể thường xuyên nhắc nhở để con ý thức điều chỉnh từ từ. Ăn uống thong thả, không để đổ thức ăn, không húp soàn soạt, không nhai nhóp nhép ra tiếng. Điều chỉnh từ từ từng chút một, đến khoảng 7 tuổi, con bạn đã có thể ngồi cùng bàn tiệc với ba mẹ và khiến ba mẹ tự hào.
6. Không nói trổng không
Dạy con luôn có từ “Dạ” trước khi bắt đầu câu nói, câu trả lời. Dạy con luôn trả lời có chữ “Con” chứ không nói trổng không. Uốn nắn con mỗi khi thấy con trả lời chưa đúng một cách thật kiên nhẫn. Khen ngợi con thường xuyên khi con trả lời đúng cách. Dần dần, người lớn sẽ bất ngờ khi tiếp xúc với con bạn, thấy bé lúc nào cũng: “Dạ, con tên là Mina”, “Dạ, con ăn cơm rồi!”, “Dạ, con 4 tuổi!”…
7. Luôn đưa nhận bằng hai tay
Thật ra con chỉ cần đưa và nhận bằng hai tay với người lớn. Tuy nhiên, vì bạn dạy con điều này từ khi con mới 3 tuổi, có thể bé chưa phân biệt được “người lớn” và “người nhỏ” là thế nào nên hãy để bé áp dụng trong mọi trường hợp (điều đó chỉ tốt hơn thôi, vì đưa bằng hai tay sẽ vững vàng hơn, tránh làm rơi vỡ, kể cả khi bé đưa cho em nhỏ hơn mình). Biết đưa nhận bằng hai tay sẽ giúp con luôn nhận được lời ngợi khen từ người khác.
8. Dạy con xin lỗi
Dạy con xin lỗi khó hơn dạy con cảm ơn, vì ở tuổi lên 3, con chưa thật sự ý thức được hết những tình huống “phạm lỗi”. Tuy nhiên, khi con không ngoan, bạn nhắc nhở con và nên hướng dẫn con khoanh tay, nói: “Con xin lỗi mẹ!”. Bạn cũng nên “làm mẫu” cho con trong mọi trường hợp. Va phải con, hãy nói: “Ồ, mẹ xin lỗi!”. Đi siêu thị cùng con lỡ chạm vào người khác, hãy mỉm cười bảo: “Xin lỗi chị!”. Bé quan sát mẹ rất kỹ và sẽ học theo, thấm dần những câu xin lỗi. Đến khoảng 5 tuổi, con có thể phân biệt tình huống có lỗi và xin lỗi chủ động mà không cần chờ mẹ nhắc.
9. Dạy con không ngoáy mũi trước mặt người khác
Khi thấy con ngoáy mũi, hãy ngăn con lại và hỏi xem con có bị ngứa không, giúp “giải quyết” cho con. Sau đó, bạn hướng dẫn con khi ngứa mũi nên nói với mẹ, không nên ngoáy mũi trước mặt người khác vì như thế là “dơ”, “không vệ sinh”. Khi bé lớn thêm chút nữa, hướng dẫn thêm con nên che miệng khi ho, hắt hơi. Không nên xì mũi trước mặt người khác mà nên tránh ra chỗ khác hoặc vào toilet. Bạn xem, nếu được bạn hướng dẫn, bé sẽ áp dụng một cách hoàn hảo ngay khi còn ở tuổi mầm non.
10. Hướng dẫn con lau miệng trong khi ăn
Cài lên áo cho con một chiếc khăn tay, hoặc đặt lên đùi con một chiếc khăn ăn. Ngay cả khi con ăn bữa nhẹ, cũng luôn có khăn giấy xếp ngay ngắn bên cạnh. Hướng dẫn con thường xuyên lau miệng trong lúc ăn để tránh tình trạng “nhồm nhoàm”. Đây là một “kỹ năng giao tiếp” dành cho trẻ nhỏ mà con bạn cần biết. Khi đó, bé sẽ tham gia được vào mọi bữa ăn, bữa tiệc cùng người lớn đầy tự tin.
11. Biết khoanh tay chào khi đến hoặc về
Bạn có nhớ câu hát dành cho các bé mầm non: “Khi đi em hỏi, khi về em chào, miệng em chúm chím mẹ có yêu không nào” không nhỉ? Rõ ràng, chuyện đi thưa về trình cần được dạy từ tuổi lên 3 đấy nhé. Khi bé mới đến nhà người khác, hãy hướng dẫn con khoanh tay: “Con chào ông!”. Khi về, cũng hướng dẫn con: “Thưa ông con về!”. Nên nhắc nhở trẻ biết chào bố mẹ đi học mầm non và thưa gửi khi đi học về nhà. Một câu: “Thưa ba mẹ con đi học mới về!” nếu được bé ứng dụng thường xuyên thì bạn sẽ rất tự hào khi đến nhà người lạ, con luôn biết chào hỏi, thưa gửi khi đến cũng như khi về.
12. Mời và đợi người lớn ăn trước
Khoảng 3 tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé điều này. Lúc đó, bé không ăn riêng ở bàn ăn của bé nữa mà có thể chính thức “gia nhập” vào bữa ăn của gia đình. Hãy dạy con: “Con mời ba mẹ ăn cơm!”, chờ ba mẹ cầm đũa rồi con mới bắt đầu ăn. Có những đứa trẻ khi đến nhà người khác thì khiến bố mẹ hết sức hài lòng khi bé luôn biết mời rồi mới ăn. Một kỹ năn quan trọng để con bạn luôn được khen ngoan đấy!
13. Để giày dép ngay ngắn
Ồ, bạn sẽ bảo cần gì để ý mấy chuyện này! Thực tế khi một đứa trẻ bước vào nhà, nếu thấy bé cởi giày dép và tự xếp rất ngay ngắn trước khi vào, người khác không thể nào không thầm khen ngợi được. Đừng tưởng muốn con bạn được khen ngoan, được yêu mến thì phải làm những chuyện lớn lao. Biết ý tứ để dép ngay ngắn là động tác vô cùng đơn giản, chứng tỏ đứa trẻ được ba mẹ hướng dẫn, dạy bảo rất kỹ lưỡng về các kỹ năng giao tiếp.
14. Luôn nhiệt tình làm những việc được nhờ
Khách đến nhà, bạn bảo con: “Đi lấy cho mẹ bình nước trong tủ lạnh!”, bé liền ngúng nguẩy: “Mẹ đi đi… Con đang chơi mà!” hoặc “Nặng lắm, con không lấy được đâu!” (mặc dù bạn biết thừa con lấy được), lúc đó cho dù có nói ra hay không, nhưng khách cũng đã nhủ thầm trong lòng rằng bé chưa ngoan rồi đấy! Việc này còn đáng ngại hơn khi đến nhà người khác. Ông bà hoặc cô dì bảo cái gì, bé đây đẩy không chịu làm cái đó. Bạn có nghĩ mọi người sẽ khen bé ngoan, sẽ tấm tắc với bạn rằng bé thật lanh lợi, giỏi giang không?
Để bé làm được điều này, ở nhà bạn đừng nuông chiều con quá. Hãy cho con tham gia phụ giúp từng việc nhỏ và hướng dẫn để con luôn nhiệt tình làm các việc người khác nhờ. Hãy “nhờ” con thường xuyên, liên tục. Ví dụ bạn quét nhà thì bảo con: “Lấy dùm mẹ đồ hốt rác”. Khi bạn dọn cơm thì nhờ: “Con sắp chén đĩa ra bàn nhé”. Được mẹ nhờ thường xuyên, bé sẽ quen và sẽ nhiệt tình khi người lớn nhờ việc gì khác.
15. Dạy con biết “tự giới thiệu”
Những điều đơn giản nhất về con, bạn nên dạy con đối đáp thường xuyên. Ví dụ: Con tên gì, con bao nhiêu tuổi, ở nhà con là con thứ mấy, con có em không, em con tên gì, em trai hay gái, ba mẹ con tên gì, con học lớp nào, học trường nào…
Đây là những điều người lớn khi gặp bé rất hay hỏi. Những lúc đó, nếu đã quen thuộc với câu hỏi, bé sẽ biết “giao tiếp” rất nhuần nhuyễn, trả lời chính xác, khiến người lớn ai cũng tấm tắc khen. Ngược lại, khi không được mẹ dạy trước, bị bất ngờ, bé sẽ im thin thít, lắc đầu không trả lời. Tất nhiên chẳng ai “giận” bé vì điều đó, song cho bé “điểm cộng” thì chưa.