Mẹ&Con – Trong cuộc sống gia đình của mình, đôi khi bạn quên mất rằng các con cũng thế. Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác biệt. Thật khó để áp dụng cùng một phương pháp dạy cho hai đứa trẻ tính cách khác nhau.

Mẹ lưu ý!

Đừng nhầm lẫn cá tính với tật, thói quen. Ví dụ không thể nói một đứa trẻ có “tính” gọn gàng và một đứa trẻ có “tính” bừa bãi rồi mặc cho con bừa bãi. Đây vốn là thói quen có thể điều chỉnh.

Ngược lại, một bé thuộc típ nhạy cảm và một bé có tính “vô tư” là điều mà cha mẹ nên chấp nhận. Đó là cá tính bẩm sinh, rất khó (nếu không nói là không thể!) điều chỉnh bé vô tư thành nhạy cảm hay nhạy cảm thành vô tư được.

NHẬN DIỆN TÍNH CON

Ngay từ khi con được vài ngày tuổi, mẹ đã nhận ra con là một cá thể đặc biệt, độc lập, với những tính cách “độc quyền” rồi. Khoan nói đến chuyện bé trai và bé gái tính cách chắc chắn sẽ khác nhau, ngay cả hai đứa trẻ cùng giới tính, cùng là anh em hoặc chị em ruột, cùng một dòng máu, cùng trong môi trường giáo dục giống hệt nhau vẫn sẽ có những thiên tính khác nhau.

Bạn cần phải chấp nhận điều này ở con, để chọn lấy phương pháp giáo dục phù hợp nhất với tính cách của trẻ. Tuyệt đối không nên thấy đứa trẻ giống tính của mình thì thương hơn, thiên vị hơn, còn đứa trẻ khác tính cách của mình thì suốt ngày mang bé ra so sánh với anh chị, dè bỉu, đòi hỏi con thay đổi, thậm chí than vắn thở dài ngay trước mặt trẻ rằng: “Chả biết nó giống tính ai mà kỳ thế!”. Tất cả những lời nói vô tình đó của bạn có thể khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti, xa cách bố mẹ và cảm thấy không hài lòng về bản thân mình.

Đa phần trẻ có thể giống với tính cách của bố hoặc mẹ, nhưng vẫn có trường hợp trẻ hoàn toàn khác biệt tính cách mọi thành viên khác trong gia đình. Không sao cả! Bạn hãy biết rằng đã nói là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” thì cần tôn trọng điều đó. Bạn chỉ có thể uốn nắn khéo léo, định hướng cho con phát triển tính cách của mình theo chiều hướng thích hợp nhất mà thôi.

Có rất nhiều phân loại khác nhau về tính cách của trẻ. Ví dụ như trẻ nhạy cảm với trẻ “vô tư”. Bạn sẽ nhận ra có những bé dù mới “tí tì ti” nhưng lại rất dễ mủi lòng trước những câu chuyện, những bức tranh, những lời nói của người khác. Bé dễ tổn thương, dễ khóc, thích viết nhật ký từ rất sớm, rất thích đọc sách, nghe nhạc. Ngược lại, có những đứa trẻ vô tư thì dù đã lớn tướng rồi mà vẫn cứ… “tồ”.

Bé thoải mái ăn ngủ, chẳng bận tâm lo lắng chuyện gì. Mất một món đồ chơi yêu thích bé cũng dễ dàng quên ngay khi mẹ mua cho món mới. Bé mê truyện tranh, phim hoạt hình, thích những gì đơn giản, dễ hiểu. Bé khó lòng kiên nhẫn ngồi nghe bạn đọc hết một bài thơ hay sẽ ngủ say ngay trước khi bạn kết thúc màn “đọc truyện đêm khuya”.

Bạn hỏi: Vậy tính cách nào tốt hơn? Câu trả lời là: Không có cái nào “tốt hơn” ở đây cả! Mỗi tính cách đều có những ưu điểm tuyệt vời mà nếu khéo phát triển cho bé, bạn sẽ thấy bé rất dễ thành công với chính tính cách “thật” của mình. Đừng cố công cải tạo tính cách thiên bẩm của con. Thay vào đó, bạn nên nương theo và chọn cách giáo dục phù hợp.

Như trường hợp vừa nói trên, một đứa trẻ nhạy cảm nếu bị ba mẹ quát mắng: “Con dẹp cái kiểu đa cảm đó đi!” thì bé sẽ càng trầm tính, thấy không thể chia sẻ với ai, khép kín dần dần. Trong khi đó ngược lại, dù bạn thuộc mẫu người sôi động và chẳng hiểu lắm đến sự nhạy cảm của con, nhưng bạn biết khéo léo lắng nghe, khéo léo hướng con theo những ngành nghệ thuật như âm nhạc, văn học… có lúc bạn sẽ giật mình trước hàng loạt thành tích mà con sẽ mang về.

Con bạn thuộc nhóm nào?

Đây chỉ là gợi ý ứng xử cho bạn với những nhóm tính cách mang tính phổ biến, căn bản nhất. Và đừng quên rằng có một nguyên tắc đầu tiên, xuyên suốt: Dù con thuộc nhóm tính cách nào, thì bạn hãy tôn trọng con, lắng nghe con bằng trái tim mình. Bản năng người mẹ sẽ mách bảo cho bạn cách hiểu con nhanh nhất!

 1. Bé dễ bị kích động >< Bé bình tĩnh

Day con theo tinh cach

(Ảnh minh họa)

Bé dễ kích động thường dễ bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự bực tức, cáu giận. Bé sẵn sàng hét toáng lên khi có điều gì không vừa ý. Ngược lại, bé bình tĩnh có khả năng giấu bớt cảm xúc của mình, xử sự một cách có kiềm chế trong mọi trường hợp dù còn nhỏ tuổi.

>> Mẹ nên ứng xử:

– Sẽ thuận lợi cho mẹ nếu con thuộc nhóm trẻ có tính cách bình tĩnh thiên bẩm. Hãy biết rằng con bạn rất có “tư chất” để trở thành một người lãnh đạo giỏi sau này đấy.

– Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là thật bất lợi nếu con bạn thuộc nhóm trẻ dễ bị kích động. Hãy biết rằng tuy bạn “khó chịu” về điều này, nhưng thực tế bé thuộc nhóm này thường rất giàu cảm xúc, khá nghệ sĩ, dễ phát triển những năng khiếu nghệ thuật.

– Nên uốn nắn khéo cho bé dễ bị kích động bằng cách hạn chế tối đa quát tháo, to tiếng với con. Giúp bé kiểm soát tâm trạng bản thân bằng những phương pháp như dạy con hít thở mỗi khi mất bình tĩnh, tránh chiều con vô lí mỗi khi con mè nheo, để tránh từ tính cách bẩm sinh, trẻ biến hẳn thành một người sẵn sàng… hung hăng, gây hấn sau này.

2. Bé nhạy cảm >< Bé vô tư

Day con theo tinh cach

(Ảnh minh họa)

Bé nhạy cảm thường dễ xúc động và dễ tổn thương. Đôi khi bạn phát bực vì cái kiểu dễ “mít ướt” của con. Bạn lo lắng vì thấy con có vẻ quá non nớt, mong manh giữa cuộc sống nhiều thử thách này. Bé ít bạn, khó chơi một cách hòa đồng với mọi người nhưng nếu thân với ai thì thân rất lâu và có tình bạn sâu sắc.

Bé thường sống nội tâm và thích một mình. Ngược lại, bé vô tư thì nhiều bạn nhưng lại ít có bạn thân, bé thoải mái và ít kiên trì tập trung vào cái gì. Bé thích những gì nhanh gọn lẹ.

>> Mẹ nên ứng xử:

– Nhiều bà mẹ rất khó chịu với sự “đa cảm” của con mình. Nhưng hãy biết rằng trẻ nhạy cảm không hẳn là yếu đuối đâu nếu bạn trang bị thêm cho con những kỹ năng sống, giúp trẻ quyết đoán và cứng cỏi, tự tin lên dần. Nhạy cảm thực tế là một ưu điểm. Trẻ nhạy cảm thường có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, thơ ca… Bạn có thể hướng thử con theo những hướng đi này để bé có cơ hội bộc lộ cảm xúc của mình dễ dàng hơn.

– Với đứa con quá vô tư, mẹ có thể dần đặt ra những câu hỏi khơi gợi con quan sát nhiều hơn, chú ý đến người khác nhiều hơn. Ví dụ như có thể dạy con cách pha nước cam chuẩn bị cho ba lúc ba đi làm về, có thể hỏi bé: Con biết sao mẹ con mình pha nước cam cho ba không? Con để ý thấy ba về có mệt không?

Vô tư sẽ giúp bé dễ thấy thoải mái, ít chấp nhặt chuyện gì, những cũng dễ biến bé thành “vô tâm”. Vì vậy, bé cần một chút uốn nắn khéo léo từ mẹ đấy.

3. Bé dạn dĩ, cởi mở >< Bé rụt rè

Day con theo tinh cach 2

(Ảnh minh họa)

Đứa trẻ cởi mở rất dễ dàng trò chuyện, làm quen, đùa giỡn với mọi người xung quanh, kể cả với người lớn. Ngược lại, bé rụt rè thường có xu hướng thích quan sát mọi người, bẽn lẽn, hay ngần ngừ và không thoải mái khi rất nhiều người nhìn vào mình.

Tuy nhiên, bé lại vẫn thể hiện sự sâu sắc và khả năng quan sát rất xuất sắc với những hoạt động “hướng nội”. Ví dụ như bạn sẽ bất ngờ khi phát hiện ra một bức tranh của bé đẹp hơn bé “hướng ngoại” nhiều.

>> Mẹ nên ứng xử:

– Giúp bé dạn dĩ, cởi mở tiếp tục phát huy thế mạnh thiên bẩm của mình qua những sinh hoạt “hướng ngoại” lành mạnh. Chẳng hạn như cho bé sinh hoạt các đội nhóm múa hát. Bạn xem, con chẳng khó khăn gì hát trên sân khấu, với cả trăm bạn bè bên dưới.

– Cần để mắt đến bé. Vì đứa trẻ dạn dĩ, cởi mở thường cũng rất… hiếu động và chẳng ngần ngại gì với việc thử những điều mới mẻ. Bạn cần biết rằng thường thì bé dạn dĩ dễ chơi các trò “nghịch dại” hơn các bé rụt rè đấy nhé.

– Giúp bé rụt rè những kỹ năng căn bản để có thể làm quen, chào hỏi mọi người thay vì cứ… nấp sau lưng mẹ hoặc trốn lên phòng. Tuy nhiên, đừng ép buộc làm bé căng thẳng.

– Định hướng cho bé rụt rè phát triển cảm xúc thông qua các hoạt động hướng nội. Bạn đừng lo, thấy con có vẻ hơi “nhát” thế thôi chứ bé thường chín chắn và sâu sắc lắm.

 4. Bé linh hoạt >< Bé khó thích nghi

Day con theo tinh cach

(Ảnh minh họa)

Từ khi con còn rất nhỏ, bạn đã nhận ra thiên tính này. Đứa trẻ linh hoạt dễ dàng thích ứng với mọi thay đổi: Từ việc bạn đổi đủ kiểu quần áo khác nhau, đổi sữa, cho bé ăn dặm và đổi các món ăn, đến việc lớn như dễ dàng thích nghi với môi trường học mới, khi đổi thầy cô, khi đi chơi xa…

Ngược lại, bé khó thích nghi luôn cần mọi thứ quen thuộc, đúng “y boong” như sinh hoạt thường nhật. Khi có sự thay đổi, thậm chí bé bị sốt, ốm, ngủ mớ. Bạn rất chật vật với từng thay đổi nhỏ trong đời sống của con. Thậm chí, bé có thể buồn cả tháng liền khi bạn đổi một người giúp việc!

>> Mẹ nên ứng xử:

– Thường thì bà mẹ nào cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy con thuộc vào nhóm bé linh hoạt, dễ thích nghi. Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, bạn không nên tỏ ra thất vọng, bực dọc khi con thuộc nhóm trẻ khó thích nghi và bắt nhịp chậm hơn với từng thay đổi trong cuộc sống.

– Nếu như bạn muốn có một thay đổi nào đó với bé thuộc nhóm khó thích nghi, nên sớm tập cho con và trao đổi khéo léo với con. Ví dụ như khi gia đình đi chơi xa, hãy bàn với con từ đầu về những nơi mình sẽ đến, mình sẽ đi, cho bé mang theo những món đồ lặt vặt mà bé thích để giữ cho con cảm giác như đang được ở nhà.

Đừng cố biến một đứa trẻ hiếu động thành đứa trẻ trầm tĩnh. Tốt nhất hãy tìm các ưu khuyết điểm trong thiên tính của con để tìm cách gia tăng ưu điểm, giảm thiểu khuyết điểm.

Tags:

Bài viết liên quan