Tháng thứ 5, tháng quan trọng của con…
Thời điểm ăn dặm tốt nhất với bé đến lúc này vẫn được các bác sĩ dinh dưỡng thống nhất là khoảng 5-6 tháng tuổi. Bạn không nên cho bé ăn dặm sớm hơn vì có thể ảnh hưởng đến dạ dày của bé. Tuy nhiên, cũng không nên để trẻ đến 7-8 tháng tuổi mới ăn dặm vì lúc này, bé đã quá quen với việc bú sữa, khó chấp nhận các món ăn có mùi vị khác sữa. Bé cũng không quen với cách ăn bằng thìa, không có được phản xạ tập nhai nên chỉ cần thứ gì “đậm đặc” hơn sữa mẹ là bé đã “vất vả” với việc tiêu hóa rồi. Lúc đó, việc tập cho bé ăn dặm sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là cứ cứng nhắc đúng 5 tháng tuổi mới cho bé chuyển tiếp từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn dặm. Thực chất, bất cứ lúc nào sau tháng thứ 4 trở đi, khi bé có dấu hiệu “thòm thèm”, tò mò khi thấy người khác ăn gì, bạn đã có thể cho bé “thử nghiệm” bằng cách phết thử tí xíu nước canh, nước cháo loãng hoặc tí xíu trái cây nhuyễn lên môi bé. Một chút xíu nước đó (chỉ chừng 1 giọt) không thể nào gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé được. Nó cũng chưa có mục đích “ăn” mà chỉ là để bé hiểu rằng ngoài vị sữa mẹ, còn có những vị là lạ khác.
Đầu tháng thứ 5, bạn cũng không cần chuyển sang việc ăn dặm một cách quá vội vàng. Cơ bản “nhiệm vụ” của bạn lúc này chỉ bao gồm giúp bé quen với việc ăn bằng muỗng thay vì động tác mút (bú mẹ, bú bình) như xưa, giúp bé quen với những thức ăn có độ đặc hơn sữa. Bạn có thể thực hiện những việc như cho bé thử một chút đu đủ mềm, chuối mềm bằng muỗng nghiền nhuyễn, cho bé “măm” một chút xíu khoai lang tán nhuyễn trộn với sữa mẹ. Bé cũng có thể nếm thử một chút nước canh nấu riêng, không nêm nếm, cho bé thử một chút xíu bí đỏ nghiền nhuyễn pha với nước canh.
Từ từ, khi bé quen, bạn “thử” nhhiều hơn, với một muỗng bột ăn liền trẻ em pha với nước ấm hoặc sữa. Lưu ý rằng bác sĩ luôn nhắc đến chữ “từ từ” nghĩa là tất cả những việc đó đều trên nguyên tắc tuyệt đối không ép bé, không làm bé sợ, không khăng khăng bắt bé phải ăn. Bạn nên làm cho bé tò mò, thích thú, cảm thấy thú vị với chuyện nếm thử này và nếu bé nếm mà không thích nữa thì ngưng ngay, hôm sau cho bé nếm sang vị khác chứ không cố ép bé.
Nếu bé chịu ăn món nào đó trong số những món đưa ra thử, bạn bắt đầu tăng dần lên 1 muỗng nhỏ, 2 muỗng nhỏ… Những việc thử nghiệm này nên thực hiện lúc bé đang đói. Sau đó khi bé không chịu ăn nữa thì lại cho bé ngưng, chuyển sang bú mẹ hoặc bú bình bình thường đến lúc no. Nên tập cho bé từ loãng đến sệt hơn, từ ít đến nhiều. Mỗi loại thức ăn nên thử trong vài ngày để yên tâm rằng bé không bị dị ứng.
“Dặm” bao nhiêu là đủ?
Nhiều mẹ rất sốt ruột khi con bước sang tuổi ăn dặm, muốn cho con ăn thật nhiều. Thấy con chậm tăng cân hơn những tháng đầu đời, mẹ cũng cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Thật ra, không nên như vậy, vì sự căng thẳng của mẹ có thể biến thành áp lực cho con! Chỉ cần bé đủ no, tăng trưởng tốt, cảm thấy thích thú với chuyện ăn là được. Ép con có thể đưa đến tác dụng ngược, ban đầu bé ăn được nhiều thật nhưng càng lúc bé càng sợ hãi với chuyện ăn, từ đó dẫn đến biếng ăn tâm lý. Lúc này, điều trị giúp bé thấy ngon miệng, hào hứng với chuyện ăn trở lại càng khó khăn hơn.
Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất bột đường (gạo, bún, mì, bánh phở), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất đạm (thịt, cá, trứng), rau và trái cây.
Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất (trừ giai đoạn đầu chỉ cần làm quen với thực phẩm là chính). Tuy nhiên, nhiều phương pháp ăn dặm hiện đại cho rằng nên hạn chế việc trộn lẫn hết tất cả các thức ăn chung lại với nhau thành hỗn hợp chung, sẽ khiến bé không cảm nhận được mùi vị, không xác định được bé thích hay không thích món nào. Bạn có thể tham khảo thêm trong những bài kế tiếp trong số này, về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (một trong những phương pháp có nhiều ưu điểm khiến nhiều bà mẹ quan tâm).
Thêm một vài nguyên tắc mang tính căn bản khác như: nên cho bé ăn cả nước lẫn xác mới đủ chất dinh dưỡng. Nên nấu bữa nào hết bữa đó, tránh hâm đi hâm lại, thay đổi món thường xuyên cho bé để bé luôn cảm thấy mới mẻ với việc ăn dặm của mình. Bạn cũng cần biết thêm một vài chi tiết nhỏ, như là nếu bé đi tiêu hơi lỏng nhưng vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe, bạn không cần lo mà nên cho bé tiếp tục với quá trình tập ăn dặm. Chỉ khi nào bé đi tiêu nhiều nước, bỏ bú, nôn trớ… thì mới cần lập tức ngừng cho ăn đến nửa tháng sau mới thử trở lại từng bước như ban đầu.
Đặc biệt lưu ý, đừng cho bé ăn tôm cua, trứng quá sớm vì điều này không hề giúp bé “cứng cáp” hơn như nhiều mẹ tưởng mà có thể khiến bé bị dị ứng, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, tiêu hóa. Bé cũng cần được khuyến khích tự ăn vì điều đó bao giờ cũng khiến bé chủ động, thích thú với chuyện ăn hơn “bị” mẹ đút. Khi bé khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể cho con chơi với một cái chén, một cái muỗng, hoặc cho bé tập bốc các loại bánh ăn dặm. Những bước này giúp ích rất nhiều cho bé trong quá trình “tập ăn”.