Mẹ&Con – Muối là một loại gia vị quan trọng bậc nhất giúp… nuốt trôi cơm. Nếu bạn đã từng bị bệnh thận (viêm cầu thận cấp, phù do thận…), phải trải qua giai đoạn bác sĩ bắt kiêng ăn muối, toàn ăn ngọt hoặc thức ăn nhạt thếch trong vài tuần thì thèm muối phải biết.

Thậm chí còn có câu “Muối quý hơn vàng” khi nói về tác dụng hữu ích thực tế của muối. Có muối mới ăn nổi cơm, chứ vàng thì không thể giúp no bụng rồi. Nhưng… nêm nhiều muối vào các món ăn cho bé yêu của bạn liệu có tốt không?

Mẹ ơi, sao… mặn quá!

Ăn mặn, trước hết nói cho rõ là ăn nhiều muối, chứ không phải ngược lại với ăn chay. Muối ở đây là muối Natri có trong muối ăn lấy từ biển – kể cả muối iốt, có trong nước mắm, nước tương, bột canh, hạt nêm, bột ngọt… Cũng có rất nhiều loại thực phẩm chứa nhiều muối Natri như mắm các loại, dưa mắm, dưa món, cải chua, dưa chua, cà muối, chanh muối, tắc muối, các loại xí muội, khô bò, khô mực, giò lụa, lạp xưởng, xúc xích, thịt muối, thịt xông khói, đồ hộp, cá khô, tôm khô, khoai tây chiên, phồng tôm, snack…và gói bột nêm trong mì gói.

Nhiều bà mẹ nấu ăn, nêm nhạt thì cứ lo con mình… thiếu muối! Song, kỳ thực, với chế độ ăn bình thường như hiện nay, việc thiếu muối là cực kỳ hiếm gặp (trừ trường hợp có bệnh lý). Tác giả Bennedict (Mỹ) đã nghiên cứu trên một người nhịn ăn thì thấy rằng khi cơ thể không nhận được thêm muối từ ngoài vào, cơ thể sẽ có khuynh hướng giữ muối lại trong cơ thể nhiều hơn bằng cách hạn chế lượng muối thải ra ngoài qua nước tiểu, phân… Tác giả đã làm thí nghiệm trên bản thân mình và thấy rằng người ta sống không cần ăn thêm muối.

An bao nhieu muoi

(Ảnh minh hoạ)

Bạn cần biết là trong thực phẩm thiên nhiên hàng ngày dùng để nấu ăn vốn đã có sẵn 3-5 g muối. Nguồn Natri từ thức ăn động vật nhiều hơn trong thức ăn thực vật. Nhưng thường chúng ta cứ nêm thêm muối vào cho “ngon miệng”, để có thể ăn đủ được lượng thực phẩm đáp ứng nhu cầu năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể hàng ngày.

Khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta, do đó, nhiều muối hơn nhu cầu cần thiết của cơ thể. Ở những người có chức năng thận tốt thì chất khoáng dư thừa sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu để ổn định lượng khoáng và nội môi trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài, nếu trẻ có thói quen ăn mặn ngay từ bé do việc nêm nếm của mẹ thì lớn lên cũng sẽ quen với việc ăn mặn như thế và gây nên những tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Giảm muối: không khó!

Đây là những cách thông dụng để giảm muối cho bé yêu và gia đình bạn:

– Không để thêm muối, mắm, nước chấm trên bàn ăn.

– Nêm thức ăn nhạt dần dần.

– Hạn chế các món mắm, đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn…

– Ăn mì gói chỉ nêm nửa gói bột nêm.

Quá mặn: Hại con!

Trước hết, ăn mặn sẽ gây khát nước và “hại” thận. Điều đó rất rõ rồi, vì một phân tử Natri vào cơ thể thì cần 1 phân tử nước để… đi kèm thành một cặp. Khi Natri dư thừa được thải ra khỏi cơ thể cũng đi thành một cặp như vậy để cân bằng và ổn định nước – điện giải.

Đấy là nhờ hoạt động hoàn hảo của hai quả thận còn tốt. Có nghĩa là nếu thận suy yếu thì rắc rối sẽ xảy ra, Natri và nước ứ trệ trong cơ thể sẽ gây tăng lượng máu và tăng huyết áp, phù thủng ở mí mắt, bụng, hai chân… Natri máu tăng có thể làm rối loạn nhịp tim, co giật, nôn ói , hôn mê, v.v..

Chưa hết, ăn mặn còn khiến trẻ sau này dễ bị cao huyết áp. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều muối Natri trong thời kỳ tuổi trẻ có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch vào tuổi trung niên.

Ngược lại, những người ăn nhạt ít Natri và nhiều Kali (muối từ tro, trái cây như chuối, nho, cam, quýt…) thì ít bị cao huyết áp hơn. Người bệnh tim cũng không thể chịu nổi khi lượng máu gia tăng càng tăng thêm gánh nặng cho trái tim đã suy yếu.

Ngoài ra, ăn mặn còn có thể gây loãng xương. Nguyên nhân là vì ăn nhiều muối cũng làm tăng thải chất khoáng Canxi qua đường nước tiểu. Vì vậy ăn quá mặn kéo dài có thể gây ra mất Canxi và giảm độ vững chắc của xương. Một số nghiên cứu khác còn cho biết việc ăn thường xuyên thức ăn khô mặn có thể gây ra ung thư dạ dày, sỏi thận, thận hư nhiễm mỡ…

Điều đáng lo ngại là các điều tra khẩu phần ăn gần đây của Viện Dinh dưỡng cho thấy người ViệtNam có thói quen ăn mặn rất nhiều. Lượng muối sử dụng trung bình một ngày của một người lên đến 14 – 18g, gấp 2-3 lần nhu cầu khuyến cáo. Có lẽ do trải qua thời kỳ chiến tranh rồi đói kém, các loại lương khô rồi các món mắm, mấy nồi cá thịt kho mặn chát để ăn được nhiều cơm đã trở thành tập quán và khẩu vị thông dụng của người dân trong cộng đồng.

Ăn bao nhiêu muối thì vừa?

– Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng, mỗi ngày, một người khỏe mạnh bình thường chỉ nên ăn từ 6-10g muối (khoảng dưới 2 muỗng cà phê muối một ngày). Với trẻ em, lượng muối chỉ nên từ…………………..

– Tổng lượng muối nhập vào cơ thể chính là từ thực phẩm ăn vào, cá ướp muối, dưa cà muối, các loại mắm, đồ hộp, chả lụa, xúc xích, món canh xào kho mặn, mắm muối chấm trên bàn ăn, nước uống có muối…

– Trong trường hợp thời tiết nóng bức, trẻ đổ nhiều mồ hôi, trẻ chơi đùa hoạt động thể chất nhiều, mất nhiều muối qua mồ hôi thì cần được bổ sung trở lại lượng muối này qua thức ăn (nêm canh, uống nước chanh muối…).

Bạn nên tập thói quen nêm nhạt dần, tham khảo những cách thức giúp giảm lượng muối đưa vào khẩu phần ăn của trẻ mỗi ngày. Việc sử dụng muối iốt thay cho muối trắng cũng nên được thực hiện, vì muối iốt sẽ giúp cung cấp đủ lượng iốt cho cơ thể sử dụng, phòng ngừa những rối loạn do thiếu iốt gây ra như đần độn, bướu cổ, suy giáp, thiểu năng trí tuệ, giảm trí thông minh…

Để ý thay đổi những thói quen không tốt. Ví dụ như mì gói (mì tôm) ăn liền là một trong những món ăn khoái khẩu của trẻ em. Tuy nhiên lượng muối trong gói bột nêm là rất cao (khoảng 3g/ gói). Vì vậy chỉ nên cho khoảng ½ – ½ gói bột nêm vào tô mì là vừa.

Đi cùng với muối là nước để điều hòa nội môi cơ thể. Với trẻ em, cần khuyến khích cho trẻ uống đủ nước lọc hàng ngày (sao cho nước tiểu thải ra có màu vàng nhạt là tốt, nước tiểu màu vàng sậm là thiếu nước) để có thể thải bớt lượng muối dư thừa ra nếu có.

Bác sĩ CK1. Đào Thị Yến Thủy

Nhu cầu Natri (tối thiểu) khuyến nghị theo độ tuổi (RDA)

Trẻ em dưới 6 tháng: 1200 mg/ ngày

Trẻ 6-11 tháng: 2000 mg/ ngày

Trẻ 1 tuổi: 2205 mg/ ngày

Trẻ 2-5 tuổi: 3000 mg/ ngày

Trẻ 6-9 tuổi: 4000 mg/ ngày

Trên 10 tuổi: 5000 mg/ ngày

Hỏi & Đáp            

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đọc một số tài liệu khuyên cho trẻ ăn nhạt nên thường nêm nếm rất ít muối khi nấu cho con. Bé quen với cách nêm nếm này từ nhỏ nên ăn rất ngon lành, vừa miệng. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại bảo rằng tôi nêm nhạt như thế thì bé ăn sẽ bị thiếu muối, không “chắc da chắc thịt được”. Tôi rất băn khoăn giữa hai lời khuyên khác nhau này. Liệu cho bé ăn nhạt quá thì có bị thiếu muối không?

Nguyễn Ngọc Quế Anh (Quận 10)

Đáp: Rất hiếm khi gặp tình trạng bị thiếu muối trong khẩu phần ăn hàng ngày của người khỏe mạnh bình thường. Tình trạng Na huyết thấp chỉ xảy ra ở những người bị mất Na do tiêu chảy, nôn, ra quá nhiều mồ hôi, hoặc bị bệnh thận. Do đó, nếu bé ăn uống ngon lành, vừa miệng, chế độ ăn phong phú thì việc “thiếu muối” là rất thấp, nếu không nói là không thể xảy ra.

Tags:

Bài viết liên quan