Bắt đầu dạy con tự lập từ khi nào?
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng phải nhiều tuổi trở lên bé mới có thể hiểu và nắm bắt những gì người lớn truyền đạt. Đó là một sai lầm. Thật ra là chúng ta đã có thể bắt đầu dạy trẻ tính tự lập từ khi còn nằm nôi, chính xác là khoảng tháng thứ 4 trở đi, khi bé bắt đầu thể hiện những bản năng cơ bản nhất của con người: biết lật, biết bò, biết biểu lộ cảm xúc khóc, cười…Bạn đừng quá xót xa khi chứng kiến con đỏ cả mặt khi phải cố gồng mình lên để tập lật. Hãy để bé tự thích nghi với việc thay đổi tư thế một mình, chỉ khi nào bé gặp khó khăn lớn như bị mắc kẹt cánh tay dưới lưng hoăc loay hoay một lúc lâu mà vẫn không thể trở mình qua được thì mới động tay vào giúp đỡ. Điều này khuyến khích bé tự giác hơn, bé thấy thích thú với việc thay đổi và sẽ tập lật một mình nhiều lần trong ngày cho đến khi thành thục. Áp dụng nguyên tắc này cho cả khi bé tập bò, tập ngồi, tập đứng lên và tập đi. Bé 5 tháng đã có thể tự cầm bình sữa bú ngon lành nếu được cha mẹ tập cho. Khi bé biết bò, bé có thể tự bò đi lấy đồ chơi mà bé thích.
Từ 1 tuổi, bé đã có thể tự vịn vào bàn ghế để xỏ chân vào dép. Bạn hãy giúp con phân biệt dép phải dép trái, bé sẽ ghi nhớ điều này qua nhiều lần được chỉ dạy. Khi bé đã đi lại rành, hãy khuyến khích bé tự tìm và lấy đồ chơi nếu muốn. Dĩ nhiên là bạn cũng phải tập cho bé thu dọn đồ chơi và cất vào vị trí cũ ngay ngắn sau khi chơi xong. Hai tuổi trở lên, bạn hãy tập cho bé làm quen với việc đánh răng, đến khi 3 tuổi, con bạn sẽ tự giác làm điều này mà không cần cha mẹ nhắc nhở (nhưng bạn phải theo dõi xem bé có đánh răng thật sạch chưa?) Từ 2 tuổi trở đi, bé có suy nghĩ khá trừu tượng nên sẽ “kết” các trò chơi đồ hàng (làm người bán hàng cho…gấu bông chẳng hạn!), hoặc làm cô giáo (dạy búp bê!). Ở tuổi này, trẻ rất chịu khó để ý đến hành vi và thái độ của người lớn, bắt chước theo lời nói và cách ứng xử của những người xung quanh rất nhanh vì đây là thời điểm bé phát triển kỹ năng nói. Hãy dạy bé những việc lễ phép như chào hỏi, vâng dạ, thưa thốt, cảm ơn…Dần dần, khi gặp người lạ, bé sẽ tự động chào hỏi, thưa thốt mà không cần bạn nhắc. Ở tuổi này, bé cũng đã có thể tự chọn quần áo theo ý thích, đừng đôi co với bé rằng con phải mặc cái này cái kia mà hãy khuyến khích bé tự soạn đồ mỗi khi đi tắm. Nếu ban đêm cần mặc đồ dài và ấm để ngủ trong khi bé đòi chọn đồ ngắn thì bạn phải giải thích rõ ràng. Vài lần như thế bé sẽ biết cách thay đổi. Bên cạnh việc để trẻ tự soạn đồ, bạn cũng nên dạy bé cách xếp đồ gọn gàng và cất vào tủ.
Ba tuổi trở đi, bé đã sẵn sàng làm chân “sai vặt” cho bạn một cách đầy háo hức. Tuổi này bé rất thích khám phá thế giới xung quanh, tò mò với những con vật gần gũi như chó mèo…Bạn đừng ngăn cản con khám phá mọi thứ, trừ những việc khiến bé gặp nguy hiểm. Hãy cho bé tham gia phơi đồ của bé với bạn(chỉ cho bé cách cho móc vào quần áo và treo lên sào thấp). Đừng khó chịu khi bé muốn nhặt rau hoặc lau bàn ghế cùng bạn, hãy chỉ cho bé cách làm thật nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng hãy nhờ bé lấy cho bạn cái khăn hoặc đôi dép, khi bé làm xong, không quên cảm ơn bé. Bé sẽ rất vui và ghi nhớ được một điều: phải cảm ơn ai đó khi họ giúp mình việc gì.
Bốn tuổi trở đi, bé đã có thể tự mặc quần áo và tự lấy chén ăn cơm cho mình. Khuyến khích bé tự múc cơm ăn thay vì phải đúc cho bé mãi. Nhiều bà mẹ vì thương con nên cứ giành việc đúc cơm trong khi bé đã có thể tự làm việc đó. Hậu quả là có bé khi đã lên lớp 2, lớp 3 vẫn mè nheo mẹ đúc cơm!
Chuẩn bị kỹ năng sống và giúp con rèn luyện tính tự giác
Trẻ bước chân vào cấp 1 cũng là lúc chúng dần dần rời xa vòng tay cha mẹ. Cha mẹ không thể ở bên cạnh để bảo ban, kiểm soát bé 24/24. Nhưng đây chính là thời điểm cần thiết nhất để bạn hướng dẫn trẻ những kỹ năng sống hoàn toàn mới mẻ mà trong nhà trường hầu như không dạy. Bên cạnh đó trẻ cũng cần được rèn luyện tính tự giác.
Chuẩn bị kỹ năng sống:
* Kỹ năng giao tiếp
Nói cho con biết giá trị của đồng tiền để con sử dụng tiền hợp lý: ăn sáng, uống nước, vui chơi với bạn, mua sách hoặc đóng góp từ thiện…Khuyến khích trẻ “nuôi heo” để thực hiện một kế hoạch nào đó có ý nghĩa.
Gợi ý cho con cách bắt chuyện với bạn mới. Hướng dẫn trẻ cách chơi chung với nhóm bạn, cách đối xử với bạn bè hòa đồng, thân thiện, biết quan tâm, giúp đỡ bạn bè. Trẻ sẽ nhanh chóng tự thiết lập mối quan hệ tốt với bạn bè.
* Kỹ năng quan sát thế giới xung quanh
Lứa tuổi này trẻ bắt đầu có những tò mò đặc biệt với thế giới xung quanh. Hãy chỉ dẫn cho trẻ đường nào đến trường, đường nào về nhà, đi nhà sách, siêu thị…Dạy trẻ biết nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn trong trường hợp bị đi lạc. Rèn cho trẻ tính dạn dĩ hơn bằng cách không từ chối cho trẻ tham gia các chuyến dã ngoại của trường tổ chức. Đó cũng là thử thách đầu tiên mà cha mẹ có thể dành cho trẻ.
* Kỹ năng chạy xe và lưu thông trên đường
Từ 7 tuổi trở đi, bạn có thể cho trẻ tập đi xe đạp và thử cho trẻ tự đạp xe đi học một mình(có sự giám sát âm thầm của bạn). Hướng dẫn trẻ những luật cơ bản nhất trong việc giao thông( luật đèn xanh, đèn đỏ, băng ngang đường, xin đường để quẹo…)
* Kỹ năng xài tiền
Nói cho con biết giá trị của đồng tiền để con sử dụng tiền hợp lý: ăn sáng, uống nước, vui chơi với bạn, mua sách hoặc đóng góp từ thiện…Khuyến khích trẻ “nuôi heo” để thực hiện một kế hoạch nào đó có ý nghĩa.
Rèn tính tự giác:
Tập cho trẻ tự tắm rửa, vệ sinh thân thể và chuẩn bị đồng phục đến trường. Để trẻ tự làm bài tập về nhà. Với trẻ học cấp 1, bạn có thể hướng dẫn cho trẻ làm bài tập nhưng tuyệt đối không làm giúp. Từ 7 tuổi trở đi, trẻ có thể tự chuẩn bị những bữa ăn sáng đơn giản nhất cho mình như bánh mì với sữa. Bên cạnh đó, bạn đừng ngại nhờ trẻ giúp mình quét nhà hay đặt nồi cơm lên bếp. Dần dần, trẻ sẽ có ý thức phụ giúp việc nhà với bạn hơn. Con tốt nghiệp lớp 12, hãy xem thực lực và sở thích của con thế nào để khuyến khích con thi Đại học phù hợp nhất, nhớ là không áp đặt theo ý bạn.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN
– Không nên can thiệp quá sâu vào quyết định của con. Những quyết định của trẻ chắc chắn sẽ không hoàn toàn đúng vì trẻ đang trong giai đoạn học cách để trưởng thành. Hãy giúp con nhận ra những điều thiếu sót, chưa hợp lý trong quyết định của chúng, giúp trẻ có một hướng giải quyết khôn ngoan hơn.
– Không lạm dụng việc khen thưởng. Cha mẹ hay có thói quen khen thưởng vật chất để khuyến khích con. Khen ngợi con là điều tốt nhưng đừng quá lạm dụng, trẻ sẽ hiểu sai và lâu dần sẽ biến thành “bệnh thành tích”, trẻ sẽ ra điều kiện khi cha mẹ đòi hỏi trẻ thực hiện việc gì đó cho bản thân trẻ.
– Không thả lỏng trẻ. Bạn tập cho trẻ tự lập nhưng không có nghĩa phó mặc hoàn toàn cho trẻ. Nên thường xuyên kiểm tra kết quả học tập của con, kiểm tra những trò giải trí của trẻ xem có lành mạnh hay không để can thiệp kịp thời nếu trẻ quá đà.