Mẹ&Con - Một buổi sáng thức dậy, bước xuống bếp, bạn bỗng bất ngờ thấy trên bàn ăn đặt trang trọng… một lá thư! Ôi chao, từng nét chữ vụng về nắn nót của con: “Mẹ ơi, mẹ có khỏe không? Hôm qua con thấy mẹ ho. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng ốm nhé. Tina yêu mẹ lắm!”. Trái tim bạn bỗng chốc như vỡ òa! Lá thư của cha viết dành tặng con gái về cách chọn chồng trong tương lai gây sốt Bức thư vợ viết cho người tình của chồng Nhật ký viết cho con

Thật ra, bạn biết không, viết là một kỹ năng. Và dạy con tập viết, biết viết, biết bày tỏ tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua những lá thư, những trang nhật ký đầu đời là việc rất nên làm!

Viết à? Có gì đâu mà… quan trọng!!!

Nếu bạn thoáng ý nghĩ ấy trong đầu thì bạn nhầm rồi đấy nhé. Viết rất quan trọng! Khi bé được mẹ rèn luyện cho kỹ năng này từ nhỏ, bé sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ nó. Thích viết và tập viết nhiều, chữ viết của bé thường theo đó đẹp hơn lên. Chưa hết! Giống như một vận động viên ngày nào cũng tập chạy bộ chắc chắn sẽ chạy nhanh, bé yêu của bạn tập viết mỗi ngày (dù là những thứ tưởng chừng rất linh tinh) sẽ nhuần nhuyễn dần về chính tả, cách diễn đạt câu chữ. Vốn từ của bé theo đó cũng trở nên phong phú hơn. Nhờ cách “học mà chơi” này của bạn tại nhà, khi bắt đầu đi học chính thức, bé thường đạt điểm cao trong những môn như tập viết, chính tả, tập làm văn. Bé sẽ cảm thấy yêu thích những môn học này và đạt được thành tích, điểm số thường cao hơn bạn bè cùng lớp.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những lợi ích mà việc dạy con viết mang đến. Bạn có biết rằng khi dạy bé biết cách bày tỏ, bộc lộ cảm xúc của mình thông qua câu chữ, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã trao cho con một chiếc chìa khóa vàng để giảm stress, tự giải tỏa những ức chế của bản thân, giúp bé có một người “bạn” vô cùng trung thành và thân thiết (chính là quyển nhật ký). Khi ngày một lớn khôn, có những chuyện bé không thể chia sẻ với bố mẹ nữa, nhưng chính quyển nhật ký sẽ tiếp tục là người cận kề bên bé, cùng con bạn chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn.

Một đứa trẻ học được kỹ năng viết cũng sẽ có được cách thức giúp người khác hiểu được mình dễ dàng hơn. Bé sẽ bộc bạch được suy nghĩ, cảm xúc để bố mẹ, anh chị em, bạn bè hiểu được mình. Mọi người cũng sẽ luôn nhìn bé bằng ánh mắt đầy yêu thương khi nhận được những “lá thư” vụng về nhưng đầy chất trẻ con – hồn nhiên và cảm động.

Chỉ hình dung sơ lược tất cả những điều ấy, bạn đã nhận ra kỹ năng viết quan trọng với bé đến thế nào rồi, phải không? Nhiều bà mẹ thường trầm trồ khi đọc được những bài văn đạt điểm cao, những sáng tác đoạt giải của các bé tiểu học. Khen “con người ta” xong, bạn lại âm thầm nghĩ rằng: “Chắc nhờ… gen di truyền, nên bằng tuổi con mình mà bé kia mới có được cách diễn đạt hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, thông minh, văn chương mượt mà như thế!”. Nhưng không phải đâu, bạn ạ! Cũng như mọi kỹ năng khác, viết là một kỹ năng bạn có thể rèn luyện cho trẻ. Và nhờ thế, mọi đứa trẻ đều có thể biết cách “viết” rất tốt, chứ không phải chỉ dựa vào… gen di truyền hay năng khiếu thiên bẩm.

Tại sao phải rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ càng sớm càng tốt? 7

Khơi gợi niềm yêu thích được viết cho bé thế nào?

Đây là một điều quan trọng. Bé sẽ thích viết, ham viết, luôn có xu hướng chủ động viết nếu như bé được mẹ khuyến khích ngay từ khi còn nhỏ. Bạn có thể cho bé xem những quyển vở viết tay, những quyển sổ tay với hình ảnh và nét chữ ngộ nghĩnh từ thật sớm – trước cả khi con thật sự biết chữ cũng được.

Hãy cho bé thấy, quan sát những lúc bạn viết. Hãy tỏ ra tỉ mẩn, chăm chút từng nét chữ của mình trên trang giấy trắng. Bé sẽ rất tò mò, hỏi bạn: “Mẹ làm gì thế?”. Lúc đó, bạn có thể nói cho con biết rằng bạn đang “viết”. Có thể cho bé thử nguệch ngoạc những nét bút chì đầu tiên lên giấy, để gieo vào trong lòng bé một “hạt mầm”: yêu những nét chữ, và yêu thích việc viết ra “cái gì đó” giống như mẹ đang làm.

Lớn lên một chút, khi đã bắt đầu đi học cấp 1, con bạn sẽ dần làm quen với từng nét chữ đầu đời. Bạn nên uốn nắn cho con ngay từ lúc này, giúp bé hiểu “nét chữ là nết người”, mua cho con những cây bút, quyển vở đẹp, hướng dẫn con sử dụng nhuần nhuyễn lên dần và yêu quý, nâng niu những “công cụ” giúp mình viết đẹp như bút chì, bút mực, gôm tẩy, giấy viết, giấy thấm…

Ngay khi bé có thể tương đối thành thạo mặt chữ, bạn hãy giúp con biết đến những lá thư tay đơn giản nhất đầu đời: Thư viết cho ba mẹ, thư viết cho ông già Noel, thư viết cho cô giáo… Ngược lại, bạn cũng hãy thường xuyên viết cho con những lá thư. Bạn thử quan sát mà xem, ánh mắt con sáng rỡ, tự hào như thế nào khi nhận được “thư” của mẹ dành cho mình. Chỉ cần bạn chủ động và hướng dẫn trẻ, gia đình bạn sẽ nhanh chóng có được nếp “viết thư”, “nhận thư” ngay thôi. 

Luyện viết cho con

Một vài gợi ý này sẽ giúp bạn thực hiện công cuộc “luyện” kỹ năng viết cho con thuận lợi hơn nhé!

1. Bắt đầu bằng “tranh vẽ”

Tại sao phải rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ càng sớm càng tốt? 8

Khi còn quá nhỏ, trẻ chưa thể diễn tả được nhiều bằng ngôn ngữ viết. Bạn hãy tập cho con bằng cách hướng dẫn bé vẽ những bức tranh, tự làm những tấm thiệp hoặc chọn thiệp và viết thật ngắn gọn (vài chữ, vài dòng). Việc này không quá sức trẻ nên trẻ sẽ hào hứng và thực hiện được dễ dàng. Mỗi khi nhận được “tranh”, “thiệp” của con, bạn hãy tỏ ra chăm chú, say sưa. Hãy thử đoán những cảm xúc của trẻ và hỏi con xem mẹ đoán như vậy có… đúng không?

2. Thường xuyên nhắc con viết thiệp / thư gửi mọi người

Mỗi khi đến dịp lễ, chẳng hạn ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Noel… bạn hãy mua thiệp hoặc làm cho bé một số tấm thiệp và hướng dẫn con cách viết, gửi mọi người. Khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể nhắc bé viết cả thư cảm ơn, thư hỏi thăm ông bà, cô giáo, bạn thân… Thỉnh thoảng, bạn thậm chí có thể cho bé được thưởng thức những cảm xúc của việc gửi thư qua đường bưu điện hoặc nhận thư qua đường bưu điện có tên của bé ở trên ấy. Bé sẽ ngạc nhiên và thích thú vô cùng.

3. Mua cho con một quyển sổ càng sớm càng tốt

Tại sao phải rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ càng sớm càng tốt? 9

 

Rất nhiều quyển nhật ký của trẻ em đã trở thành tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Có thể bạn không kỳ vọng con mình trở thành “nhà văn”, nhưng viết nhật ký là cách rất tốt để giúp bé rèn kỹ năng viết, tập giải tỏa cảm xúc một cách nhẹ nhàng. Hướng dẫn cho con viết từ những điều đơn giản nhất. Bạn có thể hỏi ý kiến con để đặt cho “nhật ký” một… cái tên. Khi con viết nhật ký, con sẽ giống như trò chuyện với người bạn này, chia sẻ với bạn tất cả những gì mình thích. Nhớ tôn trọng trẻ bằng cách không đọc lén nhật ký của con. Hãy nói cho con biết, nhật ký là điều rất riêng tư và con có thể chia sẻ hoặc giữ riêng những điều này tùy thích.

4. Cho con đọc các tác phẩm dạng “nhật ký”

Khi bé bắt đầu được khoảng 7-8 tuổi, bạn có thể mua cho con những quyển sách dạng nhật ký nổi tiếng. Chẳng hạn như quyển “Những tấm lòng cao cả” (còn có tên khác là “Tâm hồn cao thượng”). Quyển sách được viết dưới hình thức nhật ký của một cậu bé học lớp 4, đã trở thành tác phẩm nổi tiếng thế giới. Khi được bạn đọc cho nghe hoặc mỗi ngày tự đọc một vài trang “nhật ký” dạng như thế, bé sẽ có hứng thú với việc viết nhật ký, chịu khó ghi chép kỹ lưỡng hơn những câu chuyện, những cảm xúc của mình.

5. Đừng đặt ra áp lực

Ở tuổi này, bé cần cảm giác thoải mái và vui thích mỗi khi làm một việc gì đó. Nếu bé không thật sự thích thú với chuyện viết nhật ký, viết thư, bạn đừng đặt ra áp lực, la rầy hoặc ép con. Chỉ nên khơi gợi, và khen ngợi không ngừng những gì con viết dù rất ngắn, rất ít. Chữ viết của bé dù vụng về, dù “lá thư” đầy lỗi chính tả thì bạn cũng không nên làm bé “quê” bằng cách phá lên cười. Dần dần, chính không khí thoải mái và những lời khuyến khích của bạn sẽ mang đến cho bé cảm giác hào hứng, thích thú viết hơn.

6. Cho con trải nghiệm cùng nhiều dụng cụ để viết

Tại sao phải rèn luyện kỹ năng viết cho trẻ càng sớm càng tốt? 10

 

Đừng nghĩ rằng bao giờ cũng phải ngồi nghiêm trang trên bàn, với một tờ giấy và cây bút mới là… học viết. Bạn hãy giúp bé viết ở mọi lúc, mọi nơi: bằng bút chì, bằng phấn, bằng bút bi, bằng một viên gạch, bằng sơn, viết trên cát bằng một chiếc que, viết trên đất bằng ngón tay… Cứ để bé thử một cách tự nhiên, luôn tỏ ra quan tâm đến những “thông điệp” mà bé viết. Bạn xem, bé sẽ thấy việc “viết lách” chứa đựng nhiều điều ngộ nghĩnh hơn và bé có thể học viết bất cứ lúc nào.

7. Cho bé học sử dụng bàn phím máy tính

Đánh máy trên máy tính hoặc bấm tin nhắn điện thoại vẫn là một cách “viết”. Bạn không cần dạy những kỹ năng này cho bé quá sớm, nhưng khi con khoảng 8 tuổi trở lên, hãy để bé thử xem sao. Sự mới mẻ của việc tạo ra chữ viết bằng một hình thức khác sẽ khiến bé chịu khó “viết” nhiều hơn. Những động tác đánh văn bản cũng giúp bé có được đôi tay mềm dẻo và linh hoạt.

Theo sự tư vấn của Th.S – Chuyên gia tâm lý Đinh Ngọc Dung (Chuyên khoa Tâm lý Trẻ em)

 

Tags:

Bài viết liên quan