1. Chuyện trò với con về trường lớp
Cục cưng của bạn hãy còn mê mải với những đĩa kịch Ngày xửa ngày xưa, những chuyến nghỉ mát đầy thú vị phải không? Vậy thì phải giúp bé có bước “chuyển tiếp”, quên dần đi chuyện chơi và nghĩ đến chuyện học thôi. Tuy nhiên, đừng đột ngột cắt hết mọi hoạt động giải trí của bé và ép con ôn bài vở cũ, chuẩn bị đi học. Cách làm đó của bạn sẽ khiến bé ngán và sợ ngày đi học lại.
Tốt nhất, hãy bắt đầu khơi gợi, trò chuyện với con về trường lớp. Nhắc cho con nhớ đến những người bạn học, những trò chơi hay giờ học thú vị ở trường. Với những bé ở đầu cấp, bạn có thể mô tả cho con biết trường học, lớp học của con thế nào. Những câu chuyện bạn kể cần sinh động, thú vị, khơi gợi trí tò mò của bé khiến bé háo hức mong chờ đến ngày đi học.
2. Mua sắm dụng cụ học tập
Những ngày đầu tháng 8, bạn đã có thể đưa con đi mua hoặc may những bộ đồng phục mới. Ngoài ra, bạn có thể đưa bé đi nhà sách, chọn mua những dụng cụ học tập mới cho con như cặp sách, bút viết, bút chì màu, bảng con, que tính, kéo cắt giấy thủ công… Hãy cho bé có cơ hội chọn lựa cùng bạn. Điều đó khiến bé mong đến ngày đi học hơn. Nếu con đã học lớp 2, lớp 3, bạn hãy cùng bé bao tập sách bằng giấy bao mới, cho bé được “ngắm nghía” và khoe dụng cụ học tập của mình với bạn bè cùng xóm. Tất cả những điều này kích thích con bạn mong đến ngày khai giảng hơn.
3. Đưa con đến thăm trường
Dù con mới đi học lần đầu hay đây là mùa nhập học thứ hai, thứ ba của con thì việc này vẫn mang đến tác dụng lớn cho bé. Việc chở bé đi ngang qua trường, cho con nhìn ngắm trường của mình, thậm chí dẫn con vào thăm quan một chút (nếu được bảo vệ cho phép) luôn khiến bé mong mỏi hơn ngày đi học. Bạn có thể chỉ cho con biết lớp học của con, chơi đùa cùng con ở ngoài sân, ngắm nghía những vườn thực vật. Có thể hỏi bé những câu như: Con có nhớ trường không? Con có thấy vườn trường đẹp không?…
4. Giúp bé ôn bài vở
Nếu con bạn đã học lớp 2, lớp 3, việc ôn lại bài vở năm trước sẽ là động tác “chuyển tiếp” giúp bé chuẩn bị tâm lý dần dần cho việc đi học lại. Bạn đừng ép con ngồi học một mình. Thay vào đó vừa ôn bài vừa chơi với trẻ. Thậm chí, hai mẹ con có thể mang sách giáo khoa ra công việc, vừa đu đưa trên xích đu vừa đố bé những kiến thức đã học năm vừa rồi. Với các bé chuẩn bị vào lớp 1, bạn cũng có thể “ôn” với bé những điều đơn giản như: Con tên gì? Vào lớp con chào cô ra sao? Con muốn đi vệ sinh thì xin phép cô thế nào?
5. Cho bé kết bạn
Nếu con bạn chuẩn bị vào lớp 1, bạn nên tìm trong xóm những bé cũng chuẩn bị đi học, cho các bé chơi và làm quen với nhau. Bé của bạn có thể mang dụng cụ học tập khoe với các bạn kia chẳng hạn. Khi bé nhận ra rằng không phải chỉ có một mình bé “đi học”, bé sẽ thấy thoải mái và háo hức hơn nhiều. Với các bé ở tuổi lớn hơn, hãy tạo điều kiện cho bé gọi điện thoại hay qua nhà bạn chơi, cùng ôn bài với nhau, cùng hỏi han nhau xem đã chuẩn bị việc đi học lại tới đâu rồi.
6. Trang trí góc học tập
Nên có cho bé một góc học tập trong nhà. Điều này rất có ích và có khả năng kích thích thiên thần bé bỏng của bạn chăm chỉ hơn, sẵn sàng hơn với việc đến trường. Nếu bé mới vào lớp 1, bạn hãy cùng con trang trí góc học tập. Hướng dẫn con tư thế ngồi học, cho con biết tập vở phải cất ở đâu, như thế nào. Với các bé lớn hơn, hãy cùng con dọn dẹp lại góc học tập cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Xếp sách vở mới của con sẵn sàng lên kệ. Có thể dán thêm một thời khóa biểu xinh xắn chẳng hạn. Bé sẽ cảm nhận được mùa hè sắp qua và sẽ háo hức với năm học mới.
7. Thay đổi dần thời khóa biểu
Đừng đợi đến đúng ngày khai giảng mới đánh thức con dậy sớm đúng giờ đi học. Ngay từ bây giờ, bạn đã phải bắt đầu thay đổi dần thời khóa biểu của con. Ví dụ trong hè bé được dậy lúc 7 giờ thì từ nay, bạn cần cho con ngủ sớm hơn để sáng hôm sau thức dậy sớm hơn (lúc 6 giờ chẳng hạn). Việc thay đổi này cần thực hiện từ từ, tránh để bé bị đột ngột. Ngoài giờ đi ngủ, thức dậy, bé cũng cần quen dần với việc giảm từ từ giờ xem phim, chơi điện tử, đọc truyện tranh… Nếu bé quen với thời khóa biểu mới này rồi thì đến ngày khai giảng, bé chẳng thấy bỡ ngỡ hay mệt mỏi, khó chịu gì nữa cả.
8. Tạo không khí “cả nhà cùng đi học”
Nếu bé có anh chị, sẽ thật thuận lợi vì bé sẽ ảnh hưởng chính không khí háo hức chuẩn bị đi học lại từ anh chị của mình. Trường hợp bé là con đầu lòng của bạn, hãy nhắc đến chuyện đi học, chuyện khai trường khéo léo vào các bữa ăn, vào lúc gia đình quây quần chơi đùa. Những câu chuyện của bố kể về “hồi xưa, bố bằng tuổi Bi, bố háo hức lắm khi đến ngày khai trường…” sẽ khiến bé tò mò, thích thú. Bạn lưu ý, tuyệt đối không dọa hay làm bé sợ bằng những câu nhắc nhở kiểu như: “Con mà không ngoan thì mai mốt đi học cô giáo phạt cho coi!”, “Bé Bi đi học là không được ăn chậm thế này đâu nhé…”.