Mẹ&Con – Người ta bảo lời nói gió bay. Nhưng sự thật thì có những lời nói mà đến… bão cấp 11 cũng chẳng thể nào làm “bay” nổi. Vợ chồng vốn là những đối tượng bên nhau nhiều nhất, gần gũi nhất. Gần gũi quá hóa lờn. Thế nên rất nhiều lúc vô tâm bạn bật ra với người bạn đời cả những lời khiến “nạn nhân” dù muốn dù không vẫn phải “khắc cốt ghi tâm”.

“Lạnh” cả gối chăn mỗi khi nhớ lời chồng nói!

Yêu nhau 6 năm trời mới cưới, chị Hoàng M. (Quận 7) thú nhận rằng mình “thần tượng chồng và xem anh như một… ông vua”. Từng ý thích của anh đều được chị chiều chuộng theo. Từ lúc yêu cho đến ngày cưới, chị đều thể hiện rõ sự nhún nhường, tôn kính, nâng niu từng sở thích của chồng. Điều duy nhất chị không ngờ tới, là chính sự mềm mỏng, nhỏ nhẹ tuyệt đối, anh có la mắng gì oan cũng nín nhịn nhận lỗi về mình này đã khiến cái tính gia trưởng vốn đã khá lớn của anh… bùng phát lúc nào không hay.

“Càng ngày ảnh càng ít kiềm chế. Lúc bình thường, ảnh ngọt ngào dịu dàng bao nhiêu thì khi cơn giận bùng lên, có khi chỉ vì một chuyện nhỏ xíu, ảnh lại thô lỗ, kinh khủng bấy nhiêu. Vài lần đầu, tôi cố gắng cho qua. Nhưng về sau, mật độ nóng giận ngày càng trở nên dày đặc. Ảnh cứ nóng là dùng cả những lời thóa mạ rất nặng nề, kiểu như: Con người cô bệnh hoạn vừa vừa thôi, Câm miệng đi, Cút xéo, Biến cho khuất mắt tôi… Khi cơn giận qua đi, khi nhận ra tôi buồn và lén khóc một mình thì ảnh lại dỗ dành, nói rằng tính anh nóng lắm, nóng hết thì thôi. Nhưng nói thật, là con người mà, nghe hoài những lời xúc phạm, tổn thương, càng lúc tôi càng thấy mình đau và sợ gần ảnh. Có những lúc vợ chồng đang chăn gối, chợt nhớ đến những lời ảnh nói mình, tự nhiên cảm xúc yêu như đông cứng lại!”, chị bùi ngùi thổ lộ.

Có một câu chuyện đại loại thế này, người ông bảo đứa bé hay nóng giận mỗi lúc nóng giận thì đóng một cây đinh lên hàng rào. Vài ngày, hàng rào chằng chịt cả đinh. Cậu bé sợ quá bèn tìm cách cố kiềm chế cơn giận lại. Người ông lại bảo cứ mỗi lần kiềm chế được thì cháu hãy nhổ một cây đinh ra. Vài tuần, thế là cậu bé nhổ được cây đinh cuối cùng. Cậu hớn hở khoe với ông. Nhưng người ông liền dẫn cậu ra và chỉ cho cậu xem chỗ hàng rào gỗ giờ đây chằng chịt… những lỗ đinh. Người ông dịu dàng bảo rằng: “Hậu quả của một cơn nóng giận có khi sẽ được khắc phục, được cho qua. Thế nhưng những tổn thương mà nó còn lại, sẽ như vết đinh trên hàng rào, vĩnh viễn không bao giờ có thể liền lại bình thường như trước nữa!”.

Quả thật, trong đời sống vợ chồng, chẳng mấy người có thể làm được cái chuyện không bao giờ cãi nhau. Song, lời nói khi bạn nóng giận, lúc cãi nhau được kiểm soát đến mức độ nào là điều vô cùng quan trọng. Như câu chuyện của chị Ngọc U. (Quận 9). Một lần khi vợ chồng cãi vả (nguyên nhân cũng chỉ là chuyện ghen tuông nhỏ nhặt thôi), anh Quang H. chồng chị buột miệng: “Tôi tưởng cô giống mẹ cô, bỏ theo trai rồi chứ!”. Anh nói đến đó thì chị U. lặng người, chết sững không nói được lời nào nữa.

Rồi ngày qua ngày, phần thì chồng tích cực hàn gắn, xin lỗi, phần thì nghĩ thương con còn nhỏ, chị U. lại thôi, bỏ qua, trở về với nhịp sống vợ chồng bình thường. Thế nhưng, không ai biết được rằng thỉnh thoảng chị lại tìm đến trung tâm tư vấn, thổ lộ riêng với một nữ chuyên viên tâm lý thân tín, rằng sau cái ngày nghe câu nói xúc phạm của chồng đó, chỉ có chị mới biết rằng tình cảm mình dành cho anh không còn “bình thường” nữa, dù chị cũng rất muốn thứ tha.

“Lúc nào câu nói ấy cũng lảng vảng trong đầu, cũng làm tôi đau. Tôi cố gắng gượng cười, vui đùa bên chồng bên con như xưa, nhưng rõ ràng mọi thứ không bao giờ còn như xưa được nữa. Chính tôi cảm nhận được sự vô vị dần trong cuộc sống hôn nhân của mình. Ảnh bệnh tôi không còn thấy cảm giác xót xa tận đáy lòng, dù rằng vẫn chăm sóc đầy đủ, đúng mực. Ảnh về trễ tôi không thấy nhớ. Ảnh nhắn tin lời lẽ yêu thương, tôi đọc không còn thấy vui!”, chị trầm ngâm nói với chuyên viên tâm lý.

dung gay ton thuong nhau bang loi noi

(Ảnh minh họa)

Học cách “lựa lời” ngay cả khi nóng giận!

Ông bà ta có câu: “Lời nói, đọi máu” để chỉ tính nghiêm trọng của một lời thốt ra. Bạn đừng nghĩ giản đơn theo kiểu ai mà chẳng có lúc nóng giận, nóng giận thì nói ác mồm ác miệng một chút vậy thôi chứ đâu phải có ý gì, hết chuyện xin lỗi này kia rồi thì thôi, chứ còn muốn gì nữa?!! Thực tế, có những lời nói đủ sức phá vỡ đi cả một mối quan hệ hay một mái ấm gia đình. Bởi lẽ khi bị xúc phạm quá mức, nhất là xúc phạm đến cha mẹ, đến khiếm khuyết cơ thể, đến những nỗi mặc cảm, những nỗi đau riêng cố cất giấu nhiều năm, thì sự tổn thương bạn mang đến cho người bạn đời của mình sẽ hệt như vết đinh đâm vào gỗ, mãi mãi còn lỗ cho dù đã rút đinh ra!

Không ít người vợ hoặc người chồng từng tìm đến với các trung tâm tư vấn, hoặc đến những bạn bè thân thiết, tin cậy để thổ lộ chuyện… khó nói. Họ cho biết không thể (không muốn) ly hôn vì gia đình vẫn yên ấm, người bạn đời vẫn có trách nhiệm, con cái lại cần cả bố mẹ ở bên. Thế nhưng, tình yêu trong họ cứ cạn dần và lạnh đi vì những lời lẽ xúc phạm nhau cứ tích tụ hoài theo năm tháng.

Có lần, một người chồng tìm đến trung tâm, anh bảo phân vân quá với việc muốn xin ly hôn vì lý do của anh thật sự… không giống ai. Sau rất nhiều ngập ngừng, anh kể rằng cách đây 4-5 năm, có một giai đoạn anh làm ăn thất bại, sa sút đủ điều, nợ nần chồng chất. Vợ chồng stress nên cãi nhau. Trong cơn nóng giận và cãi quá kịch liệt, vợ anh thốt ra một câu: “Thế anh cũng coi lại anh đi… Anh tưởng anh là cái gì, anh chỉ là cái thằng đàn ông ăn bám vợ thôi, biết không?”.

Sau trận cãi long trời lở đất, vợ chồng anh lại làm hòa, lại chung lưng đấu cật cùng nhau vượt qua những ngày nợ nần. Anh cũng đã tìm được công việc mới ổn định, phát triển dần sự nghiệp mấy năm sau. Thế nhưng, anh lúng túng thú thật: “Đã 4-5 năm rồi, tôi không còn thật sự có cảm giác muốn gần gũi vợ chồng với vợ. Ban đầu cô ấy tưởng tôi có ai khác, sau đó khi biết thật sự tôi không có ai thì lại đổ sang, cho là tôi quá bận rộn với công việc hay do lớn tuổi rồi, không còn ham muốn, hoặc trục trặc này kia… Chỉ có chính tôi biết rằng không phải vậy. Thật tình là tình yêu của tôi dành cho cô ấy đã chết hẳn khi cô ấy chỉ vào mặt tôi bảo rằng tôi chỉ là cái thằng đàn ông ăn bám vợ. Tôi vẫn hiểu đó là lời nói lúc nóng giận, rằng thật ra bình thường cô ấy vẫn là một người vợ tốt. Nhưng sao tôi không còn có thể yêu, không còn có thể có cảm xúc với cô ấy như xưa…”.

Chuyên viên tư vấn khi nghe câu chuyện đó đã… rùng mình, bởi lẽ chắc chắn rằng nếu người vợ nghe được những điều này, chị không bao giờ có thể tin được một lời nói của mình thốt ra lại để lại nỗi ám ảnh cho người bạn đời của mình đến thế kia. Khi nóng giận, tâm lý của người trong cuộc chỉ muốn nói cho đã nư, cho sướng miệng, cho đối phương “gục ngã”, “đau đớn” và mình thì hả hê vì chiến thắng trong trận khẩu chiến. Không ai kịp nghĩ rằng những lời mình nói có khi vĩnh viễn không bao giờ rút lại được, và nó đủ sức ăn mòn cả một tình yêu, cả một mái ấm gia đình…

“TUYỆT CHIÊU” GIÚP BẠN TRÁNH… LỠ LỜI!

– Tuyệt đối không nhắc đến cha mẹ, dòng họ của “đối phương” khi bạn đang trong cơn nóng giận. Một lời “sẩy miệng” bình thường có thể được cho qua, nhưng một lời xúc phạm đến cha mẹ của nhau, thường sẽ để lại sự tổn thương khó lòng hàn gắn.

– Cho dù có nóng giận cỡ nào, bạn cũng cần tuyệt đối không dùng đến cách xưng hô cạn tàu ráo máng như gọi chồng hoặc vợ bằng mày tao. Hạn chế đến mức thấp nhất có thể dùng đến những từ chửi thề, tục tĩu.

– Tuyệt đối không lấy khiếm khuyết cơ thể, không lấy những mặc cảm, những nỗi đau riêng của người bạn đời của mình ra làm “vũ khí” để nói cho đã nư trong cơn nóng giận. Nếu chạm đến điều này, bạn rất khó lòng còn cơ may cứu vãn tình hình.

– Nếu biết mình hoặc người bạn đời thuộc dạng “nóng như Trương Phi”, nên hạn chế tranh luận với nhau trong lúc cả hai còn chưa bình tĩnh được. Một ly nước mát, một vài tiếng đồng hồ tránh ra ngoài, tắt điện thoại… sẽ giúp bạn vượt qua giây phút “căng như dây đàn”.

Tags:

Bài viết liên quan